Lễ Kỳ yên - nét đẹp văn hóa dân gian cần được giữ gìn
Hằng năm, từ giữa tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch, hầu hết các đình, miếu tại các huyện trong tỉnh Tiền Giang đều diễn ra Lễ Kỳ yên. Đây không chỉ là lễ hội mang ý nghĩa tâm linh, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, dân giàu nước mạnh, mà còn là một ngày hội tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Nam bộ từ bao đời nay.
Theo tín ngưỡng của người dân Việt Nam nói chung, người dân Nam bộ nói riêng, thường có tục thờ thần. Hầu như mỗi vùng đất đều có một vị thần Thành Hoàng - người có công trong việc khai khẩn, gìn giữ vùng đất đó. Vào dịp đầu năm mới, tùy theo phong tục từng nơi mà người dân trong vùng sẽ tổ chức lễ cúng (cúng đình) hay còn gọi là Lễ Kỳ yên (tức là cầu an).
Lễ Kỳ yên là nghi lễ cầu cho “mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an”, tùy theo phong tục mỗi nơi mà lễ này sẽ được ấn định về thời gian, thứ tự và chi tiết. Tuy nhiên, thường thì các Lễ Kỳ yên được tiến hành trang trọng tại một ngôi đình, đền, miếu… thời gian tổ chức trong 3 ngày, gồm 2 phần: Lễ và hội.
Lễ Kỳ yên tại Đình Điều Hòa - nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Tiền Giang từ bao đời nay. Ảnh: Duy Nhựt |
Trong phần lễ, có các nghi thức rước sắc thần về đình; dâng hương, dâng rượu, dâng trà; đọc bài văn tế cầu nguyện và cảm tạ các thần Thành Hoàng, Tiên hiền, Hậu hiền, Thần Nông, Thần Hổ, Ông Nam Hải… đã phù hộ cho dân làng có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ở Lễ Kỳ yên, phần lễ rất quan trọng và được tổ chức trang nghiêm. Những người đứng ra tế lễ hoặc tham gia vào nghi thức tế lễ thường là những bậc cao niên, người có chức sắc, hoặc có uy tín trong cộng đồng dân cư. Phần hội ở đây thường gồm các chương trình: Múa lân, múa rồng, các trò chơi dân gian…
Người dân đến với Lễ Kỳ Yên ngoài mục đích cầu phước, cầu tài, cầu lộc, cầu thọ, còn là dịp ôn lại truyền thống lịch sử của ông cha đã khai hoang lập ấp; đồng thời người dân tại mỗi địa phương được thưởng thức các chương trình nghệ thuật như: Hát bội, cải lương…
Hiện nay, trên địa bàn các địa phương trong tỉnh Tiền Giang có nhiều ngôi đình, đền, miếu. Hằng năm, những nơi này hầu hết đều tổ chức Lễ Kỳ yên rất trang trọng, thu hút đông đảo nhân dân quanh vùng về tham dự. Trân trọng giới thiệu Lễ Kỳ yên tại các Đình: Điều Hòa, Vĩnh Bình và Long Trung.
LỄ KỲ YÊN TẠI ĐÌNH ĐIỀU HÒA
Hằng năm, cứ đến lệ kỳ, nhân dân trong vùng lại tề tựu về Đình Điều Hòa (TP. Mỹ Tho) để tổ chức cúng Kỳ Yên vào các ngày 16,17, 18 tháng 2 (âm lịch) và 16, 17, 18 tháng 10 (âm lịch). Trong suốt 3 ngày lễ, có nhiều hoạt động truyền thống như: Lễ Thỉnh Sắc Thần, Lễ Tế Thần, cúng Tạ Tịch, Lễ tế Thần Nông, đãi khách, hát tuồng... Trang trọng nhất là Lễ Tế Thần, cầu “quốc thái dân an”, nghi lễ diễn ra lúc 1 giờ rạng sáng ngày 17-10 (âm lịch). Lễ Tế Thần và Tế Thần Nông sẽ tiếp tục diễn ra vào 2 giờ và 3 giờ rạng sáng ngày 18-10 (âm lịch).
Đình Điều Hòa được thành lập từ thời nhà Nguyễn vào thế kỷ XVIII, nay tọa lạc tại số 101, đường Trịnh Hoài Đức, phường 2, TP. Mỹ Tho. Từ ngày đầu thành lập, đình Điều Hòa được làm nơi tạm dừng chân của các quan lại dưới triều Nguyễn đi công cán ở địa phương muốn nghỉ lại qua đêm. Đình Điều Hòa còn là nơi thờ cúng Thành Hoàng Bổn Cảnh của nhân dân trong vùng. Trong đình có thờ 4 vị nữ thánh, đó là bà Hoàng Hậu cùng với ba người con, người dân gọi là bà Đại Càn cùng với ước mong được trời yên bể lặng khi đi biển, sự bình an.
Ngoài ra, đình còn thờ Thần Nông - vị thần có liên quan đến các công việc đồng áng của nhân dân. Theo dân gian, Thần Nông là vị thánh tổ của ngũ cốc, sáng chế ra lưỡi cuốc, lưỡi cày giúp dân cày xới, dạy dân dựng nhà. Thần Nông là thần trông coi nông nghiệp cùng với người nông dân nên việc tế lễ cũng phải tế ngoài trời cho phù hợp với tính cách của Thần Nông… với ý nguyện cầu mong mùa màng tốt tươi, cuộc sống sung túc, ấm no.
LỄ HỘI KỲ YÊN TẠI ĐÌNH VĨNH BÌNH
Ngày nay, Lễ Kỳ yên đình Vĩnh Bình, thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây là Lễ hội Kỳ yên lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Đình nằm trong nội ô thị trấn Vĩnh Bình. Từ xa xưa, vùng đất này đã sớm có người Việt từ các tỉnh miền ngoài đến sống rải rác trên giồng cát. Khoảng nửa sau thế kỷ XVIII, có ông Trần Văn Huê cùng hơn 40 người đến lập nghiệp. Ông Huê là người giỏi giang, biết hốt thuốc, sống đức độ được bà con trong vùng quý mến.
Năm Mậu Thìn 1808 lập làng Vĩnh Lợi (lúc đó thuộc tổng Hòa Bình, huyện Kiến Hòa, trấn Ðịnh Tường), ông Huê đứng chân trong chính quyền làng, sửa sang ngôi miếu có từ trước thành đình làng Vĩnh Lợi để thờ Thành Hoàng. Năm Ất Hợi 1815, ông Huê lập chợ Vĩnh Lợi, dân trong vùng quen gọi là chợ Giồng. Khi ông Huê qua đời, giồng đất này được gọi là Giồng ông Huê và chợ Vĩnh Lợi cũng được gọi là chợ Giồng ông Huê.
Năm 2017, Lễ hội Kỳ yên Đình Vĩnh Bình được đưa vào Danh mục di sản phi vật thể cấp tỉnh. Ảnh: Lập Đức |
Năm 1995, cùng với sự quyên góp của dân làng, những nhà hảo tâm, chính quyền địa phương cho xây dựng một ngôi đình mới, tọa lạc tại ấp Đông, thị trấn Vĩnh Bình, lấy mẫu đền thờ Trương Ðịnh, bổ sung một số chi tiết cho thêm phần cổ kính. Trong những ngày lễ hội, đường phố thị trấn Vĩnh Bình nhộn nhịp hẳn lên, nhà nhà đều dọn dẹp tươm tất, chưng mâm ngũ quả trước cửa nhà để đón rước “sắc thần”.
Hằng năm, lễ hội diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Chạp (âm lịch), dân làng rất mong chờ với Lễ hội Kỳ yên. Từ trưa ngày 14 tháng Chạp, đội lân, rồng của đình cung thỉnh linh từ “Bàn các ấp” của thị trấn về đình, để cung thỉnh những vị đang được thờ tại các miếu và thỉnh vong linh các bậc tiền bối có công với địa phương, đến 17 giờ chiều đoàn rước linh đi một vòng chợ Vĩnh Bình rồi đưa linh vị thần đến miếu Bà, cúng tế rất long trọng, sau đó mới đưa linh vị thần trở về đình Vĩnh Bình an vị.
Dân làng dâng lễ vật như: Xôi, thịt, trà, rượu, bánh trái, thậm chí cả heo quay đến cúng đình. Vào nửa đêm, lễ tống gió được tiến hành. Những con tàu bằng giấy kiếng được trang trí cầu kỳ, thắp những cây đèn cầy thả trôi sông cùng các nghi lễ tống gió độc, những điều xui xẻo ra biển, kết thúc 3 ngày đêm sống trong những cảm xúc, tâm linh của nhiều nghi lễ, náo nhiệt của những ngày lễ hội.
Lễ hội Kỳ yên ở huyện Gò Công Tây mang đậm nét văn hóa truyền thống của vùng đất nông nghiệp đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm nay, việc nhân dân tổ chức lễ hội nhằm đánh dấu một năm yên ổn, mưa thuận gió hòa; đồng thời cùng nhau cầu cho một năm mới bình an, mùa màng thắng lợi, bội thu... Đây là một trong những nét đẹp văn hóa dân gian của địa phương rất đáng trân trọng và giữ gìn.
LỄ HỘI KỲ YÊN TẠI ĐÌNH LONG TRUNG
Đình Long Trung là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa của người dân địa phương và thờ Thành Hoàng, những người có công khai hoang, lập làng. Đình được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII gắn với lịch sử phát triển của Làng Mỹ Đông Trung, huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường (nay là xã Long Trung, huyện Cai Lậy). Đến khoảng sau nữa thế kỷ thứ XIX, đình mới được xây dựng khang trang như hiện nay.
Lễ hội Kỳ yên Đình Long Trung diễn ra từ ngày 16, 17 tháng 11 âm lịch hằng năm tại chợ Ba Dừa, xã Long Trung, huyện Cai Lậy. Về phần lễ, thực hiện các nghi tiết như: Dâng hương, đăng, trà, quả… đọc văn tế, có lễ sinh (học trò lễ), nhạc lễ bài bản. Phần hội do cộng đồng cư dân địa phương tổ chức với các hoạt động như: Rước bà bóng đến múa bóng rỗi cúng miếu Bà bên cạnh đình, mời hát bội đến hát trong lễ cúng đình (hát xây chầu).
Hiện nay, việc rước bà bóng, tổ chức các trò chơi dân gian chưa được phục hồi, còn hát bội thì thỉnh thoảng mới mời được nên thay vào đó là việc tổ chức các hoạt động trưng bày những tác phẩm chưng kết, hoa kiểng, mâm ngũ quả…là những nông sản của nhân dân địa phương làm ra. Năm 1999, Đình Long Trung được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Năm 2019, UBND tỉnh Tiền Giang đã Quyết định đưa Lễ hội Kỳ Yên Đình Long Trung, xã Long Trung, huyện Cai Lậy vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh.
HỒNG LÊ (tổng hợp)