.

Vượt lên bất hạnh tìm tương lai tươi sáng cho con

Cập nhật: 20:49, 10/03/2012 (GMT+7)

18 năm qua, chị Lê Thị Thảo (ngụ số 65D, đường Nguyễn Văn Lộc, KP.1, thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy) đã chịu bao vất vả với gánh nặng bệnh tật của chồng. Mong ước của chị là cô con gái út Trương Kim Anh có thể hoàn thành chương trình đại học và tìm được việc làm ổn định.

 Với Quốc Cường, vẽ tranh như cách em tìm một niềm vui  trong trẻo trong cuộc sống.
Với Quốc Cường, vẽ tranh là cách để tìm một niềm vui trong trẻo.

Kết hôn năm 1978, chị Lê Thị Thảo và anh Trương Quốc Hoàng từng có một mái ấm hạnh phúc. Anh công tác trong ngành Công an, chị ở nhà làm công việc nội trợ và ba đứa con lần lượt chào đời.

Thế mà bao biến cố đau buồn ập đến: Năm 1991, anh Hoàng bị bệnh tiểu đường, sau thời gian chạy chữa không kết quả, biến chứng ngày càng nặng, anh phải xin nghỉ việc, gánh nặng gia đình dồn hết lên vai chị Thảo. Đến năm 1994, khi đang học lớp 1, Nguyễn Quốc Cường - con trai của anh chị bị viêm màng não mủ. Biến chứng của căn bệnh khiến Cường không còn khả năng vận động. Nhìn đứa con khỏe mạnh, thông minh giờ ốm yếu, quặt quẹo, tay chân co rút, chị khóc hết nước mắt.

Nhà có 2 người bệnh và 2 cô con gái đang tuổi ăn tuổi học, chị Thảo trở thành trụ cột gia đình. Dù chị có cố gắng đến đâu cũng khó lòng xoay xở, bởi “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Đất đai và căn nhà cũng phải bán đi để chữa bệnh cho chồng và con. Cả gia đình phải ở nhà thuê.

Năm 1999, anh Hoàng qua đời, chị Thảo mang thêm gánh nặng nợ nần. Hàng ngày, chị mua trái cây từ các vựa về bán lẻ ở chợ để trang trải sinh hoạt, thuốc thang, chi phí ăn học cho con. Thương nhất là những ngày trời lạnh, cơ thể lên cơn đau nhức khiến Cường cứ trằn trọc suốt đêm...

18 năm qua, chị Thảo đã quen với nỗi đau về căn bệnh của con. Nhiều tấm lòng hảo tâm đã giúp đỡ chị nhưng cũng có giới hạn. Gần 2 năm nay, bệnh của Cường ngày càng chuyển biến xấu, chị thôi không bán trái cây ở chợ mà mở tiệm tạp hóa trước nhà để tiện chăm sóc con. Những ngày giáp Tết vừa rồi, chị đối diện với tâm trạng giằng xé giữa việc cố gắng cứu chữa hay mang con về bởi các bác sĩ tiên lượng Cường khó có thể vượt qua.

Dù bệnh tật, song Cường vẫn lạc quan. Em có năng khiếu hội họa nên trừ những lúc bệnh nặng, Cường dành hết thời gian cho giấy vẽ, cọ màu như tìm một niềm vui trong cuộc sống. Biết năng khiếu của em, các cô giáo mầm non đã nhờ em vẽ tranh minh họa để giảng dạy. Cũng như anh trai, em gái út - Trương Kim Anh cũng có năng khiếu hội họa.

Có lẽ sự vất vả của mẹ đã vun đắp trong Kim Anh ý chí ham học hỏi, nghị lực hơn hẳn bạn bè đồng trang lứa.

Sau khi tốt nghiệp lớp 12, Kim Anh quyết định thi vào Khoa Thiết kế nội thất - trường Đại học Kỹ thuật công nghệ TP. Hồ Chí Minh.

Không có tiền tham gia các lớp luyện thi, em tự luyện ở nhà. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học, nhìn con hồn nhiên với ước mơ vào giảng đường mà chị Thảo không khỏi đắng lòng. Chi phí học tập của con ngày càng tăng, trong khi tiệm tạp hóa thu nhập chẳng là bao.

Kim Anh bước qua năm thứ ba đại học cũng là lúc bệnh của anh trai rơi vào nguy kịch, chị Thảo hết khả năng xoay xở. Lần đầu tiên, người mẹ giàu nghị lực này cảm thấy mình bất lực trước sự nghiệt ngã của số phận.

Đời người như một con đường mà dù có gập ghềnh người ta vẫn phải bước đi. Bao năm sống trong khó khăn, thiếu thốn, để duy trì việc học cho con, chị Lê Thị Thảo đã nỗ lực rất nhiều. Chị hiểu rằng, chỉ có học mới là cách thoát nghèo duy nhất của gia đình. Thế nhưng, ước mơ của con chị bây giờ đã trở nên khó thực hiện nếu không có sự dang tay giúp đỡ của những tấm lòng nhân ái!

                                                                                                                                      TRƯỜNG GIANG

.
.
.