.

Chùa Kim Tiên: Một di tích chùa cổ

Cập nhật: 09:31, 22/06/2023 (GMT+7)

Kim Tiên là ngôi chùa cổ tọa lạc ở khu phố 2, phường 5, TX. Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), cách Quốc lộ 1 khoảng 150 m về phía Nam. Sự ra đời của ngôi chùa đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân trong vùng, nhất là lưu dân đi khai phá ở thế kỷ XVII - XVIII. Dần dà ngôi chùa vươn lên có ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của cả một vùng.

Theo các cụ cao niên kể lại, trước kia, chùa Kim Tiên nằm trên một gò đất cao giữa cánh đồng, xung quanh chùa trồng nhiều cây sao, cây dầu. Quyển “Địa phương chí” viết năm 1902 cho biết, chùa Kim Tiên được xây dựng vào thời Cảnh Hưng (khoảng từ năm 1740 - 1786) ở Rạch Cái Nứa (nay thuộc xã Thanh Hòa, TX. Cai Lậy).

Giữa thế kỷ XVIII, chùa Kim Tiên được dời về chợ Cai Lậy, nằm ở khu vực đất họ Hồ do Bảo hộ Hồ Văn Lân (công thần triều đình Gia Long) hiến cúng. Trải qua trên 200 năm tồn tại, chùa Kim Tiên đã qua nhiều vị hòa thượng trụ trì, trùng tu.

Đến ngày 30-4-1975, chùa Kim Tiên được thầy Quảng Châu, một tu sĩ trong Huyện hội Phật Giáo Lục Hòa Tăng Cai Lậy quản lý. Đến năm 1997, thầy Châu nhượng trách nhiệm trụ trì lại cho Hòa thượng Thích Bửu Thông (nguyên Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang). Thầy Bửu Thông đã trùng tu ngôi chùa Kim Tiên khang trang hơn trước.

Chùa Kim Tiên.
Chùa Kim Tiên.

Ngay tại sân chùa Kim Tiên, các chậu hoa kiểng đủ loại được bố trí hài hòa, đẹp mắt. Tượng Phật Quan Thế Âm ngự trên tòa sen ở giữa sân được các chú tiểu và nhà sư trông nom khá chu đáo, có mái che, đèn điện chiếu sáng. Từ cửa đi vào chánh điện, những tượng Phật thờ vẫn uy nghi trên bệ xây bố trí theo lớp lang, khói hương luôn nghi ngút.

Tại đây, có 1 pho tượng bằng đồng cao 1 m, ngang 80 cm có giá trị lịch sử, văn hóa bậc nhất ở Tiền Giang. Hai tượng Phật Thích Ca được sơn son thếp vàng cao 1 m, ngang 80 cm với nét mặt ánh lên sự phúc hậu, hiền từ nhìn xuống phật tử đang chiêm bái. Cạnh đó bộ 3 tượng Thập điện bằng gỗ cao 80 cm sơn son thếp vàng, luôn tạo sự chú ý của mọi người về nét chạm khắc khá tinh xảo của những nghệ nhân ngày xưa.

Tượng Phật Di Lặc bằng đất sét cũng được sơn son thếp vàng và một tượng Văn quan ngồi bằng gỗ cao 80 cm (áo có hoa văn rồng) như tô điểm thêm nét tín ngưỡng Phật giáo của cư dân Cai Lậy, có kết hợp với Nho học thời phong kiến. 3 bộ bao lam ở chánh điện; trong đó, có 2 bộ chạm tùng lộc mai điểu, bộ lam ngay chánh điện chạm Cửu Long rất tinh xảo, 3 bộ ở nhà tổ chạm lộng hoa lá.

Với những đường nét tạo hình độc đáo và nghệ thuật kiến trúc mới lạ, cùng với những mô típ trang trí của chùa Kim Tiên đã thể hiện phần nào nhân sinh quan của cư dân nơi đây. Điều đáng nói là các hiện vật trên được sử dụng, phối cảnh cùng các hiện vật kiến trúc khác mà không có sự khập khiễng. Đặc điểm chung của các tượng phật ở chùa là không cao lớn như ở những chùa khác.

Các di vật trong chùa còn rất ít so với lúc chùa mới trùng tu năm 1920, tuy nhiên những di vật còn lại đều liên quan đến sự thành lập chùa và có giá trị về mặt lịch sử, nghệ thuật. Phía ngoài chùa là những mộ tháp của các nhà sư trụ trì ở chùa lâu năm đã viên tịch. Những ngôi mộ tháp này xây dựng khang trang, bảo quản chu đáo.

Chùa Kim Tiên là một di tích có giá trị lịch sử quan trọng đối với nhân dân địa phương. Trải qua trên 200 năm tồn tại, chùa Kim Tiên thu hút đông đảo người dân trong vùng tìm đến để thả hồn vào chốn yên lắng nơi cửa Phật.

Vào những ngày mùng Một và Rằm âm lịch, phật tử khắp nơi đổ về đây lạy Phật, cầu mong những điều tốt lành. Thời nước ta còn bị thực dân Pháp thống trị, chùa Kim Tiên còn là nơi lui tới hội họp của những nhà trí thức yêu nước; đồng thời, là nơi bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo quanh vùng.

Qua nhiều lần trùng tu nhưng chùa Kim Tiên vẫn giữ được nét cổ kính như từ ban đầu khi mới thành lập, và hôm nay khang trang hơn do được bảo quản tốt. Ngôi chùa giờ đây trở thành một di tích có giá trị lịch sử và văn hóa của địa phương. Chùa Kim Tiên được Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” TX. Cai Lậy công nhận “Cơ sở thờ tự văn hóa”.

QUANG HUY

.
.
.