Thứ Sáu, 20/08/2021, 10:38 (GMT+7)
.
TRUYỆN NGẮN

Bán anh em xa…

(ABO) Sáng nay, cái tin ông chạy xe ba gác nhà cuối hẻm bị F0 làm chấn động cái xóm đất nền. Ông tổ trưởng vừa đi vừa la dài dài con hẻm, ai ở yên nhà đó, tạm thời không đi làm, không đi chợ nghe chưa.

Ông bị F0 tên Tư Gạo, làm nghề chạy xe ba gác, vợ thì lựa cá ở cảng cá, 2 thằng con trai thì phá gia chi tử, xăm trổ đầy người, suốt ngày đá gà, cờ bạc nên trong xóm không ai tới lui giao thiệp. Nửa tháng trước, thành phố ra chỉ thị giãn cách xã hội, cả nhà thất nghiệp, bà Tư thì ở nhà chứ ông Tư với hai thằng con vẫn chạy xe tè tè đi hoài. Dân trong xóm lắc đầu ngao ngán: Có làm gì đâu mà đi hoài, lỡ thành F0 cả xóm này bị giăng dây thì biết lấy gì mà sống.

Rồi chuyện gì tới cũng tới, nghe tin chừng hai tiếng, Linh đang đứng trong sân phơi đồ đã thấy hai người mặc đồ bảo hộ kín mít tới gõ cửa nhà ông Tư, theo sau là một người cũng mặc đồ bảo hộ kín mít mang bình xịt khuẩn phun khử tứ tung. Ngoài đầu hẻm, dân quân kéo cọng dây trắng đỏ giăng ngang, dựng trại. Sau khi lấy thông tin dịch tễ, cả nhà bốn người mặc đồ bảo hộ, đùm túm quần áo theo cán bộ y tế ra xe đi cách ly, hai con chó ngơ ngác vừa sủa vừa chạy theo chủ. Cả xóm bịt kín khẩu trang thập thò trước cửa nhà ngó theo dáng đi xiêu vẹo của bà Tư với ánh mắt vừa thương vừa tức.

Cái xóm nhỏ ven thành phố, dân tứ xứ tới mua đất, cất nhà, không bà con thân thiết, cộng thêm cách sống nửa chợ nửa quê thành ra mạnh ai nấy sống, nhà ai nấy biết. Linh về đây cũng được hơn hai năm rồi nhưng đi làm về là kéo cửa vô nhà cái rột, nhiều khi đụng mặt chủ nhà đối diện cũng không chào nhau, thành ra cả xóm có khoảng hơn 20 chục hộ chớ hổng ai biết ai.

Vậy là chính thức bị phong tỏa, bữa sáng giăng dây thì chiều đó lực lượng y tế xuống lấy mẫu từng người trong xóm. Linh lo lắng, hồi hộp vì thấy trên ti vi người ta bị lấy mẫu nhăn nhó dữ lắm. Tới lượt mình, Linh khai báo thông tin rồi nhắm mắt chờ đợi.

- Em ráng chút xíu, chị sẽ cố gắng làm nhẹ nhàng, không sao đâu. Giọng chị nhân viên nhỏ nhẹ.

- Dạ chị! Sáng giờ chắc mệt lắm hả chị?

- Ừa em! Cả tháng rồi chị chưa về nhà, thằng con hai tuổi của chị ngày nào nó cũng khóc đòi chị.

- Xong rồi em!

Ngày thứ hai bị phong tỏa, sau khi gọi điện sắp xếp công việc ở chỗ làm, Linh bắt đầu lo lắng những ngày sắp tới không biết đồ ăn thức uống phải mua sắm kiểu gì, Linh đã kịp chuẩn bị gì đâu. Tầm trưa, cô lớn tuổi đối diện nhà chạy qua kêu cửa.

- Con ơi ra lãnh đồ cứu trợ nè!

- Dạ vậy hả cô!

- Ờ, người ta cho gạo, đường, rau với chục hột gà đó con, mừng quá!

Đây là lần đầu tiên Linh nói chuyện với cô, mấy lần trước đi làm vô tình đụng mặt, có bữa Linh gật đầu chào, có bữa Linh lủi đầu đi tuốt. Giờ mới biết cô tên Nga, cô sáu Nga.

Người trong xóm chỉ lấy đúng phần của mình, nhà nào ít người còn chia bớt phần mình cho mấy hộ có đông nhân khẩu. Cứ cách ngày, không nhà hảo tâm này thì cũng mạnh thường quân khác, khi thì cho rau, có bữa cho cá, có bữa còn gói bánh tét với làm cải chua đem vô cho. Mấy anh dân quân thì túc trực, ai cần mua thuốc men hay gì cứ viết giấy bỏ vô rổ mấy ảnh đi mua giùm.

Rồi những ngày sau đó, mỗi lần được nhận đồ cứu trợ, thấy Linh chưa ra, không cô Sáu kêu thì bà Hai kế nhà cũng kêu, không thì ai lãnh đồ về ngang cũng ngó vô hỏi.

- Lãnh đồ chưa cưng!

- Bữa nay người ta cho cá biển với khóm kìa nhỏ ơi!

- Ra lấy lẹ không hết phần cô gì ơi!

Rồi những ngày sau đó nữa, có dịp ra quét sân, phơi đồ, Linh đã kịp cười bằng mắt với chú Hai, thím Bảy, kịp hỏi thăm chị Thúy nhà có hàng rào màu xanh đọt chuối nổi bật nhất xóm nấu cơm chiều chưa nếu bắt gặp họ cũng ra trước cửa nhà hóng gió, lặt rau. Linh kịp phát hiện ra cuối hẻm bên trái có nhà bà Chín Trầu, bà già rồi sống với con gái làm nghề bán vé số, hoàn cảnh khó khăn. Linh còn kịp phát hiện cái ông đầu trọc xăm trổ đầy người không lúc nào không thấy nhậu trước kia siêng năng, chăm chỉ lắm, từ ngày vợ bệnh ngặt nghèo rồi mất nên ổng buồn đâm ra như vậy.

Từ đó, mỗi lần nhận đồ cứu trợ, Linh hay chia cho bà Chín một ít phần của mình. Lâu lâu gửi mua được sữa, Linh còn mang qua cho bà mấy hộp. Linh thấy chú đầu trọc cũng không giả bộ ngó lơ, ghẹo chú sẵn dịp này cai rượu luôn hén chú.

Bà con trong xóm khắng khít nhau hơn, gặp nhau cười nói, chào hỏi động viên, nhà nào gửi được người thân ở ngoài mua đồ tiếp tế đều thông báo để cả xóm có ai gửi gì thì gửi ké. Cả xóm còn chia ca để cho hai con chó ông Tư Gạo ăn. Ai cũng tội nghiệp tụi nó, chủ đi hổng biết chừng nào dìa.

- Linh ơi! con hay tin gì chưa?

- Gì vậy cô Sáu?

- Bà Tư Gạo nghe nói bị nặng, phải thở máy, hồi nãy Sáu nghe ông Thành tổ trưởng gọi điện cho ông Tư hỏi thăm.

- Trời ơi, tội nghiệp bà Tư quá, con nghe nói bà Tư bình thường cũng bị tim với huyết áp.

- Ừ con, bởi vậy con thấy hôn, một người chủ quan cả nhà bị liên lụy, chưa kể nếu trong gia đình có người sức khỏe yếu thì nguy hiểm lắm con.

- Dạ, giờ ráng cầu trời cho bà Tư tai qua nạn khỏi.

- Cái bệnh gì mà ác nghiệt quá con, bởi Sáu la mấy đứa con Sáu hoài à, bệnh gì thì tự mình chịu chứ bị bệnh này không những một mình mình bị, mà mấy người xung quanh mình cũng bị vạ lây. Thôi Sáu dìa nấu cơm, con làm gì làm đi nha.

Cô Sáu đi rồi mà Linh còn đứng tần ngần ngoài sân. Dịch bệnh là điều không ai mong muốn, nhưng nhờ có nó, nhờ có những ngày bị phong tỏa, sống chậm, Linh mới có cơ hội ở gần con gái nhỏ của mình, thường ngày mẹ đi làm, con đi học, có mấy khi được chơi cùng nhau. Linh còn chợt nhận ra cái xóm nhỏ này thật ra toàn những người dễ thương và tình cảm, tại trước nay ít có cơ hội để mở lòng với nhau. Linh nghĩ về những người sống thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức không chỉ ảnh hưởng đến mình, đến mọi người, mà có khi còn đổi bằng mạng sống.

Nhìn lên tờ lịch treo tường, còn mấy ngày nữa thôi là hết thời gian phong tỏa, Linh mong gia đình ông Tư trở về, mong thành phố kiểm soát được dịch và hơn hết lúc này là mong hai chữ bình an.

THỦY LINH

.
.
Liên kết hữu ích
.