.

Huỳnh Đình Điển - nhân sĩ nổi tiếng đất Gò Công

Cập nhật: 10:02, 05/01/2022 (GMT+7)

Mỹ Tho xưa có Nam Kỳ khách sạn, là một dãy lầu 10 căn nằm cạnh ga xe lửa (phường 1, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang ngày nay), do doanh nhân Huỳnh Đình Điển làm chủ. Ông người làng Thành Phố, tỉnh Gò Công (nay thuộc TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang), là một chí sĩ và là doanh nhân Việt Nam nổi tiếng đất Gò Công và nước ta. Vào đầu thập niên 1900, ông đã xuất vốn xây dựng và kinh doanh khách sạn ở Mỹ Tho, được xem là người kinh doanh khách sạn đầu tiên ở tỉnh ta.

Thuở nhỏ, ông học ở trường tỉnh, rồi chuyển lên Sài Gòn học Trường Chasseloup Laubat. Tốt nghiệp, ông ra làm thông ngôn cho Tòa Khâm sứ Trung kỳ, nhưng chỉ một thời gian ngắn thì xin nghỉ việc. Ông là học trò của Nhạc sư Lộ Công Trứ nổi tiếng đất Gò Công.

CÓ NHIỀU ĐÓNG GÓP CHO NGHỆ THUẬT CẢI LƯƠNG

Tuy ông là một doanh nhân nhưng rất say mê nhạc tài tử. Lúc làm thông ngôn Tòa Khâm sứ, có lần ông theo Nhạc sư Lộ Công Trứ ra kinh đô Huế đàn hát phục vụ cho Thái hậu Từ Dũ. Vốn là một nghệ nhân lành nghề, lại đam mê âm nhạc, ông tìm mua gỗ trắc, gỗ ngô đồng, ngà voi, xương voi... về làm một bộ nhạc cụ gồm: Đờn kìm, đờn tranh, tì bà, sến, độc huyền, tiêu và sáo. Tại Gò Công, ông lập ban nhạc tài tử gần 10 người, thường xuyên diễn tấu, vui chơi. Ông sử dụng đờn kìm điêu luyện, nhưng tài hoa nhất là thổi sáo. Cây sáo của ông được chế tác bằng ống xương voi.

Nhà yêu nước, doanh nhân Huỳnh Đình Điển.
Nhà yêu nước, doanh nhân Huỳnh Đình Điển.

Năm 1906, Pháp tổ chức hội chợ các nước thuộc địa ở TP. Marseille (Pháp), ngoài việc đem các đặc sản nông nghiệp hoặc mỹ thuật tham gia triển lãm, chính quyền 2 tỉnh Gò Công và Mỹ Tho còn cử 2 ban nhạc tài tử sang Pháp trình diễn, do ông cùng với Nguyễn Tống Triều dẫn đầu. Trong lần xuất ngoại này, 2 ban tài tử của Huỳnh Đình Điển và Nguyễn Tống Triều làm tròn nhiệm vụ giới thiệu văn hóa Việt cho bè bạn các nước thuộc địa.

Ở Marseille, trừ những đêm lên sân khấu biểu diễn, họ cùng nhau tham quan tìm hiểu, dự khán những đêm biểu diễn và học hỏi nhiều điều từ kịch nghệ phương Tây. Khi về nước, khoảng năm 1910, ông đi tàu đến Cái Thia (nay thuộc xã Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) mời ban nhạc tài tử của Tư Triều về Mỹ Tho lên sân khấu trình diễn vào đêm đầu tuần và cuối tuần; đồng thời, hai ông đã bày vẽ cách hát “ca ra bộ”. Lối diễn tấu mới này đã chinh phục được đông đảo khán giả bởi sự mới mẻ, sinh động, hấp dẫn của nó; là cái nền tiến đến sự ra đời của nghệ thuật cải lương.

NHÀ TƯ SẢN YÊU NƯỚC NHIỆT THÀNH

Minh Tân Khách sạn là một trong những tổ chức kinh doanh của phong trào Minh Tân, khách lui tới tấp nập. Minh Tân Khách sạn vốn là Nam Kỳ lữ điếm của ông Huỳnh Đình Điển - một nhà tư sản yêu nước ở Gò Công, nhưng ông thường giao cho Nguyễn Chánh Sắt (người Tân Châu) quản lý.

Là một nhà tư sản có tinh thần dân tộc, ông đã tích cực tham gia các hoạt động yêu nước vào đầu thế kỷ XX. Năm 1908, ông đã cho ông Trần Chánh Chiếu, tức Gilbert Chiếu, là nhà văn, nhà báo, có quốc tịch Pháp mượn Nam Kỳ khách sạn làm nơi liên lạc, hội họp, diễn thuyết, phân phát tài liệu, tuyên truyền và làm cơ sở kinh tài cho phong trào Minh Tân - là một phong trào chống Pháp ở Nam kỳ, xuất hiện vào năm 1908, do Trần Chánh Chiếu khởi xướng. Khách sạn Nam Kỳ sau đó được đổi tên thành khách sạn Minh Tân.

Nam Kỳ khách sạn xưa tọa lạc tại đường Trưng Trắc ngày nay.
Nam Kỳ khách sạn xưa tọa lạc tại đường Trưng Trắc ngày nay.

Ngoài ra, ông còn tham gia thành lập “Nam kỳ Minh Tân công nghệ”, trụ sở đặt tại khách sạn Minh Tân. Đây là công ty cổ phần, có vốn cố định lên đến 1.000 đồng Đông Dương, tương đương 25.000 francs. Việc thành lập “Nam kỳ Minh Tân công nghệ” nhằm mục đích cạnh tranh với tư bản Pháp và tư bản Hoa kiều trong việc phát triển tiểu thủ công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, giáo dục hướng về thực nghiệp, khẳng định vị trí kinh tế của giai cấp tư sản Việt Nam.

Cuối năm 1908, phong trào Minh Tân bị thực dân Pháp dập tắt, ông chuyển hoạt động kinh doanh lên Sài Gòn. Tháng 6-1925, bất chấp sự đe dọa của chính quyền thực dân, ông đã rước nhà yêu nước Phan Chu Trinh về cư ngụ tại khách sạn Bá Huê Lầu do ông làm chủ sau 14 năm cụ Phan xa Tổ quốc, trở về Sài Gòn. Tại đây, ông đã kết hợp với nhà yêu nước Nguyễn An Ninh tổ chức nhiều buổi diễn thuyết của cụ Phan, thu hút đông đảo dân chúng, nhất là giới thanh niên và trí thức ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận đến tham dự.

Những năm đầu thế kỷ XX, 2 cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đã từng đến Gò Công khơi dậy tinh thần yêu nước của nhân sĩ trí thức ở đây. Nhân sĩ Huỳnh Đình Điển cùng một số người quê Gò Công đã tích cực tham gia phong trào Minh Tân; và ông là người ủng hộ cụ Phan Chu Trinh trên nhiều lĩnh vực.

Trong bài “Sang Pháp đón cụ Phan Châu Trinh về nước” đăng trên Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh ngày 15-8-2018, tác giả Nguyễn Thị Minh (con gái cụ Nguyễn An Ninh) đã viết: “Nhận được thư, ông nội tôi lo lắm, vội chuẩn bị cho cha tôi sang Pháp gấp. Cái khó không phải là tiền bạc, mà là làm sao đưa cụ về an toàn. Suốt một tháng lênh đênh trên biển, sức cụ có chịu nổi không? Thời đó, nếu có rủi ro xảy ra thì đành phải vứt xác người chết xuống biển.

Cha tôi liền mời hai ông Khánh Ký, chủ hiệu ảnh, là bạn của cụ Phan từ những năm bên Pháp và ông Huỳnh Đình Điển, chủ khách sạn Bá Huê Lầu, là một nhà tư sản yêu nước lên Hóc Môn cùng ông nội tôi bàn bạc, đã nhất trí: Ông Khánh Ký và ông Huỳnh Đình Điển lo mọi chi phí đưa cụ Phan về nước và chi phí đi lại của cụ sau khi về Sài Gòn.

Gia đình tôi lo chi phí thuốc men, ăn uống, chăm sóc cho cụ trong chuyến sang đón và sau khi về Sài Gòn. Mọi hoạt động của cụ đều do cha tôi sắp đặt. Khi cụ khỏe thì đưa xuống khách sạn Bá Huê Lầu, khi mệt sẽ đưa về Hóc Môn. Bá Huê Lầu sẽ là nơi lo hậu sự cho cụ. Ho lao ngày đó là bệnh nan y không có thuốc chữa, chỉ có bồi bổ sức khỏe để kéo dài sự sống...”.

Tháng 3-1926, mặc dù được ông Huỳnh Đình Điển và những người thân trong gia đình của ông hết lòng chăm sóc, nhưng do bệnh tình ngày một trầm trọng, cụ Phan Châu Trinh đã từ trần. Ông Huỳnh Đình Điển và một số nhà yêu nước Phan Văn Trường, Trần Huy Liệu... đã đứng ra tổ chức lễ tang cụ Phan vô cùng trọng thể ở nghĩa trang tương tế Gò Công, tọa lạc tại Tân Sơn Nhất, thu hút hàng triệu đồng bào từ Nam ra Bắc tham gia; và từ đây cả nước dấy lên phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh, thực chất đây là phong trào chống thực dân Pháp và cổ động tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

Bên cạnh đó, doanh nhân Huỳnh Đình Điển còn tham gia hội kín “Thanh niên cao vọng”, do ông Nguyễn An Ninh lập ra. Đặc biệt, ông đã đóng góp tiền của cho sự ra đời và hoạt động của Báo Chuông Rè (La Cloche Fêlée), là cơ quan của tổ chức này.

Đương thời, Huỳnh Đình Điển có người bạn thân làm chủ bút tờ Công luận báo là Lê Sum (quê xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang ngày nay), là một trong những nhà báo cừ khôi ở miền Nam. Năm 1919, Lê Sum cho ra đời quyển “Việt âm Văn uyển”, ca ngợi người bạn thân của mình rằng: Châu phun ngọc nhả đành khôn sánh / Gấm bọc vàng trao mới đáng cho.

Về cuối đời, doanh nhân Huỳnh Đình Điển sống tại Gò Công, thỉnh thoảng ông lấy đờn ra khảy hoặc lấy tiêu ra thổi. Những người bạn tri âm tri kỷ đều đã qua đời, tiếng đàn ông giống như tiếng kêu lạc lõng giữa đêm khuya. Trước khi mất, ông dặn vợ đem bộ nhạc cụ của mình đốt, để ông gặp bạn của mình dưới suối vàng cùng hòa tấu.

Khách sạn Minh Tân làm dịch vụ khách sạn, có phòng ngủ, cửa hàng ăn uống và cửa hàng bán các mặt hàng cao cấp nội, ngoại nhập: Đèn Tây, dầu lửa, giấy bông, tranh sơn thủy, chiếu, vải lụa, xà bông, nước mắm Phú Quốc, kể cả các loại tạp hóa linh tinh. Để phục vụ khách trọ, thỉnh thoảng khách sạn tổ chức chương trình ca ra bộ, hoặc mời một số trí thức diễn thuyết các đề tài tiến bộ. Tại khách sạn còn có Định Tường thi xã hoạt động, vì đa số hội viên hội Minh Tân đều biết làm thơ, viết văn. Đặc biệt, trong khách sạn thường xuyên có ông J.B.Xuân (một Đông y sĩ, người Gia Định), đã mở văn phòng cố vấn luật pháp cho đồng bào. Ngoài ra, ông còn soạn một số sách y học thường thức và bào chế một số thuốc Đông y, nhưng bào chế theo y học Tây phương, đóng chai, dán hiệu gửi bán tại các cửa hàng của các hội viên Hội Minh Tân.

LINH THỦY (tổng hợp)

.
.
.