.
TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO CẤP XÃ, NHÀ VĂN HÓA ẤP:

Góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân

Cập nhật: 10:03, 03/01/2022 (GMT+7)

Thời gian qua, nhiều Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VH-TT) cấp xã, Nhà văn hóa ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được đầu tư nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới khang trang, đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), toàn tỉnh hiện có 160/172 xã, phường, thị trấn có Trung tâm VH-TT (trong đó có 132 Trung tâm VH-TT đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH-TT&DL). Các Trung tâm VH-TT xã, phường, thị trấn đã đáp ứng nhu cầu tập luyện thể dục - thể thao (TDTT) rèn luyện sức khỏe của người dân. Đơn cử như, Trung tâm VH-TT xã Tân Tây (huyện Gò Công Đông) được đầu tư xây dựng trong quá trình xã xây dựng NTM, với hội trường, sân đan rộng, thoáng, đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của người dân trong xã.

Trung tâm VH-TT cấp xã là địa điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao sôi nổi, lành mạnh của người dân (trong ảnh: Văn nghệ chào mừng xã NTM tại Trung tâm VH-TT xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước).
Trung tâm VH-TT cấp xã là địa điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao sôi nổi, lành mạnh của người dân (trong ảnh: Văn nghệ chào mừng xã NTM tại Trung tâm VH-TT xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước).

Bà Bùi Thị Triếu, ngụ ấp 1, cho biết: “Khi xã chưa có Trung tâm VH-TT, tôi thường đi bộ tập thể dục ở ven đường hoặc trước cổng trường học, lượng xe qua lại khá nhiều. Từ khi Trung tâm VH-TT xã đi vào hoạt động, tôi cùng nhiều người dân đến Trung tâm VH-TT xã tập luyện để đảm bảo an toàn cho bản thân. Khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, có lúc tôi phải ngưng tập do thực hiện giãn cách…”.

Các Trung tâm VH-TT xã, phường, thị trấn còn là nơi duy trì sinh hoạt của nhiều Câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử, Hát với nhau…, tạo nên “không gian văn hóa” khá sôi động cho người dân, đơn cử như: CLB Đờn ca tài tử Nguyệt Cầm, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo.

Theo ông Châu Ngọc Huyền, Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử Nguyệt Cầm, CLB có 21 thành viên. Trước đây, các thành viên chỉ sinh hoạt, giao lưu với nhau ở nhà của các thành viên nên khó tập trung thành viên và tổ chức sinh hoạt. Từ khi xã xây dựng NTM, Trung tâm VH-TT xã được hoàn thiện, CLB tổ chức sinh hoạt thuận lợi, định kỳ 3 tháng/lần tại Trung tâm VH-TT xã.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Tân Thuận Bình Phan Văn Giùm cho biết: “Trên địa bàn xã có nhiều CLB Đờn ca tài tử, Hát với nhau ở các ấp Tân Hòa, Tân Hưng, Tân Thành, Tân Phú 2. Việc Trung tâm VH-TT xã được hoàn thiện giúp các CLB hoạt động bài bản và thường xuyên hơn do đã đảm bảo được địa điểm sinh hoạt…”.

Cùng với các Trung tâm VH-TT cấp xã, các Nhà văn hóa ấp, liên ấp cũng đã góp phần phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân. Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, toàn tỉnh hiện có 708 nhà văn hóa ấp, liên ấp trong tổng số 1.005 ấp. Hằng năm, các xã xây dựng kế hoạch hoạt động của Nhà văn hóa ấp, liên ấp, nhiều nơi hoạt động hiệu quả.

Thời gian qua, hoạt động của nhiều Trung tâm VH-TT các xã, phường, thị trấn, các Nhà văn hóa ấp (khu phố) mang lại hiệu quả nhất định, song vẫn còn không ít hạn chế, do những nguyên nhân chính: Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách nhà nước cấp còn hạn hẹp và chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa phục vụ cho hoạt động VH-TT; Ban Chủ nhiệm và cán bộ chuyên môn không được hưởng chế độ phụ cấp hay bồi dưỡng nên hoạt động mang tính thời vụ, phong trào, không tổ chức được các hoạt động mang tính định kỳ nhằm tạo thói quen sinh hoạt VH-TT của người dân…

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm VH-TT, Nhà Văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”, thực hiện từ đầu năm 2021, nhằm nâng chất hoạt động của 2 mô hình này.

Theo Chủ tịch UBND xã Long Vĩnh (huyện Gò Công Tây) Huỳnh Thị Kim Huệ, UBND xã đã thành lập Ban Chủ nhiệm và ban hành Quy chế tổ chức hoạt động đối với các Nhà văn hóa ấp. Theo đó, Nhà văn hóa các ấp xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hằng năm: Tổ chức các trò chơi dân gian nhân “Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”,  “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”…, thu hút khoảng 25% người dân thường trú trên địa bàn tham gia. Được biết, nhiều  nơi khác cũng tổ chức tương tự như vậy. Từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động tạm thời lắng lại.

Các cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa ở nhiều xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh cũng đã xây dựng địa điểm để các đoàn thể sinh hoạt; tập hợp người dân đến tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức các hoạt động VH-TT... Ông Trương Văn Phương, Trưởng ấp Mỹ Hòa, xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước cho biết: “Trước đây, việc họp dân ở ấp gặp nhiều khó khăn do khó tập hợp vì không có địa điểm tổ chức cố định.

Từ khi xã triển khai Chương trình xây dựng NTM, nhiều Nhà văn hóa ấp được xây dựng, việc tổ chức hội họp, sinh hoạt VH-TT thuận lợi hơn rất nhiều, góp phần nâng chất phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Được biết, ở xã này, tỷ lệ hộ đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa chiếm 90%; 4/4 ấp của xã đều được công nhận, tái công nhận danh hiệu Ấp văn hóa…

CAO THẮNG

.
.
.