.

Trẻ em Việt viết văn… như Tây

Cập nhật: 09:13, 31/07/2022 (GMT+7)

Đời sống văn chương trong nước gần đây xuất hiện nhiều cây bút nhí đầy triển vọng, với những tác phẩm bước đầu tạo sự chú ý cho bạn đọc. Có điều, nhiều tác phẩm lại không còn dấu ấn Việt, thậm chí, nếu che tên tác giả, sẽ thật khó để tin rằng, đó là tác phẩm của một tác giả người Việt.

a
Độc giả trẻ tìm mua sách tại Đường sách TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Vừa mừng, vừa lo

Khi đọc Ngài Kẹo (NXB Tổng hợp TPHCM) của Quỳnh Trần (15 tuổi), nhiều người không khỏi bất ngờ trước tư duy, cách dẫn chuyện thông minh, trí tưởng tượng phong phú. Tuy nhiên, để tìm dấu ấn Việt ở tác phẩm này thì hoàn toàn không có. Từ bối cảnh (thị trấn Houston, Mỹ), tên các nhân vật (Wendy, Albert, Lucy, Frank, Besty, Micheal, Jessica…), đến cách hành văn, lối thoại đều “rặt” nước ngoài. Lý giải điều này, Quỳnh Trần cho biết, trong quá trình xây dựng cốt truyện, em tình cờ đọc được một bài báo về một vụ án tương tự ở Houston. “Một câu chuyện như vậy sẽ khó xảy ra ở Việt Nam, nên em lựa chọn bối cảnh lẫn nhân vật ở nước ngoài”, Quỳnh Trần chia sẻ.

Vào năm 2020, ở tuổi 13, Nguyễn Khang Thịnh xuất bản Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy (Thái Hà Books và NXB Hà Nội), đoạt luôn giải Sách Hay hạng mục Sách Thiếu nhi năm đó. Giống như Ngài Kẹo, tác phẩm của Nguyễn Khang Thịnh cũng lấy bối cảnh học đường ở Mỹ, nhân vật Alvin cũng là người Mỹ. Theo chia sẻ của Khang Thịnh, em được truyền cảm hứng từ tác phẩm Nhật ký chú bé nhút nhát của tác giả Jeff Kinney và Big Nate của Lincoln Peirce.

Trước đó, một số tác phẩm cũng có kiểu viết tương tự, như: Bức tranh huyền bí của Minh Anh (15 tuổi), Biệt đội ngôi sao: Cuộc tìm kiếm sức mạnh vĩ đại của Nguyễn Hạnh Phương (12 tuổi) - được Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác lập kỷ lục “Người viết truyện giả tưởng bằng tiếng Anh nhỏ tuổi nhất Việt Nam”.

Thời gian này, nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa đang tham gia hỗ trợ một lớp học viết văn. Trong lớp, có bạn nhỏ học trường quốc tế, vốn đọc rộng, kiến thức phong phú. Tuy nhiên, dù có thể sáng tác ổn bằng tiếng Anh, khi sáng tác bằng tiếng Việt, cách viết của các bạn nhỏ lại gặp khá nhiều vấn đề về ngữ pháp, giọng điệu. Chị chia sẻ: “Tôi vừa vui lại vừa lo. Vui, vì các bạn đang được tiếp nhận một nền văn hóa “quốc tế hóa”, điều mà thế hệ chúng tôi đa phần khó làm được bởi rào cản ngôn ngữ. Tôi tin với nền tảng ấy, các bạn chắc chắn sẽ có tư tưởng lẫn khả năng sáng tác vượt trội hơn thế hệ trước. Còn lo, chắc là ở việc tiếng Việt hình như đang mất dần vị thế với các bạn, dù đóng vai trò tiếng mẹ đẻ”.

Nhà văn Kim Hòa đặt vấn đề: Khi dần mất đi vai trò “chủ nhà”, bị xâm nhập và lai căng quá nhiều, liệu tiếng Việt có trở nên “biến chất” trong các sáng tác văn học?  

Nhà văn Võ Thu Hương nhìn nhận, hiện trạng này không đáng lo ngại. “Từ kinh nghiệm thực tế của tôi và bạn bè cho thấy, khi bắt đầu viết ở độ tuổi càng nhỏ, phần nhiều trẻ càng dễ bị ảnh hưởng bởi những tác phẩm/tác giả mà mình hay đọc, yêu thích. Khi lớn hơn, trưởng thành, xác định đi đường dài với văn chương, những cây bút nhí sẽ dần tạo dựng nên phong cách của mình”, nhà văn Võ Thu Hương bày tỏ.

Vẫn cần nắm vững tiếng Việt

Khác với những thế hệ trước, các tác giả nhí hiện nay có lợi thế là được tiếp cận với các tác phẩm/tác giả trên thế giới một cách nhanh chóng và dễ dàng, cùng với đó là khả năng ngoại ngữ tốt. Nhiều em đã sáng tác bằng tiếng Anh như Minh Anh, Nguyễn Hạnh Phương. Mới đây, Đặng Hà Linh (12 tuổi) cho ra đời tác phẩm Lựa chọn giữa hai thế giới, được NXB Ukiyoto (Canada) ra mắt bạn đọc toàn cầu nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6) năm nay; hay Nguyễn Khang Thịnh vừa dịch tác phẩm Evie và chuyến phiêu lưu ở rừng nhiệt đới của nhà văn Matt Haig.

a
Tác giả Quỳnh Trần và tác phẩm Ngài Kẹo, NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành

Theo nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa, việc các em sáng tác bằng ngoại ngữ nên được cổ vũ. Một người viết có thể tự chuyển ngữ tác phẩm của mình, đưa tác phẩm đến với bạn đọc ngoài nước là một điều rất tuyệt vời. Bởi hiếm dịch giả nào có thể hiểu tác phẩm bằng chính bản thân tác giả. “Tuy nhiên, tôi vẫn mong khi các em viết bằng tiếng Việt, hay dịch tác phẩm mình sang bất kỳ ngôn ngữ nào, cũng đừng quên chúng ta là người Việt. Hãy để ngoại ngữ trở thành phương tiện để chúng ta giới thiệu văn học, bản sắc Việt Nam với bạn đọc thế giới”, nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa nhắn nhủ.

Dưới góc độ xã hội học, Tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho rằng, xu hướng trẻ con hội nhập quốc tế, nói và diễn đạt theo văn phong quốc tế là xu hướng không thể khác được. Đó là xu hướng tốt, vì cho thấy giới trẻ Việt Nam thực sự là công dân toàn cầu, đã hội nhập được với thế giới và có thể có tiếng nói chung với cộng đồng thế giới. Tuy nhiên, Tiến sĩ Phạm Thị Thúy cũng cho rằng, có một vấn đề đáng lo ngại là bản sắc của người Việt Nam có nguy cơ phai nhạt, mất đi đặc trưng văn hóa của người Việt Nam trong quá trình hội nhập ấy.

Theo Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, bản sắc của mỗi dân tộc giống như thẻ căn cước công dân, xác định chúng ta là ai trong mối quan hệ với người khác. “Và như vậy, nếu không biết giữ gìn thông qua môi trường giáo dục nhà trường và gia đình, thì chúng ta có nguy cơ đánh mất hoặc bị mai một tính đặc trưng dân tộc, là cái riêng có của người Việt Nam”.

“Hiện nay, tôi thấy ở một số trường quốc tế, có quan tâm thực sự đến tiết học lịch sử, văn hóa Việt Nam cho học sinh Việt Nam. Hay tại các trường đại học có môn Việt Nam học. Tôi cho rằng, đó là những việc mà mình phải duy trì, chứ không nên phản ứng với cách viết văn, cách hành văn của các em nhỏ bây giờ, vì chắc chắn các em sẽ phải theo xu hướng quốc tế. Chúng ta không nên chê mà cần có giải pháp sớm, cần cảnh báo cha mẹ về vấn đề, con mình là người Việt Nam thì hãy tạo cho các con phông văn hóa Việt. Đó chính là tấm khiên để bảo vệ mình trước sự ảnh hưởng từ những yếu tố bên ngoài”, Tiến sĩ Phạm Thị Thúy chia sẻ.

Theo sggp.org.vn
 






 

.
.
.