Thứ Tư, 16/06/2021, 14:00 (GMT+7)
.
NHÀ THƠ XUÂN DIỆU VÀ HUY CẬN ĐẾN CHƠI LÀNG VĨNH KIM:

Hẹn nhau Chợ Giữa ta về ngày mai

Hồi ký của cố Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê đã ghi rõ câu chuyện lãng mạn, đầy chất tài tử Nam bộ như sau: Vào năm 1939, nhà thơ Xuân Diệu đang làm việc tại Sở Thương chánh tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang); còn nhà thơ Huy Cận mới đậu bằng kỹ sư Canh nông tại Hà Nội, đang vào Nam thăm Xuân Diệu.

Biết tại làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho có hai gia đình nhạc sĩ, hai nhà thơ tìm đến thăm và ước ao được thưởng thức tiếng đờn tài tử miền Nam. Làng Vĩnh Kim lại có thi sĩ Khổng Nghi thường làm thơ đăng báo, nên đi một chuyến mà gặp được cả thi sĩ này.

Tôi chỉ biết Xuân Diệu qua tập Thơ Thơ, trong đó có bài:

Dưới thuyền nước trôi
Trên nước thuyền chuồi
Và nước và thuyền
Xuôi dòng đi xuôi

Nước không vội vàng
Cũng không trễ tràng
Thuyền không chậm chạp
Nhưng không nhẹ nhàng

Nước trôi vô tri
Vô tình, thuyền đi
Nước không biết thuyền
Thuyền biết nước chi?

Bài thơ đó gợi ý cho tôi bàn với thi sĩ Khổng Nghi và anh Mỹ Ca tổ chức một đêm dạo thuyền trên sông Sầm Giang dưới ánh trăng rằm để đón 2 nhà thơ Xuân Diệu và Huy Cận.

Khi nước ròng, sông Sầm Giang chảy từ Vĩnh Kim đến làng Kim Sơn, Rạch Gầm. Thuyền khá lớn, đủ chỗ cho 4 nhạc sĩ: Anh Mỹ Ca đờn violon, chị Sáu Hường và chị Bảy Trang đờn tranh, tôi đờn kìm, em Trạch ca cho khách ngồi nghe nhạc, thưởng trăng, chờ nồi cháo gà xé phay và nồi chè “tào thưng” được hâm nóng. Trăng đã lên được một sào, thuyền bắt đầu rời bến. Qua khỏi khúc sông cuối chợ, thuyền neo lại, đờn lên dây, ca lên giọng, đờn thay phiên nhau rao mấy câu mở đầu. Hai bên bờ sông, nghe tiếng đờn, không ai bảo ai, nhà nào cũng mở cửa thắp đèn, nơi này vài người ngồi xung quanh ngọn đèn dầu, nơi kia đứng tựa cửa trông về phía sông.

Sau khi ca xong đôi bài Bắc, dứt những bài Ai, Oán, anh lái thuyền mở dây cột thuyền, thuyền theo con nước ròng trôi nhẹ về phía Rạch Gầm. Trên bờ, mọi nhà đã tắt đèn, đóng cửa. Hai bên bờ sông vắng lặng, thuyền tiếp tục thả trôi, nhưng vẫn còn một nhà sáng đèn, bóng một thiếu nữ tựa cửa nhìn theo chiếc thuyền, như còn luyến tiếc giọng ca, tiếng đờn. Anh lái thuyền cao hứng cất giọng hò:

“Hò ơ ... ơ gió đưa cơn buồn ngủ lên bờ
Ở ... chớ mùng ai có rộng ờ...
cho tôi ngủ nhờ một đêm ơ...ơ...”.


Cánh cửa đóng lại cái rầm, ngọn đèn tắt phụt. Nhưng cô gái e thẹn kia liệu có ngủ được chăng, hay là tiếng đờn và giọng hò ai vẫn còn văng vẳng bên tai? Anh Xuân Diệu thích quá, cười nói: “Văn nghệ dân gian thật tuyệt vời!”.

Canh tàn. Nước lớn, sông chảy ngược về phía làng Vĩnh Kim. Đờn thỉnh thoảng rao đôi câu. Xuân Diệu, Huy Cận và Khổng Nghi đọc rồi bình thơ. Nồi cháo gà tỏa mùi thơm phức mời mọc. Đến lượt chè tào thưng nấu với bột khoai, bún tàu, nước dừa, đường cát, làm cho 2 nhà thơ xuýt xoa khen món ngon lạ miệng...

Nhà thơ Xuân Diệu và Huy Cận bắt tay từ giã chúng tôi, cảm ơn các nghệ sĩ Sầm Giang đã cho 2 bạn thưởng thức một đêm trăng thanh gió mát, nghe tiếng đờn réo rắt, giọng ca mùi mẫn, lại còn được thưởng thức đặc sản miền Nam, gà xé phay cùng với “tào thưng”, một loại chè mang tên lạ mà Xuân Diệu nhớ mãi về sau. Và hẹn sẽ trở lại Vĩnh Kim trước khi ra miền Bắc.

Nhưng “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Sau đêm dạo thuyền ấy, không có đêm thứ hai. Mãi đến năm 1976, sau 35 năm, tôi từ Pháp về nước và gặp lại Xuân Diệu tại Hà Nội trong chuyến đi điền dã đầu tiên. Vừa gặp tôi, anh nhắc liền đến đêm dạo thuyền trên sông Sầm Giang và tặng tôi quyển sách viết về cụ Nguyễn Du, thay cho mấy hàng đề tặng, anh ghi cho tôi bài thơ rất tình.

Hỡi lòng ta nhớ Vĩnh Kim
Vừng trăng Chợ Giữa cái đêm buông thuyền
Rì rào dừa nước hai bên
Dòng sông vắng lặng, mát hiền lòng sông
Chúng ta trẻ lắm, hồn chung
Say thơ, mê nhạc, đắm cùng thiên nhiên
Ấy đêm nhạc nổi trong thuyền
Tiếng ca nghệ sĩ, tiếng huyền tài năng
Dưới trăng, mời chén tào thưng
Mà ba mươi lẻ năm chừng đã qua!
Bạn ơi Tổ quốc chúng ta
Cùng chung nhau đó mãi xacách gì!
Nắm tay thật chặt Văn Khê
Hẹn nhau Chợ Giữa ta về ngày mai
Rằng nghe nức tiếng cầm đài
Nước non luống những lắng tại Chung Kỳ.

HỒNG LÊ

(Trích Hồi ký GS.TS Trần Văn Khê)

 

.
.
.