Thứ Sáu, 04/11/2022, 09:37 (GMT+7)
.
LỄ HỘI VĂN HÓA - DU LỊCH LÀNG CỔ ĐÔNG HÒA HIỆP LẦN THỨ V NĂM 2022:

Cơ hội quảng bá du lịch, thu hút du khách

Với việc tổ chức nhiều hoạt động, đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền, Tiền Giang đặt mục tiêu thu hút đông khách đến tham dự Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ V năm 2022 (viết tắt Lễ hội).

Du khách tham quan và hoạt động biểu diễn đờn ca tài tử tại Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ IV.
Du khách tham quan tại Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ IV.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Tiền Giang, Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 7 đến 9-11 với nhiều hoạt động như: Hội thảo “Giới thiệu tiềm năng, các điểm đến và giải pháp phát triển du lịch Tiền Giang bền vững, hiệu quả”; giới thiệu sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng các tỉnh cụm liên kết phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long; Hội thi “Ẩm thực du lịch”; Hội thi Làm bánh dân gian với chủ đề “Hồn quê trong từng chiếc bánh”; triển lãm sinh vật cảnh; trưng bày tác phẩm chưng nghi; biển diễn nghệ thuật và đờn ca tài tử hằng đêm; thả đèn hoa đăng; tái hiện nghi thức cúng đình xưa; tổ chức đoàn famtrip; các hoạt động thể dục, thể thao như đẩy gậy, nhảy bao bố, kéo co, bắt vịt, đi cầu khỉ và đua xuồng...

Theo đồng chí Võ Phạm Tân, tới đây ngành VH-TT&DL sẽ tập trung phát triển các tuyến du lịch sinh thái gắn khám phá, trải nghiệm các giá trị văn hóa của Làng cổ. Để tăng sức hút cho du khách, ngành sẽ tăng cường tuyên truyền quảng bá, xúc tiến giới thiệu điểm đến, chủ động liên kết, hợp tác các tổ chức du lịch trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường. Đồng thời, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về du lịch, ngoại ngữ cho cộng đồng dân cư, xây dựng văn hóa giao tiếp trong cộng đồng tại Làng cổ. Một trong những nội dung quan trọng là nâng cao nhận thức về việc bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch cho khách du lịch và cộng đồng dân cư địa phương…

Ngay từ khi Kế hoạch tổ chức Lễ hội được ban hành, Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan, UBND huyện Cái Bè triển khai, tổ chức thực hiện các hoạt động theo kế hoạch.

Trong đó, ngành đã tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan, phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên tuyền rộng rãi về các hoạt động tại Lễ hội trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngành cũng phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh vận động các khu, điểm tham quan du lịch và cơ sở lưu trú du lịch rà soát, chỉnh trang cơ sở vật chất, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, niêm yết giá dịch vụ và đảm bảo chất lượng dịch vụ. Đặc biệt là nghiên cứu bổ sung sản phẩm dịch vụ mới để thu hút du khách; vận động, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng các hoạt động của Lễ hội; kích cầu, giảm giá các tour, tuyến du lịch, dịch vụ lưu trú... trong thời gian diễn ra Lễ hội.

Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân, với sự chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan liên quan và sự chuẩn bị chu đáo cho từng hoạt động của các đơn vị được phân công, chắc chắn Lễ hội sẽ đạt được mục đích, yêu cầu đề ra; trong đó có mục tiêu là thu hút đông khách đến tham dự Lễ hội.

Du khách tham quan và hoạt động biểu diễn đờn ca tài tử tại Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ IV.
Hoạt động biểu diễn đờn ca tài tử tại Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ IV.

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển du lịch tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp, theo đồng chí Võ Phạm Tân, trong thời gian tới, Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang sẽ tham mưu triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với tổ chức JICA và Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa - Nhật Bản trong việc bảo tồn, phát triển Làng cổ Đông Hòa Hiệp.

Song song đó, ngành VH-TT&DL tiếp tục phối hợp đề xuất đầu tư hạ tầng giao thông tuyến Cái Bè kết nối Làng cổ Đông Hòa Hiệp; tăng nguồn lực đầu tư đúng mức cho các sản phẩm đặc thù có lợi thế của huyện Cái Bè như: Vườn trái cây đặc sản, các điểm di tích lịch sử - văn hóa, các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch…

Hoạt động này nhằm mục tiêu cung cấp các sản phẩm du lịch tốt nhất, thu hút du khách trong và ngoài nước. Một trong những nội dung quan trọng là sẽ hỗ trợ đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú và có chất lượng, chú trọng các sản phẩm là hàng lưu niệm địa phương với những kiểu dáng, mẫu mã hấp dẫn du khách.

M. THÀNH

 

.
.
.