.
SẮC VÓC CÙ LAO TRÊN SÔNG TIỀN

BÀI 2: Giữ gìn và phát huy thương hiệu Thới Sơn

Cập nhật: 09:21, 10/08/2022 (GMT+7)

BÀI 1: Tân Long rồi sẽ "hóa Rồng"

Cù lao Thới Sơn (xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho) với lợi thế sông nước miệt vườn, cảnh quan thiên nhiên trù phú đã được người dân địa phương tập trung khai thác để phát triển du lịch. Thới Sơn đã trở thành thương hiệu du lịch nổi tiếng trong nước và kể cả quốc tế.

Một góc cù lao Thới Sơn nhìn từ trên cao.
Một góc cù lao Thới Sơn nhìn từ trên cao.

THƯƠNG HIỆU DU LỊCH QUỐC GIA

Trước đây, khi cầu Rạch Miễu chưa nối nhịp đôi bờ, người dân đến cù lao Thới Sơn chỉ bằng đường thủy. Tuy nhiên, từ khi có cầu, bộ mặt của xã đã đánh dấu sự khởi sắc. Cùng với việc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hệ thống cơ sở hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm của nơi đây từng bước được đầu tư xây dựng khang trang.

Trở lại Thới Sơn vào những ngày cuối tháng 7, xe của chúng tôi bon bon trên những con đường đan rợp bóng mát của những vườn cây ăn trái, đan xen chia cách bởi những con rạch dừa nước ngoằn ngoèo, uốn lượn. Chính những lợi thế và đặc trưng riêng này mà từ lâu Thới Sơn đã trở thành thương hiệu, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, người dân Thới Sơn đã bắt đầu khai thác du lịch tại cù lao Thới Sơn. Ông Nguyễn Văn Đàng là một trong những người đầu tiên khởi xướng cho việc khai thác du lịch tại Thới Sơn. Ngót nghét đến nay đã 30 năm kể từ thời điểm ông Đàng bắt tay vào khai thác du lịch ở xứ cù lao này. Lật lại từng trang ký ức về những ngày đầu làm du lịch, ông Đàng kể: “Hồi đó, tôi làm du lịch một ngày lời 3 - 4 chỉ vàng, có bữa trúng được cả lượng vàng; từ 1 ngày đón 5 - 10 khách cho đến 700 - 800 khách/ngày”.

Cù lao Thới Sơn hằng năm đón một lượng lớn khách du lịch.
Cù lao Thới Sơn hằng năm đón một lượng lớn khách du lịch.

Theo ông Đàng, giai đoạn 2000 - 2010, du lịch Thới Sơn phát triển rất mạnh. Thời điểm đó, mỗi ngày, cơ sở của ông đón khoảng 700 - 800 khách đến từ nhiều nước trên thế giới. “Làm du lịch trước hết phải cho người dân được thông suốt, thấy được lợi ích người ta mới đầu tư. Cái quan trọng là dân phải am hiểu về du lịch, hiếu khách, khách mới tới và tạo sản phẩm du lịch mới cho dân tham quan. Sau khi thành công, tôi còn giúp cho một số hộ dân ở địa phương làm lò kẹo, điểm trà mật ong để đón khách. Mấy điểm đó giờ làm giàu hết” - ông Đàng tâm sự.

Cù lao Thới Sơn hay còn gọi là cù lao Lân, 1 trong 4 cù lao được xem là “tứ linh” trên sông Tiền gồm: Long, Lân, Quy, Phụng. Đây là cù lao có diện tích lớn nhất trong nhóm tứ linh. Cù lao Thới Sơn xưa còn gọi là cù lao Tôn, còn có tục danh là cù lao Hộ. Làng Thới Sơn được thành lập trong khoảng cuối thế kỷ XVIII. Trước đây, cù lao Thới Sơn thuộc huyện Châu Thành, nhưng sau này thuộc TP. Mỹ Tho.

Thới Sơn là vùng đất ghi nhiều dấu ấn lịch sử. Mùa xuân năm 1785, người Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ chiến thắng oanh liệt trận Rạch Gầm - Xoài Mút phá tan 5 vạn quân Xiêm. Đến thời kháng chiến chống Mỹ, cù lao này lại ghi dấu với thế trận lòng dân bao quanh căn cứ Đồng Tâm nên xã Thới Sơn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang vào năm 1978.

Rõ ràng, với đặc trưng sông nước hữu tình, du lịch Thới Sơn đã trở thành điểm đến hấp dẫn. Có thể nói, cù lao Thới Sơn là nơi đầu tiên phát triển cái gọi là văn minh miệt vườn, một thương hiệu về du lịch sinh thái nổi tiếng đối với du khách trong và ngoài nước.

Hiện nay, Khu du lịch Thới Sơn chiếm khoảng 50% lượng khách du lịch đến Tiền Giang và được Chính phủ phê duyệt quy hoạch là 1 trong 4 khu du lịch cấp Quốc gia của Đồng bằng sông Cửu Long. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động đậm chất miền Tây sông nước như: Đi đò chèo, nghe đờn ca tài tử, tham quan vườn trái cây, uống trà mật ong, thưởng thức nhiều loại trái cây…

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân, trong những năm gần đây, lượng khách đến với Thới Sơn vẫn tăng ổn định. Trung bình mỗi năm nơi đây đón khảng 700.000 lượt khách, trong đó khoảng 45% là khách quốc tế. Nhìn chung, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long đều có yếu tố tương đồng. Do vậy, việc khai thác tour, tuyến du lịch phải gắn các yếu tố văn hóa, cụ thể như: Lịch sử văn hóa, các di tích lịch sử… khi đó mới khai thác được tính đặc trưng của từng khu vực. Thời gian qua, các doanh nghiệp lữ hành ở tỉnh đã khai thác mạnh các lợi thế, yếu tố văn hóa. Cụ thể là khách tham quan cù lao Thới Sơn sẽ kết hợp với việc tham quan Trại rắn Đồng Tâm, Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, chùa Vĩnh Tràng. Điều này sẽ khác so với các tour đi Bến Tre, Vĩnh Long.

ĐỂ NÍU CHÂN DU KHÁCH

Cùng với việc đầu tư lỡ dở của Khu du lịch Thới Sơn 1, theo nhận xét của nhiều du khách, các dịch vụ du lịch của cù lao Thới Sơn trong những năm qua vẫn chưa có nét mới, đã trở nên đơn điệu trong mắt khách quốc tế và không hấp dẫn với du khách nội địa. Rõ ràng, thời gian qua, trước tác động của đại dịch Covid-19 càng làm cho việc khai thác du lịch ở cù lao Thới Sơn càng thêm khó khăn.

Bởi lẽ, nguồn khách quốc tế bị hạn chế đã ảnh hưởng đến nguồn thu của các doanh nghiệp, điểm kinh doanh du lịch trên cù lao. Hiện nay, hoạt động khôi phục du lịch ở tỉnh đã có nhiều tín hiệu tích cực. Do đó, bên cạnh việc phục hồi, vấn đề đặt ra hiện nay đối với du lịch Thới Sơn là cần có những sản phẩm mới dựa trên những lợi thế vốn có.

Phát triển du lịch là thế mạnh của cù lao Thới Sơn.
Phát triển du lịch là thế mạnh của cù lao Thới Sơn.

Là doanh nghiệp lữ hành chuyên đưa khách du lịch đến tham quan tại cù lao Thới Sơn, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Việt Nhật cho rằng, hiện người dân ở Thới Sơn đã quan tâm đến việc đầu tư trồng lại các vườn cây ăn trái. Trước đây, do khách đến đông quá, người dân “ngủ quên trên chiến thắng” nên không chăm chút các vườn cây ăn trái.

Theo góc nhìn của một đơn vị lữ hành, muốn du lịch Thới Sơn phát triển tốt, Nhà nước nên quy hoạch lại, không để tình trạng tự phát trong khai thác du lịch, cần có sự tập trung. Du lịch Thới Sơn là loại hình du lịch cộng đồng, nhưng cần phải có sự quản lý chặt chẽ, chứ không nên để mạnh ai nấy làm. Từ góc độ doanh nghiệp, kể cả người làm du lịch phải có được cái “hồn”, cái tâm trong đó, chứ không thể thấy khách đông là nhảy vào làm. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến những đơn vị đang khai thác du lịch.

Theo đồng chí Võ Phạm Tân, để phát triển du lịch tại cù lao Thới Sơn giai đoạn hậu Covid-19, Sở VH-TT&DL sẽ phối hợp với TP. Mỹ Tho tăng cường triển khai kế hoạch phục hồi du lịch sau đại dịch mà UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành.

Theo đó, ngành VH-TT&DL sẽ phối hợp với địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người dân ở các khu, điểm du lịch cộng đồng cải thiện môi trường, xây dựng, chỉnh trang cơ sở vật chất. Quan trọng nhất là nâng cao chất lượng phục vụ và dịch vụ phải có điều chỉnh như: Đờn ca tài tử, đò chèo… để đáp ứng nhu cầu của du khách ngày một tốt hơn. Giải pháp căn cơ nhất là quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đường và cầu tàu đón khách đi đò chèo.

Về lâu dài, Sở VH-TT&DL sẽ phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phục vụ phát triển du lịch, cụ thể là Khu đón tiếp đường bộ, Khu du lịch Thới Sơn 1 với diện tích 14 ha… Các dự án khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ tạo một diện mạo mới cho du lịch cù lao Thới Sơn.

Hy vọng rằng, với những định hướng, dự án phát triển du lịch sắp triển khai tại cù lao Thới Sơn, đặc biệt là việc khởi động lại Dự án Khu du lịch Thới Sơn 1, thương hiệu Thới Sơn được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh, trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước, xứng đáng với những tiềm năng, lợi thế vốn có.

Ý PHƯƠNG - HÀ NAM

(Còn tiếp)

.
.
.