Thứ Hai, 07/05/2012, 11:45 (GMT+7)
.

Người phụ nữ không cha

Cuộc họp Huyện ủy bất thường gây xôn xao không chỉ ở trong Huyện ủy mà cả các cơ quan huyện. Nhìn mặt những người đến thì biết ngay cuộc họp sẽ rất căng thẳng. Mọi lần họp Huyện ủy, các thành viên nói cười râm ran từ sân đến phòng họp. Họ bắt tay nhau hỏi chuyện chung, chuyện riêng khá thân thiết. Vậy mà chiều nay, mỗi người tìm một chỗ đọc tài liệu, đọc báo, hoặc bâng khuâng nhìn ra những hàng cây trên sân. Một không khí nặng nề bao trùm cuộc họp.

 

Ảnh minh họa: Lê Duy
Minh họa: Lê Duy

 

Bí thư và hai phó bí thư Huyện ủy ngồi ở phía trên đưa mắt nhìn nhau không vui. Lý do cuộc họp bất thường ai cũng rõ. Huyện ủy họp để kiểm điểm và xử lý kỷ luật đồng chí Bảy Minh trong Thường vụ Huyện ủy đã khai man lý lịch.

Ban Kiểm tra huyện ủy có kết luận: Bảy Minh không có Quyết định kết nạp Đảng, không chứng minh được là kết nạp ở đâu, ai là người giới thiệu… Sau giải phóng, lợi dụng lúc tình hình chưa ổn định, Bảy Minh từ miền Tây trở về, tự khai là đảng viên và được sinh hoạt cho tới bây giờ. Hôm nay, Ban Kiểm tra sẽ báo cáo công việc xác minh và biểu quyết kỷ luật.

Tất cả các thành viên trong Huyện ủy đều nhất trí xóa tên Bảy Minh trong danh sách đảng viên. Chị Hai Lành, Bí thư Huyện ủy mời Bảy Minh phát biểu lần cuối… Bảy Minh đứng dậy, mặt lạnh lùng:

- Các đồng chí đuổi tôi thì đành chịu…

Bảy Minh quay sang Hai Lành:

- Khai gian thì thiếu gì người, trong Huyện ủy ta có nhiều người cũng phải coi lại lý lịch. Như đồng chí Hai Lành chẳng hạn, hiện là Tỉnh ủy viên, là Bí thư Huyện ủy nhưng tôi hỏi các đồng chí: Hai Lành chỉ khai tên mẹ, còn cha thì không ai biết? Có thể là dân thường, là du kích, nhưng ai dám đảm bảo không phải là một tên lính ngụy? Cha đồng chí Hai Lành là ai, không làm rõ được điều này, liệu đồng chí Hai Lành có thể tiếp tục là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy hay không?

Hai Lành mặt tái xám, gục xuống. Cuộc họp lặng đi trước lời nói bất ngờ của Bảy Minh.

Hai Lành lảo đảo ra sân, lặng lẽ lấy xe máy. Mấy chị bạn không cho chị chạy xe trong lúc tinh thần không bình thường. Ngồi sau bạn, Hai Lành bâng khuâng, buồn bã. Chuyện này đã nêu đi nêu lại vài lần, nhất là khi có kẻ xấu bị xử lý. Họ đã dùng chuyện này để định đánh gục Hai Lành, đánh gục việc làm đúng của Huyện ủy. Có lúc chị muốn nghỉ việc khi bị lăng nhục. Hai Lành nói nhỏ:

- Má ơi, ba con là ai sao má không nói với ngoại.

                                                       ***

Trên bờ kinh ngoài thị trấn có một căn nhà gạch nhỏ. Anh em địa phương cho biết: Đó là nhà của ông Tám Tâm, trung tá về hưu. Ngày mới giải phóng, ông từ miền Đông trở về với thương tích đầy mình và một cánh tay không nguyên vẹn. Nghe nói đơn vị định cất cho ông một căn nhà khang trang nhưng ông đã từ chối.

Vì không có vợ con nên ông chỉ xin xây một căn nhà nhỏ đủ đặt một chiếc giường, một bộ bàn ghế và một cái bếp phía sau. Tuy vậy, với một tay còn lại, ông đã tạo được một khu vườn xanh tốt trước ngôi nhà, hoa nở rộ và nhiều cây ăn trái.

Từ cuộc họp Huyện ủy, tôi về dự Hội nghị Cựu chiến binh tỉnh. Tại đây tôi gặp Tám Tâm. Nghe tôi cũng là lính, ông rủ về nhà chơi. Hai anh em đi xe đò về thị trấn rồi đi xe lôi về nhà. Cũng là lính miền Đông nên tụi tôi sớm thân nhau. Ông hơn tôi năm tuổi nên lúc nói chuyện xưng tao mày như anh em. Ông bắt một con vịt, hai anh em xúm làm vịt nấu cháo. Đêm đó hai người lính già đầu đã bạc trắng tâm sự đủ chuyện trên đời bên chai rượu và nồi cháo. Tôi hỏi:

- Anh Tám, vợ con đâu cả rồi?

- Có vợ hồi nào đâu! Anh cười.

- Sao vậy?

- Không muốn lấy vợ thì ở vậy thôi.

- Anh Tám quê ở đâu?

- Hồng Ngự.

- Sao anh không về trển mà về sống ở đây?

- Tao chiến đấu ở đây rồi sau mới đi miền Đông. Lúc bị thương què quặt lết về nơi cư trú. Ở Hồng Ngự tao không còn ai thân. Chẳng còn người thân thiết thì ở đâu cũng vậy.

Nhậu say, tôi lăn ra ngủ. Nửa đêm mở mắt thấy anh Tám vẫn ngồi nhìn ra dòng kinh nhỏ với vẻ mặt buồn rười rượi. Ngoài sân trăng vẫn tỏa sáng.

- Sao không ngủ anh Tám?

- Tao có tật xấu, hễ gặp chiến hữu lại nhớ thuở chiến tranh. Rồi lại buồn…

- Chiến tranh đi qua lâu rồi có gì mất thì đã mất. Vui lên trong cuộc sống mới anh Tám ơi!

- Mọi chuyện bỏ qua hết, nhưng tao nhớ con…

Tôi mở xoe mắt:

- Anh Tám không có vợ, sao lại có con?

Ông lại uống rượu trầm ngâm nhìn dòng kinh ngập hoa lục bình.

- Vậy mới kỳ. Không có vợ mà lại có con mới hay.

- Cháu hiện ở đâu?

- Tao có thấy nó hồi nào đâu. Với lại có biết nó ở đâu mà tìm.

- Tôi bó gối nhìn. Đầu tóc, râu ria ông bạc trắng. Đôi mắt vẫn đen thui, lấp lánh.

- Uống rượu với anh Tám, mày.

- Tôi không biết uống, nhưng sẽ ngồi hầu chuyện anh Tám tới sáng mai, chiều mai.

- Vậy là tốt. Tao có tật càng uống rượu càng tỉnh táo. Không được hỏi lui, hỏi tới, mất trớn tao không kể được…

 Năm 1959, ba má tao bị bọn Diệm – Nhu giết chết thả trôi trên sông Cửu Long. Tao thoát được, bỏ Hồng Ngự chạy ven theo đất Campuchia về đây làm mướn. Anh em rủ tao vô du kích. Đội du kích xã chừng hai chục người, già có, trẻ có, đàn ông có, phụ nữ có. Đứa nào trong đội cũng có oán thù với giặc nên cùng nhau tìm cách đánh giặc.

Trong đội có một cô gái. Tao nói thật lòng với mày, đừng chê trách gì tao nhe hông. Nhìn phía sau hay nhìn từ xa thì đó là một cô gái khỏe mạnh, dễ mến. Nhưng đến gần mới hay, cô ta rất tội nghiệp: hai môi bị tật bẩm sinh, để hở cả một dãy răng trắng muốt. Cô luôn kéo chiếc khăn rằn che ngang mũi chỉ chừa một đôi mắt hơi buồn.

Tao chỉ nghe anh em nói ba cô ấy bị lính Sài Gòn giết. Bà mẹ tìm cách đưa con trốn thoát. Vô đội du kích này. Cô gái có tên là Hận Thù, không ai biết tên thật. Hận Thù đánh giặc rất giỏi, rất lì, không bao giờ chịu ở phía sau. Tao còn trẻ nên thấy cô gái mạnh khỏe, nở nang thì cũng khao khát, thèm muốn. Nhưng rồi cứ nghĩ đến khuôn mặt của cô ấy thì rất ngại. Có cha mẹ nào lại chấp nhận một con dâu có khuôn mặt như vậy. Có ai dám sống với người vợ có khuôn mặt như vậy? Còn “chém chạy” qua đường thì không bao giờ tao nghĩ tới.

Một đêm, pháo sáng ở các đồn bót im bặt. Trời tối thui, yên lặng đáng sợ. Tao đang nằm trên đống lá chuối làm giường ngủ thì Hận Thù đi tới. Cô ấy ngồi bên tao, ôm chặt cứng. Tao run quá, cô ấy muốn gì. Tao cũng to con đẹp trai nên chắc cô ấy mê. Nhưng trong lòng thì tao không có ý gì.

- Anh Tám, em muốn nhờ anh một việc.

- Cô… cô… cứ nói đi.

- Em muốn có một đứa con.

- Trời đất! Chiến tranh ác liệt như vầy, tụi mình sống cũng không yên, có con làm gì.

- Em nói thật. Em muốn… muốn anh cho em một đứa con cho vui những ngày chiến đấu…

- Tao hoảng hồn. Tao ăn ở với một người tật nguyền mà không thương, không cưới làm vợ thì không phải một thằng đàn ông. Còn làm bậy rồi bỏ người ta thì có tội, tao không thể… Cô ấy ôm chặt lấy tao, khóc nức nở:

- Biết khi nào có người thương em, có người sống như vợ chồng với em, cho em được làm mẹ như người ta. Anh Tám chìu em, coi như một sự giúp đỡ…

Ông uống gần hết chai rượu. Người không vững phải dựa vào tường. Ông nói nhỏ dần, giọng lạc hẳn đi:

- Tao vừa thương sự chân thật, vừa khó chống lại lòng ham muốn da diết của cô ấy…

Sau lần đó cô ấy có thai. Tao sợ quá. Lỡ anh em biết sẽ cười tao, rồi thi hành kỷ luật. Mấy đứa cũng xầm xì, nghi ngờ lung tung nhưng không biết ai. Dù có thai nhưng cô ấy vẫn vô ấp đi võ trang tuyên truyền như thường lệ.

Có một đêm, tao đến chỗ cô ấy, nói thiệt lòng:

- Bây giờ đã như vậy, anh sẽ báo cáo thiệt với anh em, với bà con, nhận vợ, nhận con cho đúng lẽ.

- Em nói rồi, em xin anh đứa con chứ em không muốn lấy anh làm chồng. Anh đừng thương hại em. Sau này anh không thể đem về nhà một người vợ tật nguyền như em.

- Kháng chiến thành công, anh sẽ đưa em đi chữa bệnh rồi lại lành lặn xinh đẹp như mọi người.

- Đừng động viên em làm gì? Có chắc sống đến ngày sinh con không mà chờ đến ngày sửa mặt.

Đội du kích bàn nhau phải đưa Hận Thù ra kiểm điểm, kỷ luật. Mấy anh lớn nói chờ cô ấy sinh xong hãy tính. Độ chừng còn hơn một tháng thì sinh, tụi tao nhất trí gửi cô cho một cơ sở trong vùng địch để có điều kiện “mẹ tròn con vuông”. Ai cũng nghĩ rằng, Hận Thù sinh con rồi sẽ đi luôn bởi kháng chiến ngày càng gian khổ, ác liệt; bởi mang tiếng có con mà không có chồng thì cô ấy trở lại gò này làm gì.

- Tụi tao cũng mong như vậy để khỏi phải dằn vặt nhau. Vậy mà mấy tháng sau, khi tụi tao đột nhập vô ấp đã thấy Hận Thù ngồi đợi ở nhà cơ sở. Đêm ấy cô trở về đội du kích như thường lệ. Theo dự tính trước, mấy hôm sau đội du kích họp. Anh Sáu Chí, xã đội trưởng, đứng dậy nói rất nghiêm:

- Hôm nay, đội ta họp bàn về một việc quan trọng. Chúng ta phải kiểm điểm hành động dâm ô của đồng chí Hận Thù. Dù nay sống, mai chết nhưng chúng ta cũng phải làm rõ mọi việc để sống trong sáng, để không ô danh đội du kích…

Cả đội du kích im lặng. Ai cũng thông cảm cho Sáu Chí. Không kiểm điểm thì không được, mà nói ra thì đau đớn lắm. Hận Thù là người du kích gan dạ, dễ thương.

Hận Thù đứng dậy, nói một mạch:

- Thưa các đồng chí, tôi xin nói thẳng: Tôi không có hành động dâm ô. Dâm ô là ăn ở bậy bạ, lang chạ với người này, người khác. Còn tôi không có việc làm đó. Chiến tranh ác liệt quá, ba má tôi chỉ có một mình tôi mà ba đã hy sinh. Tôi chỉ muốn có một đứa con, trai gái gì cũng được để sau này thắp nhang cho gia đình đỡ tẻ lạnh…

Tôi xin người ta chứ không phải làm điều dâm ô. Xấu như tôi, đi xin người ta cũng đâu phải dễ, phải năn nỉ hoài. Tôi nói các đồng chí biết, đó là con một người trong anh em chúng ta, không phải người bậy bạ. Bây giờ tôi đã có đứa con gái, gửi về cho má nuôi. Vậy là tôi đã toại nguyện. Mai mốt tôi không ăn ở với ai nữa, tôi chỉ hết lòng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Hận Thù ngồi xuống khóc nức nở. Không ai nói một lời. Sáu Chí cuống lên, đứng dậy hỏi:

- Có ai nói gì không, sao yên lặng vậy?

Tất cả đội du kích đều lần lượt bỏ đi. Rồi Sáu Chí cũng đi. Lúc này Hận Thù xích lại gần nói nhỏ với tao, giọng dịu dàng chân tình:

- Cám ơn anh Tám, nhưng cấm anh Tám dò la về tui, về con. Đã nói là xin, chứ không phải sống như vợ chồng nên không cần phải có trách nhiệm…

Tao nghẹn ngào, lén nắm tay cô ấy. Hận Thù rút tay lại rất mạnh.

- Tui nói rồi, anh không thương tui thì đừng có giả bộ!

Tao ráng hỏi:

- Anh sẽ rời khỏi đây. Nhưng em nói cho anh hay, con nhỏ tên gì?

- Anh không tìm ra nó đâu. Nhưng thôi, nói cũng được để nhớ một kỷ niệm. Tui sứt mẻ, thấy con lành lặn mừng quá nên đặt tên nó là Lành.

                                       ***

Sáng hôm sau, anh Tám và tôi đi xe đò lên tỉnh gặp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.

- Anh đưa ông khách nào đến đây vậy, anh Tám?

Đồng chí Bí thư vừa ôm anh Tám Tâm vừa đưa mắt nhìn tôi. Anh Tám cười như mếu:

- Nó dắt tui đi ào ào, đâu biết đến anh. Cậu ta là nhà báo cùng tham gia kháng chiến ở miền Đông.

Tôi kể hết chuyện anh Tám Tâm nói hồi hôm. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy vội vàng kéo hai anh em lên xe chạy về huyện. Tụi tôi bước vô hội trường khi Huyện ủy đang sôi nổi bàn về công tác chống lũ. Hai Lành chủ trì cuộc họp nhưng mặt buồn thiu. Cuộc họp tạm ngưng để đón khách.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bước đến bên Hai Lành. Anh nói rất xúc động:

- Vừa rồi, một người lại đem lý lịch đồng chí ra bàn, phải không?

Hai Lành cúi đầu, ứa nước mắt:

- Báo cáo anh, đã là lần thứ năm. Em buồn quá. Biết bao giờ mới dứt được…

Đồng chí Bí thư đến ngồi cạnh Hai Lành:

- Trong cặp đồng chí có lý lịch không? Lấy ra, đặt lên bàn.

Hai Lành ngạc nhiên, ngơ ngác nhìn đồng chí Bí thư, nhưng cũng đặt lý lịch trên bàn, cầm viết chờ đợi.

- Đồng chí nghe thật rõ rồi ghi vào lý lịch… Họ tên cha: Trần Văn Tâm (tức Tám Tâm) quê ở Hồng Ngự, sinh năm 1933, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam…

Cả hội trường ồ lên vỗ tay kéo dài. Tám Tâm bước tới gần Hai Lành. Ai cũng tin đó là ông Trần Văn Tâm…

ĐINH PHONG

 
 

.
.
.