Thứ Sáu, 25/06/2021, 18:14 (GMT+7)
.

Tài nguyên văn hóa: Hiệu quả khai thác?

(ABO) Tiền Giang có 22 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt; 160 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh gắn liền với tên tuổi các anh hùng dân tộc, các sự kiện văn hóa - lịch sử như: Di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, Di tích Chiến thắng Ấp Bắc, Lăng Trương Định, Thủ Khoa Huân, Lăng Hoàng Gia, chùa Vĩnh Tràng, đình Long Hưng, Di tích khảo cổ Óc Eo - Gò Thành...

a
Chùa Vĩnh Tràng thu hút đông đảo khách đến tham quan. Ảnh: Minh Thành

Bên cạnh đó, Tiền Giang là một trong những địa phương được xem là “cái nôi” của đờn ca tài tử và nghệ thuật cải lương. Tiền Giang còn là quê hương gắn liền với nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Tủ thờ Gò Công, nón bàng buông Tân Hiệp, dệt chiếu Long Định… Tiền Giang còn có Làng cổ Đông Hòa Hiệp, mang đậm nét kiến trúc văn hóa Nam bộ, với niên đại hơn 100 năm. Đó là lợi thế rất lớn của Tiền Giang để phát triển du lịch mà không phải tỉnh nào ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng có được.

Trong những năm qua, tỉnh đã đặc biệt quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo, chỉnh trang… các di tích lịch sử - văn hóa nhằm giáo dục truyền thống, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, thu hút khách du lịch… Từ sự nỗ lực của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch trong việc kết nối các khu, điểm du lịch với các di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh nên bước đầu đã mang lại kết quả tích cực. Một số di tích lịch sử - văn hóa đã thu hút được khách du lịch đến tham quan như Di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, Di tích khảo cổ Óc Eo - Gò Thành...

a
Nhà Bạch Công Tử đang được đưa vào khai thác du lịch. Ảnh Minh Thành

Tuy nhiên, việc đưa các di tích lịch sử - văn hóa vào khai thác du lịch vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng, lượng khách du lịch đến tham quan các di tích lịch sử - văn hóa chưa nhiều, một số di tích lịch sử - văn hóa gần như chưa có tour, tuyến du lịch kết nối đưa khách đến tham quan. Bên cạnh đó, do các khu di tích lịch sử - văn hóa chưa được đầu tư đúng mức nên chưa thu hút du khách quay trở lại hoặc giới thiệu cho nhiều người khác đến tham quan.

Việc đưa đờn ca tài tử vào phục vụ khách du lịch cũng chưa được đầu tư đến nơi đến chốn, chưa mang tính chuyên nghiệp cao nên loại hình nghệ thuật độc đáo này vẫn chưa tạo được dấu ấn mạnh mẽ cho khách du lịch trong và ngoài nước. Chợ nổi Cái Bè được xem là nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước nhưng cũng ngày càng mai một dần, chưa đặc sắc như chợ nổi ở một số địa phương khác trong vùng ĐBSCL…

Có nhiều nguyên nhân khiến cho việc đưa các di tích lịch sử - văn hóa, các làng nghề truyền thống, đờn ca tài tử… vào khai thác du lịch nhưng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Tuy nhiên, dễ dàng nhìn thấy nguyên nhân chủ yếu là do chưa đầu tư đúng mức để biến các di tích lịch sử - văn hóa, các lễ hội, làng nghề truyền thống… trở thành các điểm đến hấp dẫn của du khách. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng cũng chưa đồng bộ nên làm hạn chế việc thu hút khách du lịch đến với các khu di tích lịch sử - văn hóa.

a
Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp diễn ra nhiều hoạt động thu hút du khách. Ảnh: Minh Thành

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu nhấn mạnh rằng, chúng ta phải coi văn hóa ngang bằng với những lĩnh vực quan trọng nhất như chính trị, kinh tế. Nghị quyết 33 ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng xác định văn hóa chính là một tài nguyên của dân tộc, phải khai thác, phải biến nó thành những lợi khí phục vụ sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và nhất là phát triển đất nước.

Tiền Giang là một trong những tỉnh vùng ĐBSCL có tài nguyên văn hóa phong phú, đa dạng. Không như tài nguyên thiên nhiên, càng khai thác càng cạn kiệt, tài nguyên văn hóa càng khai thác thì càng phát triển, vì tài nguyên văn hóa là tài nguyên luôn được tái tạo. Vì vậy, cần có chiến lược đầu tư để khai thác có hiệu quả tài nguyên văn hóa của tỉnh nhà, tránh lãng phí.

THIÊN LÊ

 

.
.
.