Thứ Năm, 02/02/2023, 21:27 (GMT+7)
.

Nhiều hiện vật tại Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Bảo vật Quốc gia

Hoàng thành Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội) vốn là nơi vua cùng bách quan các triều đại bàn những việc trọng đại của đất nước, nơi ở của Hoàng gia, nơi từng có nhiều cung điện, lầu gác. Mới đây, có bốn hiện vật, nhóm hiện vật tại Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

a
Thành đá điện Kính Thiên vừa được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Trong đợt công nhận Bảo vật Quốc gia lần thứ 11 vừa được Chính phủ công bố tại Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30-1-2023, Hoàng thành Thăng Long có tới 4 trong số 27 hiện vật của cả nước, gồm: Đầu rồng thời Trần; bộ sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê; thành bậc điện Kính Thiên; súng thần công thời Lê Trung Hưng.

a
Đầu rồng trong trang trí kiến trúc thời Trần.

Đầu rồng thời Trần là tượng tròn, cao 60cm, điểm rộng nhất của chiều từ miệng đến bờm sau gáy là 52cm. Đầu rồng là một bộ phận quan trọng trong bộ sưu tập trang trí trên bộ mái kiến trúc truyền thống nói chung và kiến trúc thời Lý, Trần nói riêng.

Đây còn là một trong hai đầu rồng còn nguyên vẹn nhất trong bộ sưu tập đầu rồng của thời Trần được tìm thấy đến nay.

Đầu rồng là minh chứng sinh động cho sự tiếp nối và kế thừa nghệ thuật thời Lý của nghệ thuật tạo hình thời Trần, qua đây cũng thấy được những biến chuyển của nghệ thuật thời Trần so với nghệ thuật thời Lý.

a
Nhóm hiện vật bát đĩa thời Lê.

Nhóm hiện vật thứ hai được công nhận Bảo vật Quốc gia là bộ sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ thuộc thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI, gồm hai bát và năm đĩa, khác nhau về kích thước, bố cục hoa văn, song đồng nhất về đề tài và kỹ thuật trang trí, gồm: Đồ án hoa văn đôi rồng bay lượn và nối đuôi nhau theo chiều kim đồng hồ, đồ án rồng cuộn, đồ án cánh sen, đồ án hoa liên tiền (hay còn được gọi là hoa chanh), đồ án hồi văn.

Đây là những bát, đĩa gốm ngự dụng (đồ dùng của vua), với kỹ thuật chế tác gốm men lam ở trình độ cao, nhiệt độ nung cao, nung đơn chiếc, hoa văn tỉ mỉ và tinh xảo được cho thấy trình độ và óc thẩm mỹ của thợ gốm tài hoa.

Hiện vật thứ ba là thành bậc điện Kính Thiên. Điện Kính Thiên có hai bộ thành bậc, bộ thứ nhất là thành bậc của lối đi chính giữa ở phía trước gồm 4 thành, hiện vật này đã được công nhận là Bảo vật quốc gia từ lâu. Bộ thứ hai là hai thành bậc của lối đi phía sau bên trái nền điện Kính Thiên hiện nay, có kích thước nhỏ hơn so với thành bậc chính. Cặp thành bậc này được xác định niên đại thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII) có cấu trúc và hoa văn trang trí hoàn toàn giống nhau, gồm tượng rồng ở phần trên và các họa tiết trang trí ở mặt ngoài, trong tư thế vận động từ trên xuống dưới theo chiều dọc của thành bậc. So sánh với lan can rồng phía trước có sự chuyển biến lớn về hình khối lẫn chi tiết, rồng vẫn uốn 7 khúc nhưng các khúc đuôi doãng hơn, đao lửa đã hình thành dạng đao mác gờ giữa nổi cao vát sang 2 bên, mũi thuôn dài, đầu nhọn hơi tù. Đồ án cá hóa long, uyên ương, hoa sen và cụm mây chạm phẳng tạo độ nông sâu khác nhau, chồng lớp không giống như lan can đá phía trước.

Cuối cùng là cổ vật Súng thần công thời Lê Trung hưng. Cổ vật có hình trụ tròn gồm 4 phần: Miệng súng, thân súng, bầu súng và chuôi súng. Tổng chiều dài súng là 1,21m, miệng nòng súng rộng 4,6cm. Súng không có trục quay (trục điều hướng), quai và núm. Khẩu súng này cho thấy trình độ đúc đồng, sự phát triển của súng thần công Đại Việt trong lịch sử của súng thần công.

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ sớm có kế hoạch tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị các cổ vật được công nhận Bảo vật Quốc gia đợt này, qua đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa, cũng như tăng sức hấp dẫn cho điểm đến di sản.

Theo nhandan.vn


 

.
.
.