.

Đẩy mạnh xây dựng gia đình văn hóa

Cập nhật: 08:26, 25/12/2021 (GMT+7)

Nâng chất lượng xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) được xem là một trong những giải pháp đưa Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; làm nền tảng hình thành con người văn hóa.

Với tinh thần đó, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp thiết thực để việc xây dựng GĐVH ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả

NÂNG CHẤT GIA ĐÌNH VĂN HÓA

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), xác định xây dựng GĐVH có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược xây dựng con người và phát triển đất nước. Những năm qua, tỉnh đã chủ trương đưa nội dung công tác gia đình trở thành một trong những tiêu chí quan trọng xây dựng đời sống văn hóa. Nhiều mô hình về gia đình được thực hiện hiệu quả và triển khai nhân rộng trong toàn tỉnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định Hướng dẫn đánh giá và công nhận các danh hiệu văn hóa trong phong trào theo hướng đổi mới, thay đổi một số nội dung tiêu chuẩn nhằm phản ánh đúng thực tế xã hội, nâng cao chất lượng công tác bình xét các danh hiệu.

Các gia đình tham gia Ngày hội Gia đình tiêu biểu các tỉnh, thành phố miền Tây Nam bộ lần thứ II, năm 2020 tổ chức tại Tiền Giang.
Các gia đình tham gia Ngày hội Gia đình tiêu biểu các tỉnh, thành phố miền Tây Nam bộ lần thứ II, năm 2020 tổ chức tại Tiền Giang.

Song song đó, Sở VHTT&DL tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Quyết định Hướng dẫn đánh giá và công nhận danh hiệu GĐVH theo Nghị định 122 của Chính phủ, nhằm nâng chất tiêu chí đánh giá GĐVH: Xây dựng bảng chấm điểm GĐVH mới gồm các tiêu chuẩn, tiêu chí bao quát hầu hết các lĩnh vực, đạt độ tiệm cận hoặc cao hơn mức chuẩn so với một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; nội hàm các tiêu chí dễ định lượng, xác định được mức độ đạt và không đạt khi bình xét phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương và của tỉnh.

Quy định các trường hợp không được xét GĐVH, giúp cho việc bình xét được thuận lợi; đồng thời, hạn chế tối đa tính hình thức trong quá trình bình xét danh hiệu. Trong hướng dẫn đăng ký, bình xét, công nhận phải thực hiện đúng quy trình chi tiết, cụ thể các bước tiến hành, tuyệt đối không được “đốt cháy” giai đoạn, đảm bảo tuân thủ phát huy dân chủ, trên cơ sở bàn bạc biểu quyết; không để xảy ra tình trạng tổ chức bình xét mang tính qua loa, hình thức hay chạy theo thành tích.

Từ đó, công tác bình xét GĐVH hằng năm được thực hiện tốt, đảm bảo công khai, dân chủ, chất lượng; số lượng GĐVH của tỉnh luôn đạt từ 90% trở lên. Từ năm 2019 - 2021, có hơn 100 gia đình được UBND tỉnh, Sở VHTT&DL tuyên dương, khen thưởng nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc, Ngày Gia đình Việt Nam hằng năm. Đặc biệt, có 30 GĐVH tiêu biểu được UBND tỉnh tặng Bằng khen nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam.

GÓP PHẦN ĐẨY LÙI BẠO LỰC GIA ĐÌNH, TỆ NẠN XÃ HỘI

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc bình xét danh hiệu GĐVH vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: Hằng năm, dù tỷ lệ GĐVH đạt khá cao nhưng các vấn đề như tình trạng sinh con thứ 3, số vụ ly hôn ở các gia đình trẻ khá cao; vấn đề ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình (BLGĐ) tuy được kéo giảm nhưng vẫn còn ở mức cao...; một số địa phương còn biểu hiện chạy theo thành tích, các hộ gia đình còn tình trạng nể nang, ngại đụng chạm, thiếu tính dân chủ; đặc biệt, vẫn còn tình trạng xét nhiều danh hiệu tự phát gây lãng phí thời gian, công sức và phiền hà trong nhân dân.

Thực tế đó, đòi hỏi các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp cần có những biện pháp và giải pháp cụ thể để đẩy mạnh, nâng chất phong trào xây dựng GĐVH; đồng thời, trấn áp các loại tội phạm, đấu tranh làm giảm tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông…

Trên tinh thần đó, các ngành, địa phương, đoàn thể tùy vào tình hình thực tế đã đưa ra các tiêu chí xây dựng GĐVH phù hợp gắn với các phong trào thi đua, mô hình, như: “Cựu chiến binh gương mẫu”; “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; “Gia đình hiếu học”, “Gia đình nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa khó, giảm nghèo”...

Đặc biệt, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ của tỉnh thường xuyên tuyên truyền về vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con em không phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội; xây dựng các câu lạc bộ điểm về “Gia đình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội”; phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”; “Gia đình 5 không, 3 sạch”…

Theo đánh giá trong thực hiện 3 mục tiêu, 12 chỉ tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam của tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua đạt kết quả nổi bật, như: 95% hộ gia đình được tuyên truyền, phổ biến và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống BLGĐ, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; 95% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình và phòng, chống BLGĐ; hằng năm trung bình giảm từ 30% - 40% hộ gia đình có BLGĐ...

Gia đình là môi trường hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách mỗi con người nên việc siết chặt các tiêu chí xây dựng GĐVH thực sự là biện pháp hữu hiệu để nâng cao đời sống văn hóa, giảm tệ nạn xã hội, xây dựng cộng đồng văn minh. Các GĐVH tiêu biểu đã trở thành những điểm sáng ở cộng đồng dân cư, nhân tố tích cực, quan trọng trong việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

LÊ PHƯƠNG

.
.
.