Thứ Tư, 01/06/2022, 20:11 (GMT+7)
.

Cần xem xét xếp hạng di tích Đình Phú Thuận Đông

Tọa lạc bên bờ kinh Bang Dầy, thuộc ấp Phú Thuận, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, đình Phú Thuận Đông là một di tích bị quên lãng khá lâu. Thời gian dài, người ta vẫn gọi là miễu Phú Bình. Nơi đây không những ghi dấu một ngôi làng cổ ở xứ “Bang Dầy”, mà còn là căn cứ cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Theo thư tịch, xã Phú Nhuận nguyên thủy có 3 thôn: Thôn Phú Nhuận, do tiền hiền Nguyễn Văn Ngợi và hậu hiền Bùi Văn Tàng lập năm Gia Long thứ 18 (1819) và thôn Phú Thuận Đông, đều thuộc tổng Lợi Thuận. Sau khi thực dân Pháp chiếm miền Tây Nam kỳ, vào năm 1879, ông Phạm Ngọc Bạch là hậu duệ của Cai đội Phạm Văn Huy - người có công lập các đồn điền ven sông Ba Rài và Đồng Tháp Mười, đã lập thêm làng Phú Hưng. Ngày 13-12-1913, làng Phú Hưng nhập vào Phú Nhuận. Đến ngày 24-10-1925,
chính quyền thực dân Pháp lại nhập Phú Nhuận và Phú Thuận Đông thành Phú Nhuận Đông, thuộc quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Sau năm 1945, chính quyền Việt Minh gọi tắt là xã Phú Nhuận cho đến ngày nay.

Hiện đình Phú Thuận Đông được nhân dân trong ấp cất lại, nhưng cũng còn khá đơn sơ, dạng nhà cấp 4, lợp tôn, vách gạch, nền lót gạch, với hai phần chánh điện và phần vỏ ca được sử dụng như gian nhà để tiếp khách. Trước đây, các vị lão thành cách mạng đã có đề nghị xây dựng nơi đây tấm bia lưu niệm căn cứ Huyện ủy. Việc công nhận đình Phú Thuận Đông là di tích cách mạng; đồng thời với việc dựng bia lưu niệm là cần thiết, nhằm góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Đình Phú Thuận Đông có lẽ được lập vào lúc thành lập thôn ấp. Theo lời kể của những người cao tuổi, ngôi đình đầu tiên kết cấu sườn gỗ, vách ván, nền lót gạch, mái ngói, gồm các phần vỏ ca, chánh điện và nhà tiền vãng. Đến năm 1946, vì sợ thực dân Pháp trở lại đóng đồn bót, nhân dân địa phương đã tự nguyện dỡ đình, tiêu thổ kháng chiến. Từ năm 1955 - 1958, ngôi đình được trùng tu. Mấy năm sau bị bom đạn của đế quốc Mỹ thiêu hủy. Hiện vật còn lại là bàn Thần Nông bên ngoài sân đình được xây dựng năm 1958, một số táng đá cột và 1 chiếc mõ thời kháng Pháp.

SẮC ĐÃ MỤC, NHƯNG MAY CÒN SÓT CHỮ

Ông Nguyễn Văn Giang, 93 tuổi, ngụ ấp Phú Bình kể lại, hồi đó sắc Thần được Ban Khánh tiết phân công nhau giữ, nhưng do chiến tranh ác liệt, một vị trong Ban phải ôm sắc đem giấu ở vườn hoang bên ấp Bình Thạnh, xã Bình Phú. 6 lá sắc phong cuộn lại trong một cái hộp sắt nên cũng an tâm. Sau ngày hòa bình, mấy mươi năm không ai dám mở kiểm tra. Được sự cho phép của Ban Quản lý đình, chúng tôi tiến hành cạy hộp, phát hiện toàn bộ 6 lá bị mục nát, chỉ còn phần bìa và một vài chỗ còn đọc được, đặc biệt là các chữ: 敕 (Sắc); 富(Phú) 順 (Thuận), 保 (Bảo) 安 (An) 城 (Thành) 隍 (hoàng)… phong cho làng Phú Thuận Đông. Nhờ nội dung sắc phong mới xác tín đây là vùng đất của làng Phú Thuận Đông xưa. Tuy nhiên, có điều thắc mắc là, làng Phú Thuận Tây nằm đâu, không thấy trong thư tịch, cũng không nghe người xưa kể lại.

Căn cứ số bìa sắc, văn tự còn sót và đối chiếu lại các đợt sắc phong của các ngôi đình trong khu vực, có thể phỏng đoán, đình Phú Thuận Đông được triều đình nhà Nguyễn cấp 6 đạo sắc phong, bao gồm: 2 đạo sắc Thần Thành hoàng và 2 đạo sắc Thần Đại Càn cấp năm Thiệu Trị thứ 5, 1 đạo sắc Thần Thành hoàng và Thần Đại Càn được cấp năm Tự Đức thứ 3.

Văn tế là văn bản quan trọng để xác định cơ cấu tín ngưỡng ngôi đình, nhưng cũng không còn lưu giữ. Ông Giang chỉ nhớ mang máng, khi cúng có vái Thần Đại Càn, Thần Lang Lại (Rái Cá), Thần Bạch Mã và hình như có cả Phi Vận Tướng quân…

CĂN CỨ HUYỆN ỦY CAI LẬY BẮC

Sau đợt tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, từ đầu năm 1969, địch tập trung lực lượng tăng cường phản kích ác liệt. Địa bàn Cai Lậy bị chia cắt từng mảng, đặc biệt việc di chuyển qua lộ 4 thời điểm này hết sức khó khăn. Tháng 1-1971, Tỉnh ủy Mỹ Tho quyết định chia huyện Cai Lậy làm hai huyện Cai Lậy Bắc và Cai Lậy Nam, lấy lộ 4 làm ranh giới.

Sau khi lập căn cứ ở ấp Phú Bình, Huyện ủy Cai Lậy Bắc tổ chức Đại hội Đảng bộ, bầu Ban Chấp hành mới. Đồng chí Huỳnh Văn Ngôi, nguyên Chánh Văn phòng Huyện ủy Cai Lậy Bắc kể lại: “Căn cứ Huyện ủy bấy giờ địa hình liên hoàn từ ấp Phú Bình qua vườn Bồ Rô ấp Bình Thạnh, trung tâm là khu vực miếu Phú Bình (tức đình Phú Thuận Đông). Khu vực này trở thành vùng “oanh kích tự do” của giặc.

Chúng bắn pháo, ném bom bất kể giờ giấc và tung biệt kích đánh sâu vào vùng giải phóng xã Phú Nhuận. Bà con tản cư hết ra đồng, vườn tược bỏ hoang, dây leo chằng chịt. Lực lượng bảo vệ căn cứ lập hàng rào chiến đấu, bãi tử địa, công sự, hầm bí mật.... để bảo vệ cán bộ lãnh đạo. Ngoài ra, còn có phòng họp xung quanh được đắp bờ thành phòng thủ.

Hồi đó rạch Bang Dầy còn hẹp và cạn, lục bình dày đặc. Chúng tôi dùng cây gáo bắc một chiếc cầu ngầm qua rạch, trên ngụy trang lục bình để qua lại khi có giặc càn. Bộ đội, du kích cũng theo đường ấy mà hành quân. Gạo và nhu yếu phẩm thì bà con đem tới bìa vườn để đó, ban đêm các đơn vị cho người ra lấy.

Mặc dù hai đầu đều có bót giặc, nhưng nhờ địa hình thuận lợi, nhân dân hết lòng đùm bọc, lực lượng bảo vệ chu đáo, an toàn nên khu vực này còn là nơi nhiều đơn vị cấp trên về đóng quân tạm thời. Tuyên giáo Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Trường Thiếu sinh quân Trừ Văn Thố, Quân y huyện… cũng từng đóng quân ở đây. Căn cứ tồn tại đến ngày 30-4-1975. Và nơi đây cũng có khá nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh…”.

NGUYỄN NGỌC PHAN

 

.
.
.