Thứ Hai, 26/02/2024, 10:13 (GMT+7)
.

Phố Ông Đồ: Mô hình du lịch mang tính văn hóa cộng đồng

Từ lâu, Phố Ông Đồ (đường Hoàng Việt, phường 5, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) được biết đến là điểm du xuân, chụp ảnh của người dân trong và ngoài TP. Mỹ Tho. Mới đây, vào ngày 15-1-2024, sau hơn 6 năm, Phố Ông Đồ được sự quan tâm của chính quyền và đón nhận tin vui khi được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận là điểm du lịch của tỉnh.

Chủ nhân của Điểm du lịch Phố Ông Đồ là Họa sĩ Hoàng Anh. Đây là điểm du lịch mang tính đột phá đầu tiên của tỉnh Tiền Giang, với chủ đề tranh ảnh, thư pháp, hội họa... sản phẩm đặc trưng trong việc gìn giữ nét văn hóa Việt Nam. Đồng thời, Điểm du lịch Phố Ông Đồ cũng là nơi giao lưu sinh hoạt của các câu lạc bộ như: Cờ tướng, thư pháp, đờn ca tài tử, thơ…

TP. Mỹ Tho khai mạc Phố Ông Đồ vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua.                                                                                                                                          Ảnh: M. Thành
TP. Mỹ Tho khai mạc Phố Ông Đồ vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua. Ảnh: M. Thành

Đặc biệt, lần đầu tiên trong dịp Tết Nguyên tiêu năm nay, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức chương trình chào mừng Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 năm 2024, với chủ đề “Bản hòa âm sông Tiền” tại Điểm du lịch Phố Ông Đồ.

Chương trình diễn ra với các hoạt động: Họp mặt, giao lưu chào mừng Ngày thơ Việt Nam; diễn ngâm thơ, biểu diễn thơ phổ nhạc; các nhà thơ ký tặng sách; tặng chữ thư pháp đầu năm; tham quan, chụp ảnh Phố Ông Đồ…

Họa sĩ Hoàng Anh cho biết, ông và vợ là nhà điêu khắc Huỳnh Cúc đã “khai sinh” ra Phố Ông Đồ. Nhiều năm trước đây, gia đình ông xây bức tường cao 4 m, dài khoảng 40 m bao quanh khu đất rộng gần 2.000 m2 trồng chuối của gia đình.

Phố Ông Đồ nằm dọc 2 bên con hẻm 68, khu phố 2, phường 5, TP. Mỹ Tho. Có thể đến Phố Ông Đồ từ đường Lý Thường Kiệt hoặc Hoàng Việt.

Từ đường Lý Thường Kiệt, vừa qua khỏi chùa Pháp Bảo cặp vào hẻm bên hông chùa khoảng 50 m, đến ngã 3 rẽ trái sẽ thấy ngay đèn sáng lung linh ở Phố Ông Đồ vào ban đêm. Còn nếu ở đường Hoàng Việt, có thể đi theo 2 hướng đường Lý Thường Kiệt hoặc Ấp Bắc, Phố Ông Đồ nằm cạnh quán cà phê Vối.

Phố Ông Đồ gồm 2 khu: Khu A (thuộc khu vườn Tượng trước đây) gồm các tiểu cảnh Tết Giáp Thìn 2024, âm vang mùa xuân, thuyền rồng, ghế vua xen lẫn là đài phun nước, hồ cá koi…; khu B gồm sân khấu đờn ca tài tử, tiểu cảnh dưa hấu An Tiêm tái hiện cảnh công đường xử án, vườn cây thư pháp, khu vực xem và giao lưu vẽ tranh chân dung…

Trong các tiểu cảnh, chủ nhân Điểm du lịch Phố Ông Đồ - Họa sĩ Hoàng Anh còn trang trí các câu thể hiện triết lý cuộc sống nhân nghĩa ở đời…

Trên bức tường nhà uốn cong dọc theo con hẻm, ông vẽ những bức họa dân gian như đánh trống, kéo co, cành mai, cành đào, câu tết… cốt chỉ để cho vui với nghề nhưng sau đó có nhiều người thích thú đến chụp ảnh, tham quan, nhiều nhất là giới trẻ.

Hằng năm cứ mỗi độ xuân về, Họa sĩ Hoàng Anh cùng vợ lại tiếp tục khoác cho bức tường này chiếc áo mới, rực rỡ sắc màu và không khí của tết quê xưa, có cả hình linh vật của năm thu hút đông người dân tìm đến Phố Ông Đồ tham quan, chụp ảnh. Từ đó, nhiều người biết đến phường 5, TP. Mỹ Tho có Phố Ông Đồ. Sau khi nhận được nhiều sự quan tâm từ du khách gần xa, năm 2019, Phố Ông Đồ được mở rộng hơn.

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua, bức tường trên được Họa sĩ Hoàng Anh và vợ tốn nhiều công sức miệt mài tô vẽ những bức họa đầy màu sắc tái hiện lại hình ảnh của Tết cổ truyền dân tộc xưa. Đó là hình ảnh của nhành mai, cành đào, múa lân, đánh trống, thổi kèn, bánh chưng xanh, chữ tết và nhiều khung cảnh quen thuộc của ngày tết quê…

Họa sĩ Hoàng Anh cho biết, chính quyền thấy có đông khách đến chụp ảnh thì giúp đỡ, động viên bà con trong hẻm làm sạch đường phố và cho đèn thắp sáng, treo thêm đèn hoa tô sắc thêm cho con hẻm thêm sinh động, rực rỡ sắc xuân.

Mỗi năm khi chuẩn bị thiết kế đón Tết Nguyên đán, đoàn viên, thanh niên phường 5 và người dân trong khu phố đều tham gia hỗ trợ tô màu, trang trí, treo lồng đèn… tạo nên không khí tươi mới cho con hẻm nhỏ. Chính vì vậy, từ con hẻm không tên thì ngày nay nói đến Phố Ông Đồ ở phường 5, TP. Mỹ Tho thì ai cũng biết đến con hẻm này. 

Phố Ông Đồ vừa được công nhận là điểm du lịch của tỉnh Tiền Giang. Ảnh: M.Thành
Phố Ông Đồ vừa được công nhận là điểm du lịch của tỉnh Tiền Giang. Ảnh: M.Thành

Ngoài ra, đến với Phố Ông Đồ du khách còn được tham quan tranh tượng, tranh thư pháp; trải nghiệm học làm tranh gốm và xem viết thư pháp; ngắm tiểu cảnh đồng quê Nam bộ… “Phố Ông Đồ được tỉnh công nhận là điểm du lịch tôi rất vui mừng và phấn khởi.

Tuy nhiên, vợ chồng tôi nay đã lớn tuổi, thời gian tới để tuyến phố đáp ứng phục vụ tốt cho du khách, tôi mong muốn chính quyền và ngành chức năng hỗ trợ, giúp đỡ vợ chồng tôi phát triển điểm du lịch; hoặc sẽ trực tiếp làm du lịch cùng gia đình tôi ở tuyến phố này” - Họa sĩ Hoàng Anh chia sẻ.

Bức tường nhà uốn cong dọc theo con hẻm ở Phố Ông Đồ, được Họa sĩ Hoàng Anh và vợ vẽ  những bức họa.
Bức tường nhà uốn cong dọc theo con hẻm ở Phố Ông Đồ, được Họa sĩ Hoàng Anh và vợ vẽ những bức họa.

Họa sĩ Hoàng Anh còn trải lòng, với ông nghệ thuật sáng tác như là hơi thở và cuộc sống hằng ngày của chính ông. Vì thế, ông còn có nguyện vọng thời gian tới tuyến Phố Ông Đồ không chỉ hiển hiện ở bức tường xung quanh khu đất của gia đình ông, mà còn mở rộng ở tất cả những tường nhà dân trong khắp con hẻm đều được phát họa, “tô son, điểm phấn” làm cho nét văn hóa dân gian nổi trội lên khắp con hẻm.

Họa sĩ Hoàng Anh cho biết thêm, ông sẵn sàng sáng tác, tô vẽ với sự hỗ trợ, đóng góp công sức của người dân để những bức tường khắp con hẻm Phố Ông Đồ được sáng đẹp, lạ và nổi trội hơn, để nhà nhà khắp con hẻm cùng làm du lịch trên tuyến phố này.

Theo UBND TP. Mỹ Tho, khi tuyến Phố Ông Đồ được công nhận là điểm du lịch của tỉnh thì việc nâng chất tuyến phố là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền phường 5 và của TP. Mỹ Tho. Năm 2024, TP. Mỹ Tho thực hiện thí điểm mô hình phát triển du lịch cộng đồng, Phố Ông Đồ là mô hình du lịch mang tính văn hóa cộng đồng, góp phần thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

H.NGHỊ - A.THƯ

.
.
.