Chủ Nhật, 13/11/2022, 19:51 (GMT+7)
.

Chờ xem phim Tết 2023

Trong số ba phim dự kiến tham gia đường đua phim Tết 2023, thời điểm này mới có một phim vào hậu kỳ, một phim vừa công bố sản xuất và một phim đột ngột hoãn. Trong bối cảnh sản xuất phim chiếu, phát trên các nền số đang “soán ngôi” phim chiếu rạp, sự lặng lẽ của phim Tết 2023 liệu có phải là dấu hiệu về sự “hết thời” của dòng phim mang tính thời vụ?

Cuộc đua không mờ nhạt

Mùa phim Tết năm 2022, dù bị ảnh hưởng do Covid-19 nhưng đường đua phim Tết vẫn có tới 5 phim vào rạp. Và mặc dù bị đánh giá là “ảm đạm” bởi không có phim nào doanh thu chạm ngưỡng 100 tỷ đồng như các mùa Tết trước nhưng sự tham gia của 5 phim trên đường đua và phim “thắng cuộc” - “Chìa khóa trăm tỷ” (thu 68 tỷ đồng trong 9 ngày chiếu) vẫn được ghi nhận là nỗ lực kiên cường của các nhà làm phim Việt trong bối cảnh “khó trăm bề”. Vì thế mà đáng ngạc nhiên khi mùa phim Tết 2023 thay vì khởi sắc vì dịch bệnh tạm lắng lại có phần lặng lẽ khi chỉ có ba dự án phim Tết được công bố là “Mai” (đạo diễn Trấn Thành), “Cố nội anh là Thủy tinh” (đạo diễn Đức Thịnh) và phim của đạo diễn Quách Ngọc Tuyên.

Do dự án “Cố nội của anh là Thủy tinh” đã hoãn với lý do ý tưởng thực hiện khó, cần thời gian như chia sẻ của đạo diễn Đức Thịnh, nên “đối thủ” cạnh tranh vào rạp với “Mai” trong dịp Tết 2023 hiện chỉ có phim của Quách Ngọc Tuyên. Tuy nhiên, thông tin về dự án còn rất nhỏ giọt.

Phim Tết có vòng đời ngắn?

Quan niệm, Tết là phải vui. Nên từ khi có phong trào làm phim chiếu Tết, phim Việt luôn quay cuồng với tiêu chí này. Đến lúc tưởng như “thoái trào” thì quan niệm “vui mới là phim Tết” vẫn nằm lòng trong tư duy của người làm phim Việt. Ngay cả những người chuyên làm phim hành động, kinh dị như đạo diễn Lương Đình Dũng khi rập rình làm phim Tết cũng “chắc như đinh đóng cột”: “Phim Tết là phải hài hước”.

Trên thực tế, chẳng cứ Tết mà bất cứ thời điểm nào trong năm, những bộ phim có nội dung hài hước luôn nằm trong tốp hút khán giả. Nếu đó là những phim chất lượng thì khả năng doanh thu cao còn vượt mặt nhiều phim bom tấn, như trường hợp bộ phim “Cuộc phiêu lưu của nhà Croods” đạt doanh thu 109 triệu USD từ các phòng chiếu trên toàn thế giới; “Nhóc trùm” của đạo diễn Tom McGrath sau một tuần công chiếu thu về hơn 30 triệu USD; “Huyền thoại Ron Burgundy - Anchorman” lọt tốp những bộ phim hài hấp dẫn nhất thế kỷ với doanh thu sau khi công chiếu hơn 90 triệu USD.

Ở ta, phim hài có chất lượng nghệ thuật, hấp dẫn người xem đếm trên đầu ngón tay. Các phim chiếu Tết có doanh thu cao những năm qua không phải là những bộ phim hài, phim giải trí có nội dung hời hợt, dàn dựng dễ dãi mà là các phim được đầu tư lớn; được dàn dựng bởi những tên tuổi đã có thương hiệu; công chiếu đúng thời điểm; có được những suất chiếu đẹp tại rạp… Chất lượng nghệ thuật yếu, thì dù “vui cỡ nào” cũng không hút được người xem. Chưa kể, nếu không chen được vào rạp, không được bố trí suất chiếu đẹp thì vui mấy cũng chết yểu. Hơn thế, khán giả bây giờ đã không còn dễ dãi để bỏ tiền “mua tiếng cười nhạt” như trước.

Nếu quan niệm phim Tết là “sản phẩm thời vụ” thì “vòng đời ngắn” của các phim là dễ hiểu khi mà các nhà làm phim chỉ chú ý đến việc thu hút người xem bằng tiếng cười với những chiêu trò, tình tiết dễ dãi mà không chú trọng yếu tố nghệ thuật với chiều sâu của phim.

Chờ những thay đổi sáng tạo

Quay trở lại với mùa phim Tết 2023, với những gì mà đạo diễn Trấn Thành và ê-kíp đã thực hiện được với “Bố già”, người xem cũng kỳ vọng “Mai” cũng sẽ kéo được người xem đến rạp vì sức mạnh nghệ thuật nội tại của phim. Tất nhiên, không phải kỳ vọng nào cũng thành hiện thực và không phải thành công đầu tiên sẽ đặt nền móng cho chuỗi thành công kế tiếp một cách đương nhiên nếu người làm phim không quên được hai chữ “thời vụ” khi làm phim Tết. Nói cách khác là đừng giới hạn “vòng đời ngắn” cho phim bằng lối nghĩ … làm phim phù hợp với Tết, mà hãy nghĩ… phải làm phim hay để chiếu Tết.

Đang bận rộn với hai dự án phim kinh dị “Đồi hành xác” và “Mật mã 45: ma đói”, đạo diễn Lương Đình Dũng bất ngờ tiết lộ sẽ làm phim Tết vào… năm sau. Anh chia sẻ: “Đã là phim Tết thì phải vui, phải hài hước nhưng không có nghĩa cứ vui, cứ hài hước là nghệ thuật, thành tác phẩm mà phải hay, phải sáng tạo, nếu có được các yếu tố độc, lạ thì quá tốt. Tôi quan niệm, phim Tết giống như sản phẩm để kinh doanh. Một sản phẩm được làm như “đặc sản” để giới thiệu đến người xem, vậy nên tôi sẽ thử sức vào bất cứ mùa phim Tết nào nếu có thể. Hiện tại tôi đã có kịch bản cho mùa Tết 2024, đó là dự án phim “Những cô gái vô chủ” do tôi chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết của mình.

Cũng theo đạo diễn Lương Đình Dũng, trong dự án đó, anh sẽ chỉ là nhà sản xuất, không tham gia vai trò đạo diễn. Hiện tại dự án này đã gọi được kinh phí gần đủ để có thể bấm máy vào năm sau. Từ “Mai” đến “Những cô gái vô chủ”, thấy rõ đang có sự thay đổi về tư duy làm phim Tết của các nhà làm phim Việt. Hy vọng, người xem không nhìn vào số lượng phim vào rạp để thấy một mùa phim Tết náo nhiệt mà sẽ đánh giá hiệu quả của mỗi mùa phim Tết ở chính sự bình lặng với những thay đổi sáng tạo.

(Theo nhandan.vn)


 

 

.
.
.