.

Danh họa Nguyễn Sáng và 2 bảo vật quốc gia

Cập nhật: 09:50, 20/02/2023 (GMT+7)

Họa sĩ Nguyễn Sáng (1924 - 1988) là người con của quê hương Tiền Giang. Ông là một sinh viên mỹ thuật giỏi, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Gia Định và Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội) trước năm 1945. Nguyễn Sáng sinh ra và lớn lên tại vùng đất Nam bộ nhưng lại thành danh và có nhiều đóng góp trên mảnh đất thủ đô ngàn năm văn hiến, đã có lần ông nói: “Không có Hà Nội thì không có Nguyễn Sáng”. Ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và nghệ thuật năm 1996. Tên tuổi của ông được ghi trong Từ điển Bách khoa Larousse ở Pháp.

Sinh thời, họa sĩ Nguyễn Sáng được tôn vinh là bậc thầy trong hội họa và người mở đầu cho trào lưu sáng tạo mỹ thuật hiện đại trên nền tảng nghệ thuật của cha ông để lại. Ông dẫn đầu trong bộ tứ thứ hai của làng hội họa Việt Nam với câu vinh danh: “Nhất Sáng, nhì Liên, tam Nghiêm, tứ Phái”.

Họa sĩ Nguyễn Sáng lúc còn trẻ.
Họa sĩ Nguyễn Sáng thời trẻ.

VINH DỰ VẼ MẪU TEM ĐẦU TIÊN

Trong lĩnh vực thiết kế tem bưu chính Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Sáng thực sự là một tài năng xuất sắc, là người đầu tiên thể hiện chân dung lãnh tụ Hồ Chí Minh trên tem bưu chính. Những mẫu tem do ông vẽ, cùng với toàn bộ tác phẩm hội họa của ông là di sản quý báu sống mãi với thời gian, sống mãi trong nhiều bảo tàng Việt Nam và thế giới, trong các bộ sưu tập của đông đảo những người yêu thích tem thư.

Bộ tem đầu tiên của nước Việt Nam độc lập do họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ.
Bộ tem đầu tiên của nước Việt Nam độc lập do họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ.

Sau khi tốt nghiệp cũng vào thời kỳ phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi, ông cùng quần chúng tham gia biểu tình giành chính quyền ở Bắc Bộ Phủ ngày 19-8-1945. Khi chính quyền về tay nhân dân ông được nhận vào làm việc ở Bộ Tài chính vẽ giấy bạc.

Nguyễn Sáng vinh dự là họa sĩ thiết kế bộ tem bưu chính đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, phát hành năm 1946, thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ông mới 23 tuổi. Những tờ tiền đầu tiên do ông vẽ là tờ 5 đồng theo hình dọc khác với loại tiền hình ngang. Mặt trước là chân dung Hồ Chủ Tịch, mặt sau vẽ bà mẹ một tay đặt lên vai đứa con, còn tay kia cầm bó lúa. Tờ 50 đồng và 100 đồng mặt trước vẽ chân dung Hồ Chủ Tịch, mặt sau vẽ đề tài công nông có hình con trâu.

Với lòng yêu nước và kính trọng vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã tập trung tài trí và sức lực vẽ chân dung Người đúng yêu cầu tem thư: Chi tiết, đặc trưng và chính xác cao, đúng chất đồ họa, phù hợp với điều kiện in khó khăn, thiếu thốn của những ngày đầu đất nước mới giành được độc lập.

Hình vẽ trên tem đã phản ánh trung thực, chính xác từ bức ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh nhìn thẳng đầu tiên hồi đầu Cách mạng Tháng Tám, thể hiện được những nét đặc sắc của Người: Thông minh, hiền hậu, uy nghiêm, kiên nghị. Tem có kích thước nhỏ, xinh; in thành 5 mẫu; mỗi mẫu một màu riêng tươi đẹp: Xanh lá mạ, đỏ, vàng, lam, tím, trên giấy tàu bạch mỏng, mịn, làm cho những con tem càng sinh động và trang trọng lạ thường.

Họa sĩ Nguyễn Sáng để lại cho nền mỹ thuật Việt Nam hàng trăm tác phẩm, với nhiều đề tài và nhiều chất liệu khác nhau. Ông là một trong số những hoạ sĩ có những tác phẩm sơn dầu, sơn mài đẹp nhất sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam. Ngôn ngữ hội hoạ của ông có tầm khái quát cao, kết hợp nhuần nhuyễn nghệ thuật truyền thống với thành tựu nghệ thuật hiện đại thế giới, đóng góp vào việc cách tân hội hoạ hiện đại Việt Nam. Đối với những người yêu nghệ thuật, Nguyễn Sáng mãi là danh họa số một trong “tứ kiệt hội họa” Việt Nam đương đại.

Đây là lần đầu tiên con tem thuần chất của nước ta mang trên mình hai chữ “Việt Nam” cùng với hình ảnh vị lãnh tụ đã sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì thế, con tem này càng có ý nghĩa về nhiều mặt: Chính trị, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế, xã hội...; đánh dấu một dấu mốc lớn đối với ngành Bưu điện nói riêng, đối với đất nước nói chung. Đặc biệt, ở Hà Nội đã xuất hiện “Chợ tem” tại vườn hoa Chí Linh, người chơi tem chen nhau mua loại tem “Cụ Hồ”.

Vào năm 1949, trong thời kỳ kháng chiến cực kỳ gian khổ ở núi rừng Việt Bắc, đáp ứng yêu cầu kháng chiến, họa sĩ Nguyễn Sáng lại được giao thiết kế bộ tem thứ 2 nhân “Kỷ niệm lần thứ 59 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”, thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tư thế ngồi hơi nghiêng, vẻ mặt trầm tư, sâu lắng, đĩnh đạc và đầy kiên nghị, phản ánh được phong thái của Người trong những ngày kháng chiến ở thời kỳ quyết liệt. Đây là bộ tem độc đáo của Việt Nam bởi được in trên giấy dó - một loại giấy được sản xuất thủ công chuyên dùng để in tranh dân gian ở miền Bắc Việt Nam và nhanh chóng trở thành bộ tem quý hiếm đối với giới chơi tem.

TỰ HÀO VỀ 2 TÁC PHẨM LÀ BẢO VẬT QUỐC GIA

Năm 1954, cùng họa sĩ Tô Ngọc Vân, Sĩ Ngọc, Dương Bích Liên tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. 9 năm kháng chiến trường kỳ, họa sĩ đi cùng năm tháng hào hùng của chiến tranh cứu nước, Nguyễn Sáng sống như những người bộ đội và ông đã truyền được hơi thở nóng bỏng của cuộc chiến tranh vào tác phẩm của mình, với sức truyền cảm mạnh mẽ, sống mãi cùng thời gian. Sau khi chiến dịch vĩ đại thắng lợi, ông đã có ngay bức tranh sơn dầu nổi tiếng “Giặc đốt làng tôi”.

Và kể từ đó, nguồn cảm hứng sử thi của ông về cuộc kháng chiến ngày càng trở nên hùng tráng và sâu sắc. Tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1954, trong phòng gương của Nhà hát lớn Hà Nội, người xem đã phải chen nhau để được chiêm ngưỡng tác phẩm “Giặc đốt làng tôi”. Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam xưa nay, đó là một hiện tượng chưa từng có.

tác phẩm “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng đã được giới chuyên môn đánh giá cao nhất về kỹ thuật sơn mài truyền thống.
Tác phẩm “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng đã được giới chuyên môn đánh giá cao về kỹ thuật sơn mài truyền thống.

Năm 1963, đúng 9 năm sau chiến thắng Điên Biên Phủ, tác phẩm “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng đã được giới chuyên môn đánh giá cao nhất về kỹ thuật sơn mài truyền thống. Tranh thể hiện gồm 8 nhân vật, dựng lại một thời khắc hào hùng của những người chiến sĩ Điện Biên ngay tại chiến trường. Điểm nhấn của bức tranh là 3 chiến sĩ, trong đó có một chiến sĩ trên đầu còn quấn băng với khẩu súng trong tay. Chủ đề càng trở nên chặt chẽ khi bố cục được liên kết với hai chiến sĩ phía bên phải bức tranh bằng một cái bắt tay tình nghĩa và cũng đầy quyết tâm. Góc trái bức tranh là hình ảnh một chiến sĩ đang dìu một đồng đội bị thương, phía xa là một chiến sĩ như đang tiếp tục cuộc hành quân ra trận.

Màu sắc trong tranh đơn giản, chỉ gồm đỏ, trắng, vàng và một ít xanh lá cây với gam màu nóng làm chủ đạo. Tất cả đã được tác giả bố trí, sắp xếp một cách chặt chẽ, hài hòa, nhất là những mảng sáng, tối, trung gian. Qua đó, Nguyễn Sáng đã tạo cho tác phẩm “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” vừa đẹp vừa đậm chất sử thi và chất anh hùng ca. Tác phẩm “Kết nạp Đảng ở Điện Biên phủ” được Nhà nước công nhận Bảo vật quốc gia năm 2013.

Theo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trong suốt những năm tháng chống Pháp, họa sĩ Nguyễn Sáng tiếp xúc, ăn cùng, ngủ cùng bộ đội. Ông đã quen với dáng dấp, tác phong, quân tư trang của người bộ đội. Nhưng trước mỗi tác phẩm vẽ về họ, ông đều cẩn trọng thực hiện nhiều ký họa nghiên cứu về thể dáng, các loại vũ khí, quân tư trang của người chiến sĩ. Họa sĩ Lê Thiết Cương từng nhận xét: “Trên đất nước ta, đã có hàng triệu buổi kết nạp Đảng, nhưng “nhìn” ra vẻ đẹp của nghi lễ trang trọng này, trong hội họa chỉ có một Nguyễn Sáng với buổi “Kết nạp ở Điện Biên Phủ” mà thôi”.

Tác phẩm “Thanh niên thành đồng” được họa sĩ Nguyễn Sáng bắt đầu sáng tác từ năm 1967
Tác phẩm “Thanh niên thành đồng” được họa sĩ Nguyễn Sáng bắt đầu sáng tác từ năm 1967.

Tác phẩm “Thanh niên thành đồng” được họa sĩ Nguyễn Sáng bắt đầu sáng tác từ năm 1967 khi ông sống và làm việc tại Hà Nội. Đất nước bị chia cắt, suốt những năm tháng ấy không thể trở về quê hương nhưng ông vẫn luôn hướng về nơi ấy, vẫn nghe những thông tin về tình hình chiến sự ở miền Nam. Một trong những phong trào đấu tranh của quân dân miền Nam làm ông xúc động, thôi thúc ông sáng tác là cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn chống Mỹ trong những năm 60 của thế kỷ XX.

Nỗi nhớ quê hương miền Nam da diết, lòng căm thù giặc đã hun đúc từ những năm kháng chiến chống Pháp nay càng thôi thúc ông ý tưởng làm một tác phẩm về phong trào chống Mỹ. Vì vậy, trong tác phẩm của mình ông ghi rõ trên góc trên - bên trái “Hnội Sgòn (1967-78)”. Khi sáng tác bức tranh này, Nguyễn Sáng đã là một họa sĩ lớn, nhưng ông luôn muốn lắng nghe đồng nghiệp, bạn bè, học trò góp ý cho bức tranh.

Tác phẩm đã được tác giả chuyển nhượng cho Bảo tàng Cách mạng tại TP. Hồ Chí Minh năm 1980 với giá chuyển nhượng chỉ 2.000 đồng. Bức tranh đã được Hội Mỹ thuật Việt Nam mượn đi triển lãm tại Cộng hòa Dân chủ Đức và trưng bày tại triển lãm cá nhân Nguyễn Sáng năm 1984 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Để phát huy giá trị một tác phẩm của hội họa đương đại Việt Nam, bức tranh đã được Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh chuyển cho Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh vào năm 2004.

HỒNG LÊ

.
.
.