Thứ Ba, 27/04/2021, 09:54 (GMT+7)
.

Cần tạo "cú hích" cho cải lương

(ABO) Trong cuộc hành trình hơn 100 năm hình thành và phát triển, cải lương không chỉ trở thành bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, mà còn là nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam nói chung và Nam bộ nói riêng. Hơn 100 năm qua, cải lương là tiếng tự tình của dân tộc, phản ánh hơi thở của cuộc sống bằng giai điệu hò - xự - xang - xê - cống, làm say đắm biết bao thế hệ mộ điệu.

a
Tiền Giang được xem là "cái nôi" của nghệ thuật cải lương. Ảnh: TL

Khi mới xuất hiện lần đầu ở Mỹ Tho vào năm 1918, cải lương nhanh chóng phát triển để ngày càng hoàn thiện, trở thành loại hình nghệ thuật phổ biến từ Nam ra Bắc, thu hút đông đảo khán giả mộ điệu khắp cả nước. Dù được sinh sau đẻ muộn so với các loại hình nghệ thuật khác như tuồng, chèo…, nhưng cải lương nhanh chóng phát triển rực rỡ và kéo dài cho đến những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ XX.

Từ sau thập niên 1990 đến nay, cải lương bước vào giai đoạn thoái trào, mất dần khán giả, nhất là đối với khán giả trẻ. Việc hát cải lương chủ yếu diễn ra trong không gian nhỏ hẹp, trong các chương trình mang tính tạp kỷ, các buổi giao lưu, họp mặt, cưới hỏi, sinh nhật… với việc diễn lại các trích đoạn cải lương “vang bóng một thời”.

Việc đầu tư để dàn dựng các vở cải lương mới chủ yếu để tham dự các liên hoan, hội thi, hội diễn… Tuy nhiên, các vở cải lương được dàn dựng mới dù tốn rất nhiều thời gian, công sức, kinh phí, được đánh giá cao nhưng sau khi tham gia các liên hoan, hội thi, hội diễn xong cũng phải xếp lại, vì nếu mang đi diễn phục vụ miễn phí cho công chúng thì cũng không thu hút được khán giả đến xem.

Trước thực trạng đó, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã nỗ lực khôi phục cải lương với nhiều cách làm mới, sáng tạo nhằm vực dậy bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc. Tuy nhiên, việc kéo khán giả đến với cải lương vẫn chưa được như mong muốn.

a
Một trích đoạn cải lương được anh em nghệ sĩ Tiền Giang dàn dựng và diễn tại Rạp hát Thầy Năm Tú. Ảnh: Văn Thảo

Ở Tiền Giang, chương trình Dạ khúc tri âm được tổ chức định kỳ vào tối 17 hằng tháng ở Rạp hát Thầy Năm Tú (TP. Mỹ Tho), ban tổ chức quy tụ những nghệ sĩ tên tuổi của tỉnh như NSƯT Đào Vũ Thanh, NSƯT Nhơn Hậu; đồng thời, mời các nghệ sĩ nổi tiếng ở TP. Hồ Chí Minh như: NSND Bạch Tuyết, nghệ sĩ Thanh Kim Huệ, Trọng Phúc… về để tái hiện lại các trích đoạn cải lương kinh điển như Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Lan và Điệp… nhằm phục vụ khán giả mộ điệu của tỉnh nhà. Mặc dù chương trình hoàn toàn miễn phí, nhưng vẫn chưa thu hút được đông đảo khán giả đến xem.

Trong khi ở nhiều tỉnh, thành và kể cả TP. Hồ Chí Minh, cải lương đang trầy trật để “sống”, thì Nhà hát Cao Văn Lầu (tỉnh Bạc Liêu) vẫn định kỳ sáng đèn mỗi tuần, suốt từ năm 2018 đến nay. Với việc dựng lại các vở cải lương đã đi vào lòng giới mộ điệu, các suất diễn của Đoàn cải lương Cao Văn Lầu tại Nhà hát Cao Văn Lầu đều thu hút hàng trăm khán giả mộ điệu đến xem, cổ vũ. Nguyên nhân Nhà hát Cao Văn Lầu vẫn liên tục sáng đèn từ năm 2018 đến nay là bởi sự tâm huyết, được đầu tư đúng mức, bài bản, cùng với sự chuyên nghiệp từ khâu dàn dựng, nghệ sĩ, quảng bá…

Từ thành công của Bạc Liêu có thể thấy, để vực dậy bộ môn nghệ thuật truyền thống cải lương, chỉ có sự tâm huyết thì chưa đủ, mà đòi hỏi phải có đầu tư đúng mức, bài bản, chuyên nghiệp để tạo “cú hích” thì mới có thể kéo chân khán giả đến với cải lương. Cần quan tâm đúng mức để cải lương - bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc - đừng bị mai một và dần dần chỉ còn lại trong ký ức của người già...

THIÊN LÊ

 

.
.
.