Thứ Bảy, 23/09/2023, 20:19 (GMT+7)
.

Tản mạn về bánh Trung thu

 Năm nay kinh tế khó khăn, đến thời điểm này vẫn chưa thấy cảnh tượng trên là trời, dưới là quầy bánh Trung thu như mọi năm.

Những năm trước, bất kỳ khoảng trống nào bên đường phố cũng được tận dụng làm quầy bán bánh, trước các cửa hiệu nổi tiếng người mua xếp hàng chen chúc nhau, cửa hàng bánh Trung thu Đông Phương trên phố Cầu Đất ở Hải Phòng dù một chiều mà vẫn bị tắc nghẽn, công an phải túc trực để điều tiết giao thông.

Kinh tế khó khăn một phần là cũng có phần là nhận thức, ý thức của mọi người về bánh Trung thu cũng có phần thay đổi. Nhiều người nhận ra sự lãng phí khi mua, cho, biếu, tặng nhau bánh Trung thu.

a
Chi phí bao bì, quảng cáo đã đẩy giá bánh Trung thu lên quá giá trị thực. Ảnh minh họa.

Thực tế cuộc sống người dân, nhất là ở các thành phố lớn phần lớn đã no đủ, khẩu phần ăn hàng ngày đã dư thừa chất và calo, nếu ít vận động dễ ra các bệnh cơ hội, mỡ máu, tiểu đường nên việc bánh Trung thu với lượng đường, chất béo rất cao không còn là lựa chọn và ưu tiên như cái thời ai nầy chỉ mong tới Trung thu để được ăn bánh nướng, bánh dẻo.

Bánh Trung thu ngày xưa là niềm ao ước của trẻ con, là vật phẩm quan trọng nhất trong mâm cỗ trông trăng trong đêm hội trăng rằm. Miếng bánh nướng có nhân xá xíu béo thơm, mứt bí ngọt sắc, hương vị ruốc gà, lá chanh quyện với nhau thơm lừng lựng, hạt sen bùi bùi. Bánh dẻo thơm dịu mùi nếp hương dẻo quánh nhân đỗ ngọt lịm, ăn một miếng mà dư vị cứ đọng lại cảm giác thòm thèm trong miệng.

Mùa thu tới, tôi hay ấn tượng là vì ngoài được mua đồ chơi là chiếc đèn ông sao, đốt hạt bưởi để rước đèn, thì bố tôi hay chuẩn bị đôi vịt cỏ, cặp bánh nướng, bánh dẻo, chục quả hồng, ít cốm phồng mang biếu bà ngoại. Ông ngoại mất lâu rồi nên chỉ còn bà. Bố tôi hay xếp các thứ vào cái hộp bằng nhôm màu xanh của chú tôi đi bộ đội mang về, để mỗi lần sang biếu quà là bà lại xuýt xoa kêu nhiều quà lãng phí. Để rồi lại bắt gà, đong gạo cho bố tôi mang về cả khoai với rau cả ngô hạt nữa.

Trung thu trong tôi là Tết trông trăng cho trẻ con thoả thích vui đùa dưới ánh trăng sáng trong văn vắt, để thấy “nhật nguyệt càn khôn” thu trong tầm mắt. Với người lớn, đó là dịp để tri ân ông bà cha mẹ bằng những vật dụng gần gũi nhưng đủ vị, đúng mùa.

Từ cái nếp tốt đẹp đó, rồi khi kinh tế phát triển, các mối quan hệ nhờ vả rồi mang ơn mắc nợ với nhau đợi đến Tết thì thời gian dài quá, người ta cần một khoảng thời gian Trung gian để duy trì mối quan hệ và rồi dần dà bánh Trung thu chủ yếu là để doanh nghiệp đi biếu các quan chức, các chỗ, mối quan hệ làm ăn và sự lãng phí bắt đầu.

Bánh trung thu dù ngon đến mấy cũng đều béo và ngọt, nhanh ngán, không ai có thể ăn liên tục hàng tuần được, nên người ta bắt đầu sản xuất bánh với những nguyên liệu xa rời bánh truyền thống với vi cá, tổ yên, bào ngư, trứng cá hồi, hải sâm, nhân sâm, hạnh nhân, mắc ca… để nâng cao độ sanh chảnh cho chiếc bánh.

Hộp bánh được thiết kế in ấn thật đẹp, thật độc đáo, đi kèm là phần trà hảo hạng hoặc chai rượu nổi tiếng đẩy giá trị hộp bánh lên nhiều triệu đồng. Chi phí quảng cáo, tiếp thị, vỏ hộp, chiết khấu hoa hồng cứ đẩy lên làm giá trị thực của chiếc bánh chỉ còn chiếm phần nhỏ trên tổng số.

Với nhiều vị quan chức, bánh biếu xếp đầy cả gian bếp thì ăn sao hết, có cho, tặng đi cũng không thể hết được. Khách nào đến nhà cũng mở hộp cắt bánh mới, khách nể lắm thì nhấp nháp một tí chút với nước trà rồi bỏ đấy, chủ nhà thì nhìn thấy bánh đã sợ và lại đem bỏ đi. Hộp bánh giá cả mấy trăm ngàn, loại đắt hàng triệu hay nhiều triệu bị bỏ đi phí phạm đến như vậy. Vỏ hộp bánh rất đẹp, nhưng cũng không tận dụng hay tái sử dụng được, trừ để làm hộp đựng đồ chơi trẻ em, sau một thời gian lại vứt đi.

Có mang bánh đến chỗ làm việc để nhờ mọi người tiêu thụ theo kiểu “của không ngon nhà đông con cũng hết” cũng không ổn, chị em thì sợ béo, anh em thì không ưa đồ ngọt, bánh Trung thu không phải đồ nhắm hay những loại đồ ăn vặt khác có thể dễ dàng được tiêu thụ ở văn phòng. Nhiều hộp bánh đắt tiền cứ nằm im lìm đợi ngày quá hạn rồi bị vứt bỏ một cách hết sức phí phạm.

Nhiều chỗ quan hệ đến dịp Trung thu họ biếu xong hộp bánh là như thấy họ nhẹ lòng, xong trách nhiệm, chỗ cần quan hệ sâu thì có cả phong bì, còn những chiếc bánh một thời từng là ao ước của trẻ con, vẫn là ao ước của những đứa trẻ nghèo ở vùng sâu vùng xa thì bị hắt hủi đến tội nghiệp.

Vậy có cần nhất thiết phải sản xuất thật nhiều bánh cho dịp Trung thu nữa hay không? Chỉ cần thay đổi thói quen mua sắm, sử dụng và tiêu dùng là bớt đi sự lãng phí cho những hộp bánh bóng bẩy. Thực sự bánh Trung thu công nghiệp với nhân xay nhuyễn thì chẳng ai có thể biết nhân bánh được làm từ nguyên liệu gì, chỉ thấy có chút mùi khoai môn hay đậu xanh, như nắm bột nướng có hương liệu chẳng còn hương vị hồn cốt của bánh Trung thu.

Năm nay bớt dần, sang năm bớt nữa thì dần dần bánh Trung thu sẽ không còn là trách nhiệm phải biếu tặng nữa, sẽ trở về giá trị vốn có của nó. Trên góc độ kinh tế, có bộ phận nhỏ sản xuất kinh doanh bánh bị thiệt hại, nhưng còn hơn là sản xuất rồi bỏ phí. Nếu có tổ chức nào nhận lại các hộp bánh chưa sử dụng kia, tập hợp lại, rồi đem chia cho trẻ em vùng sâu, vùng xa trước Tết trung thu thì có lẽ “cả nhà đều vui”.

Theo diendandoanhnghiep.vn

.
.
.