Thứ Tư, 24/02/2021, 10:56 (GMT+7)
.

Thầy Năm Tú và dấu ấn của nghệ thuật cải lương

Giáo sư - Tiến sĩ Âm nhạc học Trần Văn Khê nhận xét thầy Năm Tú như sau: “Mặc dù thầy Năm Tú không phải là kép hát nhưng có công xây dựng một rạp hát đầy đủ phương tiện, là một cơ ngơi xứng đáng cho những buổi diễn lớn. Ông lại có công gắn liền tên gánh hát của mình vào đĩa hát Pathé Phono và đã phổ biến lối hát cải lương đến những nơi hẻo lánh; đồng thời tạo điều kiện cho những đào, kép giỏi có chỗ hành nghề, xây dựng tên tuổi. Các nghệ sĩ cải lương lừng danh đều coi thầy Năm Tú như một ân nhân, giúp họ bước chân vào nghề và tiến bộ trong nghệ thuật cải lương…”.

LẬP GÁNH - XÂY RẠP HÁT CẢI LƯƠNG ĐẦU TIÊN

Thầy Năm Tú hay Pierre Tú có tên thật là Châu Văn Tú, người làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Ông xuất thân từ một gia đình hào phú, là người Việt đầu tiên mua xe hơi ở nước ta (năm 1907).

Thầy Năm Tú hay Pierre Tú có tên thật là Châu Văn Tú
Thầy Năm Tú hay Pierre Tú có tên thật là Châu Văn Tú.

Vốn sinh ra ở vùng đất có truyền thống âm nhạc, nên ông rất say mê nghệ thuật cải lương. Khoảng năm 1917, ông xuất tiền mua lại gánh “Xiếc và Ca ra bộ An Nam Trẻ” của André Thận, do ông này kinh doanh nghệ thuật bị thua lỗ; và thành lập gánh hát thầy Năm Tú.

Để gánh hát có quy mô lớn, ông đã tuyển thêm đào kép mới, thuê họa sĩ vẽ tranh phong cảnh để làm phông (fond), phỏng theo lối trang trí của các rạp hát Tây ở Sài Gòn và mua sắm y phục đẹp cho đào kép; mời Trương Duy Toản, một nhà Nho yêu nước, từng hoạt động trong phong trào Duy Tân soạn tuồng và bỏ tiền xây dựng rạp hát vào đầu năm 1918 ở gần chợ Mỹ Tho (hiện nay tọa lạc ở ngã ba đường Lý Công Uẩn và đường Nguyễn Huệ, phường 1, TP. Mỹ Tho) để gánh biểu diễn. Đây là rạp hát cải lương đầu tiên của nước ta.

Thầy Năm Tú là người có công lao to lớn trong việc gầy dựng lối hát cải lương vào buổi ban đầu, góp phần quan trọng cho sự phát triển nghệ thuật cải lương, để Tiền Giang được mệnh danh là “cái nôi” của bộ môn nghệ thuật độc đáo này.

Trước đó, các gánh hát thường biểu diễn ở đình, miếu hoặc che dựng tạm thời, hát xong dẹp bỏ. Rạp thầy Năm Tú có sân khấu rộng và cao; bố trí hệ thống ròng rọc để thay đổi phông, màn; hai bên sân khấu có treo nhiều lớp cánh gà; có hệ thống ánh sáng theo sự điều khiển hằng đêm của thầy tuồng. Rạp có hai tầng, ghế chia theo thứ hạng, trên lầu cạnh hai bên sân khấu được chia thành từng “lô” dành cho các vị khách quan trọng.

Mỗi tối, trước khi khai diễn, ông bày ra tiết mục “tableau vivant” nhằm giúp khán giả nhìn mặt toàn thể diễn viên của gánh sẽ diễn trong đêm hát. Vở cải lương đầu tiên được biểu diễn trong ngày khai trương rạp hát Thầy Năm Tú (ngày 15-3-1918) là vở Kim Vân Kiều của soạn giả Trương Duy Toản.

QUẢNG BÁ NGHỆ THUẬT CẢI LƯƠNG

Do có tiềm lực tài chính hùng hậu, trình độ quản lý chặt chẽ, thu hút được nhiều diễn viên giỏi (Tám Củi, Sáu Nhiêu, Tám Danh, Ba Du, Phùng Há, Tư Sạng, Năm Châu…) và tuồng tích đặc sắc, nên gánh hát của ông ngày càng nổi tiếng. Vì thế, theo yêu cầu của giới mộ điệu, cứ đến tối thứ Bảy mỗi tuần, toàn gánh lên diễn ở rạp Eden (Chợ Lớn). Sau đó, ông thuê rạp Modern ở Sài Gòn để biểu diễn vào hai tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần.

Ảnh: NGỌC LỆ
Ảnh: NGỌC LỆ

Sau khi rạp hát cải lương ra đời và nghệ thuật cải lương được công chúng đón nhận nồng nhiệt, ông đã nghĩ ra cách khuếch trương tên tuổi gánh hát, đồng thời quảng bá cải lương để bộ môn nghệ thuật này tiến xa hơn.

Khi đại diện hãng đĩa hát Pathé Phono của người Pháp đến rạp thầy Năm Tú xem cải lương, họ đã hài lòng trước cách tổ chức biểu diễn của ông. Chủ hãng dĩa đã đồng ý ký hợp đồng với thầy Năm Tú sản xuất dĩa hát cải lương. Hãng đã mời các diễn viên của gánh thầy Năm Tú thu dĩa các tuồng cải lương để kinh doanh. Các dĩa hát thời này đều được bắt đầu bằng câu giới thiệu: “Đây là gánh hát thầy Năm Tú ở Mỹ Tho hát tuồng… trên dĩa Pathé Phono nghe chơi”.

Đồng thời, để có thể cho dân chúng nghe đĩa một cách phổ biến, ông liên kết với các chủ sản xuất máy hát đĩa. Để phân biệt với máy hát của Pháp, ông cho in nhãn hiệu con chó trên máy, còn trên đĩa hát thì in hình con gà trống đỏ. Đây là loại đĩa hát tiếng Hoa và Việt. Dành cho người Hoa nghe thì ông làm đĩa nhạc Hoa hoặc hòa tấu, còn loại tiếng Việt ưu tiên cho cải lương. Nhờ có máy hát đĩa và đĩa con gà trống đỏ mà nghệ thuật cải lương nhanh chóng được lan truyền và ngày càng hưng thịnh.

TUỆ MINH

 

.
.
.