Thứ Hai, 27/02/2023, 09:35 (GMT+7)
.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tiền Giang

Với quyết tâm hành động, khát vọng cống hiến trong tổ chức triển khai thực hiện, dưới ánh sáng “soi rọi” của Đề cương về Văn hóa Việt Nam, thời gian qua, việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Tiền Giang được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo theo hướng phát triển toàn diện, đạt các giá trị chân - thiện - mỹ, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng giàu đẹp.

BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA ĐỊA PHƯƠNG

Trong 5 năm qua, các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) và gia đình được ngành VHTT&DL các cấp trong tỉnh tổ chức thường xuyên, với nhiều nội dung phong phú, gắn với các ngày lễ, tết, ngày kỷ niệm, các sự kiện chính trị của quốc gia, của tỉnh như: Tổ chức trên 500 cuộc, hội thi, liên hoan văn nghệ với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phục vụ hàng ngàn lượt công chúng. Phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức biểu diễn gần 300 buổi đờn ca tài tử (ĐCTT), trích đoạn cải lương, Chương trình nghệ thuật “Dạ khúc tri âm” tại Rạp hát Thầy Năm Tú.

Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các đề án, kế hoạch hoạt động chuyên môn của ngành như: ĐCTT; phát triển văn hóa đọc; nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao (TTVH-TT) cấp xã; phát triển văn hóa nông thôn... với rất nhiều hoạt động thiết thực, hữu ích, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân trong tỉnh. 

Hội thi Hát sử ca tỉnh Tiền Giang đã tuyên truyền đậm nét về lịch sử hào hùng trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Hội thi Hát sử ca tỉnh Tiền Giang đã tuyên truyền đậm nét về lịch sử hào hùng trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã thực sự đi vào cuộc sống. Với quan điểm đưa văn hóa về cơ sở, rất nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ được tổ chức ở cơ sở, huy động được nhiều tầng lớp nhân dân ở nông thôn tham gia, tạo ra môi trường sinh hoạt văn hóa vui tươi, lành mạnh ở nhiều vùng nông thôn trong tỉnh.

Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, Sở VHTT&DL đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công nhiều sự kiện, các lễ hội lớn của tỉnh, như: Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp, Lễ hội Trương Định, Lễ hội VHTT&DL, Đường hoa Xuân và các hoạt động vui xuân đón Tết cổ truyền của dân tộc đến tận cơ sở... tạo dấu ấn với công chúng trong và ngoài tỉnh.

Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Tiền Giang, giúp nhân dân, kiều bào, bạn bè quốc tế hiểu về lịch sử, vùng đất, văn hóa, con người Tiền Giang.

Đặc biệt, hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện gắn với xây dựng nông thôn mới. Hiện có 11/11 huyện, thị, thành của tỉnh đều có Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh (TTVHTT&TT), trong đó có 4 TTVHTT&TT huyện được đầu tư xây dựng đạt chuẩn theo quy định.

Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 139 TTVH-TT cấp xã được xây dựng với trang thiết bị tương đối đầy đủ; có 392 nhà văn hóa ấp (liên ấp) đạt chuẩn theo quy định. Đến nay, toàn tỉnh có 139/142 xã được công nhận đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, tăng thêm 128 xã so với thời điểm cuối năm 2015, thu hút đông đảo người dân đến sinh hoạt, giao lưu, từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân địa phương.

Nhằm tuyên truyền ý nghĩa lịch sử, những giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng của Đề cương về Văn hóa Việt Nam, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam,  cụ thể: Từ ngày 16 đến 21-3-2023, trưng bày hình ảnh, tư liệu với chủ đề “Ngành VHTT&DL - Những chặng đường phát triển” và trưng bày sách, báo với chủ đề “Bản sắc văn hóa - Hội tụ và phát triển”; tổ chức Họp mặt hưởng ứng kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2023 vào ngày 17-3; Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Việt Nam quê hương tôi” ngày 18-3; các chương trình nghệ thuật, giao lưu các câu lạc bộ xiếc, ảo thuật, múa bóng rỗi, đờn ca tài tử, trích đoạn cải lương; bình thơ, tác phẩm văn học… tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh được ngành VHTT&DL đặc biệt quan tâm bảo tồn, gắn với phát triển du lịch. Hiện nay, tỉnh Tiền Giang có 186 di tích được xếp hạng gồm: 20 di tích cấp quốc gia, 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt và 164 di tích cấp tỉnh. Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo gắn với phát triển du lịch.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền cổ động trực quan được ngành VHTT&DL tỉnh chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức đã tác động mạnh mẽ đến quá trình xây dựng con người mới ở Tiền Giang với những đức tính tốt đẹp, lối sống lành mạnh, đẩy lùi tiêu cực và các tệ nạn xã hội, khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa khó giảm nghèo… Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh.

LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM

Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Võ Văn Chiến cho biết, thời gian tới, Sở VHTT&DL sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo quán triệt sâu sắc, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, tập trung cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành chương trình, đề án cụ thể phù hợp với thực tiễn. Đổi mới phương thức lãnh đạo và quản lý đối với sự nghiệp phát triển văn hóa sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, giải tỏa những “điểm nghẽn” khơi thông để “mạch nguồn” văn hóa lưu thông thuận lợi, phát triển bền vững.

Cùng với đó, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Phát huy các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng và phát triển văn hóa Tiền Giang gắn với nền văn hóa Việt Nam. Khuyến khích các văn nghệ sĩ lao động sáng tạo để có nhiều tác phẩm, công trình có chất lượng và tầm ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, phát huy các di sản văn hóa dân tộc.

Đồng thời, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tinh hoa văn hóa, nghệ thuật nước ngoài, bồi đắp, bổ sung những giá trị văn hóa mới. Tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực đấu tranh bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, phát huy bản sắc văn hóa, những đức tính tốt đẹp của người Tiền Giang nói riêng và người Việt Nam nói chung…

MINH PHÚC - HOÀI THU

.
.
.