Thứ Bảy, 19/08/2017, 21:31 (GMT+7)
.
Kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám 19-8-1945 – 19-8-2017:

Ông Nguyễn Văn Côn và cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Gò Công

Di ảnh ông Nguyễn Văn Côn. Ảnh: TL
Di ảnh ông Nguyễn Văn Côn. Ảnh: TL

Ông Nguyễn Văn Côn (thường gọi là Chín Côn) sinh năm 1893, ở làng Vĩnh Hựu, huyện Hòa Đồng, tỉnh Gò Công (nay là  xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang).

Ông tham gia cách mạng năm 1908, lãnh đạo thành lập tổ chức "Cộng hòa hội" tập hợp những thanh niên tiến bộ trong làng để cùng nhau đọc sách báo tiến bộ và quyên góp tiền bạc giúp đỡ người xuất dương làm cách mạng. để tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, ý thức đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược.

Năm 1927, ông giữ chức Bí thư Tỉnh hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (VNCMTN) tỉnh Gò Công, Ủy viên Kỳ bộ Hội VNCMTN Nam kỳ. Năm 1929, ông gia nhập An Nam Cộng sản Đảng, làm Bí thư An Nam Cộng sản Đảng ở Gò Công.

Tháng 5 năm 1945, ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Gò Công. Tháng 7-1945, ông chỉ đạo thành lập lực lượng Thanh niên Tiền phong ở Gò Công. Ngày 21 tháng 8, nhân dân An Thạnh Thủy (Chợ Gạo - Mỹ Tho) biểu tình kéo xuống làng Thạnh Nhựt (tổng Hòa Đồng Thượng) lấy mộc của làng, tước súng của hương quản, làm cho chính quyền Gò Công càng thêm lúng túng. Tỉnh trưởng Gò Công phải mời ông Nguyễn Văn Côn đại diện Việt Minh đến gặp và khẩn thiết nhờ giải quyết.

Ngày 9-4-2012, tại trường THPT Nguyễn Văn Côn, Huyện ủy, UBND huyện Gò Công Đông đã trang trọng tổ chức lễ thượng tượng nhà cách mạng Nguyễn Văn Côn. Tượng ông Nguyễn Văn Côn khởi tạc ngày 24-2-2012, do Công ty TNHH Xây dựng Hữu Dư thực hiện. Tượng có tổng chiều cao 3,5m, trong đó chân dung cao 1,2m được đúc bằng đồng; đế tượng cao 2,3m bằng bê tông cốt thép, ốp đá granit, với tổng kinh phí xây dựng 262 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa.

Ngay trong đêm 21-8, ông Nguyễn Văn Côn và Ủy ban dân tộc giải phóng đã thống nhất nhận định: đã đến thời điểm Việt Minh ra công khai và buộc tỉnh trưởng từ chức, giao quyền cho Ủy ban dân tộc giải phóng.

Ngày 24-8-1945, một cuộc mít tinh lớn tổ chức ở thị xã theo quyết định của Ủy ban dân tộc giải phóng lâm thời Gò Công để mừng cách mạng thắng lợi và chào mừng chính quyền cách mạng của tỉnh ra mắt. Trong buổi mít tinh, ông Nguyễn Văn Côn thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng lâm thời tỉnh Gò Công, long trọng tuyên bố chính quyền đã thuộc về tay nhân dân, công bố 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi. Chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công được thành lập…

Ông Nguyễn Văn Côn là một trong 2 đại biểu quốc hội khóa I (1946-1960) và khóa II (1960-1964) của khu vực Gò Công. Ông được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh…

Năm 1965, do sức yếu, ông nghỉ hưu ở Hà Nội. Sau năm 1975, ông trở về Gò Công (sống ở xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông) và mất năm 1981.

Tên của ông được đặt cho nhiều con đường trong cả nước, nhất là khu vực Gò Công. Tại thị trấn Tân Hòa, huyện Gò Công Đông còn có một ngôi trường mang tên trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Côn.

HOÀNG AN

(Bài viết có tham khảo tư liệu lịch sử của Tuyên giáo huyện Gò Công Đông)
 

.
.
.