Thứ Sáu, 26/05/2023, 10:41 (GMT+7)
.

Văn hóa từ chối

Những kết nối đa chiều và tác động từ mạng xã hội một lần nữa chứng minh sức mạnh của “văn hóa từ chối” trong giới trẻ hiện nay.

Dư luận bức xúc trước bài viết trên một tạp chí thời trang thịnh hành trong giới trẻ hiện nay với nội dung về các nghệ sĩ Việt trên thị trường nghệ thuật quốc tế. Tuy nhiên, phần nhiều nội dung bài viết này lại xoáy vào câu chuyện khán giả có phần mỉa mai khi một nghệ sĩ nào đó công bố dự án ở nước ngoài…

Đỉnh điểm của bức xúc, khi bài viết chỉ trích chuyện khán giả Việt không ủng hộ một nữ ca sĩ quốc tịch Australia (sống ở Hàn Quốc, có ba mẹ là người Việt) và nhắc về những ngày lịch sử quan trọng của đất nước với ngôn từ không thể chấp nhận được như: “định kiến cũ kỹ”, “sự kiện không đáng nhớ”…

Bài viết được tạp chí đăng tải trên website và fanpage vào giữa tháng 5, nhận được hàng loạt bình luận phản đối, tuy nhiên tác giả bài viết và tạp chí vẫn không có động thái gì. Một làn sóng tài khoản mạng xã hội cùng các fanpage có uy tín, đồng loạt lên tiếng phản đối bài viết và bày tỏ quan điểm của khán giả trẻ từ chối tiếp nhận thần tượng mà bản thân họ thấy không thích. Sau đó, tạp chí trên đã phải gỡ bài viết khỏi các nền tảng trực tuyến và gửi thư xin lỗi độc giả.

Là quản trị một fanpage chuyên về nghệ thuật cắm hoa, Mai Nguyễn Quỳnh Thư (21 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Tôi nghĩ mình không thể im lặng. Fanpage có hơn 4.000 lượt tương tác mỗi ngày, nên tôi muốn thông qua đó chia sẻ việc phản đối thông tin của tạp chí trên, có thể chúng ta không nhớ tận tường được ngày tháng năm và các sự kiện lịch sử, nhưng ngày lễ lớn của dân tộc thì không thể quên, và lịch sử chỉ có một, dù là tạp chí nào, hay bất kỳ ai cũng không được xuyên tạc như vậy”.

Kết nối “không biên giới” và đa chiều của mạng xã hội đã có không ít những lợi bất cập hại. Nhiều lo lắng đặt ra khi các làn sóng văn hóa từ bên ngoài được giới trẻ nhiệt tình tiếp nhận, nhưng lại biến đổi không phù hợp với một số giá trị bản sắc của dân tộc. Những trăn trở này không phải không có lý do. Câu chuyện trên là một ví dụ, người trẻ sẵn sàng kết nối lại để tạo một tiếng nói phản biện và rõ ràng trong việc từ chối tiếp nhận những điều bản thân mình thấy không phù hợp.

“Văn hóa từ chối” cũng là một bản lĩnh của người trẻ hiện nay.

Theo sggp.org.vn
 

 

.
.
.