Nếp nhà

Cập nhật: 18:46, 13/05/2012 (GMT+7)

Ngày đầu tiên về làm dâu nhà anh, tôi thức dậy thật sớm, dù hai con mắt nặng trĩu mở không lên. Đám cưới ở quê bao giờ cũng vậy, họ hàng về hết cũng đỏ đèn, rồi làm lễ bái kiến ông bà cha mẹ anh chị, lọ mọ dọn dẹp chén bát nồi niêu… đã khuya lơ khuya lắc.

Anh giục tôi đi ngủ hai, ba lần, nhưng tôi chỉ dám ngả lưng khi mẹ chồng tôi đã lên giường khá lâu. Tiếng vạc sành đâu đó ngoài vườn cộng thêm những lời má căn dặn trước khi ra về tự nhiên làm tôi mủi lòng. “Con thương má thì ráng siêng năng, ngoan ngoãn, làm dâu thật tốt để gia đình mình được tiếng thơm”.

Minh họa: LÊ DUY
Minh họa: LÊ DUY

Má tôi xưa nay hiền lành chơn chất lại tốt bụng, điều gì má chỉ dạy, chúng tôi không bao giờ dám cãi. Má mồ côi từ nhỏ, một mình bôn ba kiếm sống với đủ thứ nghề, từ chằm lá, chẻ lạt cho đến đan thúng, dệt chiếu… cái gì má cũng làm được.

Rồi má gặp ba. Tháng ngày hạnh phúc chưa được bao lâu thì ba đột ngột qua đời. Má lại một mình với một nách ba đứa con. Hồi nhỏ, mỗi tối đi ngủ tôi hay ôm má để được vuốt ve, rồi chê tay má sao nhám sần, mà không biết chính những vết sần chai tháng năm đó đã nuôi anh chị em tôi khôn lớn.

Từ nhỏ tôi quen sống ở thành thị, nấu nướng chỉ xài bếp dầu. Mớ kiến thức tích lũy được trong những lần đi mùa hè xanh đã hỗ trợ tôi khá nhiều trong việc củi lửa khi về sống ở quê.

Anh chỉ tôi chỗ để vật dụng, dặn tôi nhớ nấu nước pha trà cho bà, bắc nồi cơm cho cả nhà rồi dọn dẹp quét tước. Ngồi chờ nước sôi, tôi nhìn bóng mình trên vách, nom nó cũng rón rén, cô đơn và buồn bã quá! Giờ này ở nhà chắc má cũng thức dậy rồi. Chắc má cũng thắt thỏm, lo cho tôi nhiều lắm.

Khác với vẻ bề ngoài nghiêm nghị, mẹ chồng tôi thật hiền lành. Thấy tôi lui cui trong bếp, bà hỏi: “Con dậy chi sớm vậy, sao không ngủ thêm chút nữa cho đỡ mệt, hay lạ nhà rồi con ngủ không được?”. Tôi cảm thấy vui vui và thầm biết ơn bà đã thông cảm cho cô dâu mới. Bà còn chỉ bảo cho tôi những thói quen của bà ngoại chồng tôi để tôi kịp thích nghi. Bỗng dưng những cảm giác hồi hộp biến đi đâu mất. Tôi lại thấy nhẹ nhõm như được ở nhà mình. Và tiếng giọt sương sớm rơi trên tàu lá chuối cũng làm tôi lâng lâng.

Rồi những tháng ngày đầu tiên cũng qua đi. Tôi dần quen với nếp sống mới. Vì nhà xa chợ nên điểm tâm sáng luôn là cơm hấp, cơm chiên hoặc mì gói, nhưng không phải vì thế mà kém ngon. Rau xanh mẹ tôi trồng khắp nơi. Một dĩa cơm hấp kèm thêm mấy trái đậu rồng non mướt chấm kho quẹt, hay một tô mì gói có rau quế ngò gai vườn nhà, điểm thêm vài trái ớt hiểm đỏ xanh cũng đủ ấm lòng mỗi sáng trước khi đi làm. Đó cũng là một hình thức tiết kiệm mà mẹ ngầm chỉ bảo cho tôi.

Thời gian đầu, thú thật tôi chưa quen và thèm những món ăn ở phố kinh khủng. Tôi nhớ tiếng rao bánh mì của anh chàng lùn mập sáng nào cũng ngang qua nhà tôi. Tôi thèm tô cháo lòng của bà Tư đầu ngõ. Và không biết có phải vì thế mà những khi rảnh rỗi, mẹ chồng tôi hay bày ra nấu nướng cho cả nhà. Những lúc ấy tuy cực, nhưng tôi có dịp biết thêm nhiều món ăn, sở thích của từng thành viên bên nhà chồng.

Hơn ai hết tôi hiểu được rằng, những bữa cơm gia đình luôn cần thiết và quan trọng vì nó kết nối mọi người với nhau. Sự quan tâm và biết sẻ chia sẽ chẳng bao giờ mất đi mà nó càng làm chúng ta cảm thấy an lạc. Điều ấy đã giúp tôi duy trì được nếp nhà mình cho tới hôm nay.

Mẹ chồng tôi bây giờ đã già, nhưng cách giáo dục thấm đẫm tình yêu thương và độ lượng của bà tôi luôn khắc ghi. Với mẹ tôi, cho là nhận và mọi sự hy sinh đều có ý nghĩa đích thực của nó.

TRỊNH THỊ CẨM
 

.
.
.