.

Chuyện về chiếc nón bàng của Thanh niên Tiền phong

Cập nhật: 09:29, 01/01/2022 (GMT+7)

Trong quá trình đi sưu tầm văn hóa phi vật thể tại xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, chúng tôi đã được nhiều cô bác lớn tuổi cung cấp những câu ca dao, điệu hò, điệu lý, hát ru, câu đố, ngành nghề truyền thống… Đặc biệt, nơi đây có một nghề truyền thống nổi tiếng lâu đời, đó là nghề đương bàng.

Theo các vị cao niên kể lại: Khu vực này trước đây thuộc vùng đất Ba Giồng, là vùng đất kiến họ Tân, vì vậy tên gọi các xã bắt đầu là Tân: Tân Hương, Tân Hiệp, Tân Lý Tây, Tân Lý Đông, Tân Hòa Thành. Do là vùng đất cát, phèn chua nên quanh năm chỉ canh tác được một vụ lúa vào mùa mưa, năng suất thấp, cuộc sống người dân gặp vô vàn khó khăn, khổ nhất là trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, cuộc sống người dân vốn khốn khổ, lại càng khốn cùng, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc do bị bọn địa chủ, bọn quan lại, cường hào ác bá bóc lột, hà hiếp.

Hằng năm, những người tá điền phải nộp đủ các loại sưu thuế và còn phải thực hiện các loại lễ lộc khác cho địa chủ trong các dịp lễ, tết để mong chúng tiếp tục cho mướn ruộng canh tác, vì vậy trong dân gian có câu:

Quanh năm thắt bụng cày bừa
Quanh năm nhặt bát cơm thừa quanh năm
Có làm mà chẳng có ăn

Có ngày mà sống tối tăm mịt mù.

Để mưu sinh cuộc sống, ngoài việc đồng áng, người dân nơi đây còn phải vất vả bơi xuồng từ tờ mờ sáng cho đến chiều tối cả chục cây số vào rừng tràm vùng Đồng Tháp Mười để nhổ bàng già làm nguyên liệu sản xuất ra những sản phẩm giỏ, manh, bao, nóp, gối… Trong  những năm chiến tranh ác liệt, người dân phải dùng tấm đệm làm khố che thân, làm võng tải thương hoặc gấp đôi may kín hai đầu làm chiếc nóp cho bộ đội: Nóp với giáo mang ngang vai / Nhưng thân trai nào kém oai hùng… trong bài hát “Nam bộ kháng chiến” của tác giả Tạ Thanh Sơn.

Ngoài ra, chúng tôi còn được nghe kể về một điều thú vị về chiếc nón bàng mà lực lượng Thanh niên Tiền phong Nam bộ hay đội trong những năm Nam bộ kháng chiến: Năm 1945, phong trào đấu tranh ở các xã họ Tân rất mạnh. Tại xã Tân Hương có ngôi đình Tân Hương Tây, là nơi hội họp và sinh hoạt của lực lượng ta lúc bấy giờ, trong đó có ông giáo Dậu (Nguyễn Văn Dậu) và Nhà báo Khổng Nghi (Phạm Kỳ Ngởi) là hai thủ lĩnh phong trào Thanh niên Tiền phong tại đây.

Một lần đang ngồi uống nước, bất chợt nhìn cái gối đương bằng bàng được bà con phơi ở sân đình, hai ông đã nảy sinh ý tưởng và bàn với nhau: “Cái gối bàng mỗi đầu có bốn góc, sao mình không đương nửa cái gối rồi bẻ cạnh ra làm thành cái nón theo kiểu nón của Tây để thanh niên mình đội vừa mát, vừa nhẹ, vừa đẹp lại vừa rẻ, mà là của ta hoàn toàn”. Ý tưởng này được hai ông thực hiện ngay; và chỉ trong vài tuần sau chiếc nón bàng được tổ chức Thanh niên Tiền phong trong vùng yêu thích và nhanh chóng lan rộng khắp mọi nơi.

Sau đó, chúng tôi về tìm hiểu tư liệu, được biết thêm: Hành trang của đoàn viên, thanh niên Tiền phong: Đội nón bàng, mặc quần soọc màu xanh hay đen, sơ mi tay ngắn, giày sandal quai tréo, đeo dây thừng ở thắt lưng và một con dao găm bọc da; về sau thêm một cây gậy tầm vông. Tuy chỉ với những hành trang và vũ khí thô sơ, nhưng lực lượng Thanh niên Tiền phong nói riêng và nhân dân Nam bộ nói chung với lòng yêu nước nồng nàn, không quản ngại gian khổ, hy sinh, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đoàn kết một lòng, đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thần kỳ, đập tan ý chí xâm lược của bọn thực dân, phong kiến bán nước, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc ta.

NGUYỄN MẠNH THẮNG

 

.
.
.