Thứ Năm, 01/06/2023, 20:28 (GMT+7)
.

Nâng chất phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"

Cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của trung ương “Phát triển văn hóa, hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội”, thời gian qua, ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Tiền Giang phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (gọi tắt là Phong trào). Ngành cũng đã tham mưu UBND tỉnh đề ra nhiều giải pháp nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong việc tham gia hưởng ứng các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa từ thành thị đến nông thôn, đạt nhiều kết quả tích cực.

Tại tỉnh Tiền Giang, từ khi phát động (năm 2000) đến nay, Phong trào đã được triển khai ngày càng sâu rộng trên địa bàn tỉnh. Đây là phong trào lớn, ngày càng nhận được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể các cấp, đặc biệt là sự đồng thuận, tích cực tham gia hưởng ứng của nhân dân trong chăm lo xây dựng đời sống văn hóa cho mỗi người dân, cho cộng đồng.

HIỆU QUẢ TỪ PHONG TRÀO

Theo Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang, Phong trào ngày càng phát triển bền vững, có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, thiết thực và thực sự thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội… góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, làm nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh, tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức đã góp phần nâng chất phong trào  “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức đã góp phần nâng chất phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Kết quả đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 94,65% hộ đạt “Gia đình văn hóa”, 100% ấp, khu phố văn hóa; 96,5% xã đạt chuẩn văn hóa NTM/phường/thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; có 69 chợ văn hóa; 17 công viên văn hóa; 882 con đường văn hóa, 557 cơ sở thờ tự văn hóa... Đặc biệt ở khu vực nông thôn, các cơ sở thờ tự được công nhận danh hiệu “Cơ sở thờ tự văn hóa” ngày càng nhiều, ngoài việc xây dựng nếp ứng xử văn hóa trong giới chức sắc tôn giáo và người đến hành lễ, còn góp phần xây dựng môi trường tín ngưỡng lành mạnh, phòng, chống mê tín dị đoan. Mô hình “Cơ sở thờ tự văn hóa” hiện nay đang có chiều hướng phát triển tốt và được nhiều chức sắc tôn giáo ở các địa phương trong tỉnh nhiệt tình hưởng ứng.

Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình - Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang Nguyễn Minh Phúc cho biết, hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện gắn với xây dựng NTM. Hiện có 11/11 huyện, thị, thành có Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh (VHTT&TT), trong đó có 4 Trung tâm VHTT&TT cấp huyện được đầu tư xây dựng đạt chuẩn theo quy định. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 139 Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã được xây dựng, trang thiết bị tương đối đầy đủ; có 392 Nhà văn hóa ấp (liên ấp) đạt chuẩn theo quy định. Đến nay, toàn tỉnh có 139/142 xã được công nhận đạt Tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng NTM, thu hút đông đảo người dân đến sinh hoạt, giao lưu, từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân địa phương.

Phong trào đã góp phần gắn kết người dân nêu cao ý thức trách nhiệm, tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng NTM, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Nhiều nội dung Phong trào đã được triển khai sâu rộng, được các cấp, các ngành vận dụng sáng tạo, người dân tự giác thực hiện nghiêm túc.

TIẾP TỤC NÂNG CHẤT

Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang xác định việc triển khai thực hiện Phong trào là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị nói chung và của toàn ngành VHTT&DL nói riêng, phải được tiến hành nghiêm túc, kiên trì, thiết thực, tránh hình thức. Theo đó, trên cơ sở Quyết định 2214 ngày 28-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2021 - 2026”, Sở VHTT&DL tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 43 triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2022 - 2026” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Ngày 22-3-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Kế hoạch 942 về việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2023. Kế hoạch yêu cầu tiếp tục triển khai thực Quyết định 2214 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2021 - 2026”; tổ chức thực hiện Phong trào đảm bảo hiệu quả, với hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, gắn với các nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương…

Theo Kế hoạch 43, phấn đấu đến năm 2026 trên địa bàn tỉnh có 80% người dân được nâng cao mức hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao; 70% số đơn vị hành chính cấp huyện có nhà thiếu nhi; 100% đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn có điểm sinh hoạt, vui chơi dành cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; 50% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, tiêu biểu; 70% ấp, khu phố giữ vững danh hiệu văn hóa tiêu biểu; 80% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 80% gia đình giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa, tiêu biểu, hạnh phúc”…

Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh Tiền Giang trong giai đoạn mới, Ban Chỉ đạo Phong trào, công tác gia đình và dân số tỉnh đề ra nhiều giải pháp và công việc trọng tâm để các ngành, các cấp triển khai thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, của cán bộ, đảng viên, nhân dân về ý nghĩa tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện Phong trào đối với sự phát triển của địa phương; trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong thực hiện Phong trào.

Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; phát huy tính gương mẫu, tự giác, tuân thủ pháp luật của cá nhân, cơ quan, đơn vị và trong cộng đồng xã hội; có biện pháp ngăn chặn các hành vi ảnh hưởng tiêu cực đến xây dựng môi trường văn hóa. Tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao; tăng cường công tác quản lý, sử dụng, phát huy tối đa, hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa cơ sở phù hợp với khả năng, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật ở từng địa phương…

Q.A

.
.
.