.

Huyện Cai Lậy: Khơi dậy niềm đam mê đọc sách

Cập nhật: 10:08, 22/04/2024 (GMT+7)

Khuyến khích thói quen đọc sách cho học sinh, các trường học trên địa bàn huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang tổ chức nhiều hoạt động vui tươi, bổ ích, xây dựng những góc thư viện mở, thân thiện. Học sinh chủ động tìm đọc những quyển sách hay để giải trí, bổ sung kiến thức, phát triển năng lực tự học.

Đến Thư viện trường Tiểu học Ngũ Hiệp (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) trong giờ giải lao hay sau những buổi học, sẽ bắt gặp từng nhóm học sinh say sưa bên trang sách thiếu nhi ở những hàng ghế được kê ngay ngắn, gọn gàng. Trên các giá sách, truyện tranh, sách tham khảo... được phân loại, sắp xếp đẹp mắt, trở thành thế giới tri thức hấp dẫn.

Thư viện trường Tiểu học Ngũ Hiệp có hơn 18 ngàn bản sách với các thể loại: Sách giáo khoa, giáo dục đạo đức, truyện tranh... Nhà trường chú trọng xây dựng thư viện với nhiều bản sách phong phú, đa dạng, bố trí thời gian đọc sách cho học sinh sau giờ học, giờ giải lao hoặc tiết sinh hoạt ngoại khóa. Mỗi năm học, Trường Tiểu học Ngũ Hiệp phối hợp tổ chức hoạt động “Vẽ tranh theo sách”, “Viết cảm nhận theo sách”, “Ngày hội Đọc sách”, “Giới thiệu sách”... góp phần rèn luyện kỹ năng đọc, viết, khuyến khích học sinh tìm đọc những quyển sách hay để bổ sung kiến thức.

Học sinh tham gia các hoạt động “Ngày hội Đọc sách” do Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Cai Lậy phối hợp tổ chức.
Học sinh tham gia các hoạt động “Ngày hội Đọc sách” do Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Cai Lậy phối hợp tổ chức.

Tham gia Cuộc thi “Kể chuyện theo sách” tại Trường Tiểu học Ngũ Hiệp, em Trần Thị Cẩm Tú, học sinh lớp 41 cho biết: “Em tham gia cuộc thi với câu chuyện “Người tiều phu thật thà”. Đây là câu chuyện em đã đọc tại thư viện của trường với nội dung khuyên mọi người phải trung thực, không tham lam. Em và các bạn hay đến thư viện của trường để đọc truyện cổ tích và truyện tranh. Chúng em cũng giới thiệu cho nhau những quyển sách hay mà mình đã đọc với bạn bè”.

Nhiều năm qua, Liên đội Trường Tiểu học Bình Phú (thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy) duy trì “Khu vườn tri thức xanh” - mô hình thư viện mở tạo không gian đọc sách thân thiện, gần gũi với thiên nhiên. Dưới tán cây xanh trong sân trường, Liên đội bố trí những ống nhựa đựng sách, báo, kệ sách, bàn ghế... để học sinh đọc sau giờ học, giờ giải lao. Mô hình thư viện tiện ích và thân thiện đã hình thành thói quen đọc sách phục vụ học tập, giải trí cho học sinh của trường.

Sau mỗi giờ học căng thẳng, các em thích thú tìm đọc những quyển sách, cuốn truyện mình yêu thích để giải trí, nâng cao kiến thức. Liên đội Trường Tiểu học Bình Phú còn trưng bày những giỏ hoa, tranh, sản phẩm... được học sinh tái chế từ rác thải nhựa. “Mô hình thư viện mở đã hỗ trợ cho nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, định hướng về văn hóa đọc cho học sinh. Đồng thời, phát huy tính tự quản của các em trong việc cùng nhau giữ gìn, bảo quản và bổ sung nguồn sách, báo cho thư viện nhà trường”, thầy Lê Ngọc Thanh, Tổng Phụ trách Đội trường Tiểu học Bình Phú cho biết.

Xây dựng “văn hóa đọc” trong học sinh là góp phần hình thành thói quen tự học, đồng thời nuôi dưỡng, vun đắp vẻ đẹp tâm hồn cho các em qua từng trang sách. Hằng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cai Lậy chỉ đạo các trường đầu tư kinh phí bổ sung nguồn sách, báo cho thư viện, tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân viên thư viện. Chất lượng hoạt động của 32 thư viện trường học với nguồn sách được bổ sung, luân chuyển hằng năm đã tạo nơi học tập, trau dồi tri thức cho học sinh. Đặc biệt, 100% trường học trên địa bàn huyện Cai Lậy xây dựng mô hình “Thư viện xanh”, “Khu vườn tri thức xanh”... với không gian đọc được bố trí ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận nguồn sách báo phong phú, kiến thức bổ ích.

Hằng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Cai Lậy, Thư viện tỉnh Tiền Giang tổ chức nhiều hoạt động khuyến khích và tôn vinh văn hóa đọc như “Ngày hội Đọc sách”, “Chuyến xe tri thức”, “Viết cảm nhận theo sách”, “Vẽ tranh theo sách”... Việc xây dựng văn hóa đọc và thói quen đọc sách đã phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của học sinh trong việc bổ sung kiến thức. Các hoạt động ngoại khóa được tổ chức giúp các em có sân chơi bổ ích và lý thú, khuyến khích các em chủ động tìm đọc sách những quyển sách hay, bổ ích, phù hợp với lứa tuổi để khám phá tri thức và nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.