Chủ Nhật, 12/08/2012, 14:14 (GMT+7)
.

Mảnh đời da cam: Cảm thương những lúc mưa dầm!

Qua sự hướng dẫn của anh Lê Văn Sanh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Mỹ Tân (Cái Bè), tôi đến thăm 3 gia đình nạn nhân chất độc da cam. Những gì tôi chứng kiến và thể hiện qua trang viết không chỉ là sự cảm thương mà còn đau đáu một nỗi…

Dì Trinh và đứa cháu ngoại trong căn nhà có nguy cơ sạt lở.
Dì Trinh và đứa cháu ngoại trong căn nhà có nguy cơ bị sạt lở.

* Bên trái là sông Ông Huyện, bên phải là đường đi, căn nhà nhỏ nhoi nằm chen ở giữa. Sông lở sát vào nhà và đã cuốn trôi một phần căn nhà. Nhà nép sát vào đường đi, một phía nhà lấy chân đường làm vách, những phía còn lại dừng bằng manh bao. Đứng ngoài đường cũng thấy hết những thứ trong nhà, bởi chỉ có một cái giường và cái bàn thờ.

Mỗi lúc trời mưa, 3 người trong nhà dì Nguyễn Thị Trinh (ngụ ấp 4) ngồi co ro trên giường. Tiếng mưa rơi ào ào trên mái tol, tiếng sóng vỗ ì oạp sau hè… Làm sao có thể yên giấc bởi không biết lúc nào căn nhà sẽ sụp xuống, nước sẽ cuốn trôi?

Dì Trinh có 7 người con, trong đó 6 người đã có gia đình riêng, chỉ còn người con gái thứ sáu là Nguyễn Thị Thảo, 33 tuổi. Từ lúc mới sinh ra, một tay Thảo đã bị quều, không cầm nắm được; lưỡi quá to nên nói rất khó nghe, chỉ người quen mới nghe được và còn bị bệnh tâm thần.

Nhà nghèo, có cô con gái lại không giúp được gì, kể cả nấu nồi cơm. Lúc tôi đến, không biết Thảo đã chạy đi đâu. Đã vậy, người con gái út lại lấy chồng, có con, rồi bỏ con cho dì để đi theo chồng tận Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) lúc thằng bé mới 4 - 5 tháng tuổi. Bây giờ đứa bé đã được 5 tuổi, nhưng chưa được làm giấy khai sinh, chưa được đến trường. Chồng dì Trinh bị bệnh ung thư, mất năm 2010.

Hiện tại nhà dì có 3 miệng ăn (dì Trinh, Thảo và đứa cháu ngoại), không ruộng vườn, không nghề nghiệp, cái nền nhà chỉ khoảng 15m2 là đất của con rể cho ở nhờ.

Vậy dì lấy gì để sống? - tôi hỏi. Dì đưa tay quẹt nước trầu ứa đỏ trên khóe miệng, thật thà nói: “Hồi trước còn khỏe thì đi mót lúa, bó chổi tàu dừa… Bây giờ bệnh quá không làm nổi, ai cho gì ăn nấy. Nhờ đứa con gái bên kia sông bán ve chai, lâu lâu cho năm ba ký gạo; đứa con gái ở gần thì cho mớ rau, con cá. Đứa nào cũng nghèo. Tui sợ nhất mùa mưa, vì mưa gió tạt ướt ráo nhà cửa làm cái chứng đau khớp, đau thần kinh tọa của tui nặng thêm. Mà hễ đau nhức thì huyết áp tăng vọt.

Cái số sao mà đen đủi, đã nghèo “sặc máu” mà còn bệnh. Chết tui hỏng sợ, chỉ sợ không có đất chôn. Ổng chết, cháu họ ổng còn cho chôn nhờ, chớ tui chỉ là thím dâu biết có được nằm cạnh ổng. Rồi thằng nhỏ này nữa, chắc hổng được đi học!…”. Giọng dì Trinh sang sảng mà đôi mắt đỏ hoe. Để lại cho dì Trinh một món quà nhỏ, tôi bước đi với tâm trạng thật nặng nề.

* Dừng xe bên bờ con sông nhỏ, chúng tôi qua sông bằng chiếc trẹt chở máy cày. Căn nhà của chị Võ Thị Bé (61 tuổi, ở ấp 1) với cửa rào bằng tre, vách ván mục nát, mái tol cũ kỹ, lụp xụp bên đường. Căn nhà đã đến lúc phải làm lại, mấy tấm vách ván lủng lỗ chỗ từng mảng. Chồng chị chở cậu con trai út đi khám bệnh chưa về.

10A-(1).jpg
Căn nhà lụp xụp của chị Võ Thị Bé. Với gia đình chị, cái ăn còn lo chưa đủ thì lấy đâu ra tiền sửa nhà.

Chị cho biết, anh chị có 6 người con, trong đó 5 người đã có gia đình và ra riêng, chỉ còn người con út. Em tên Trần Công Thanh, 25 tuổi, nhưng chỉ cao 1,2m, trí não thì như đứa bé lên 5 tuổi. Thanh không biết làm gì cả, kể cả chuyện tự chăm sóc mình.

Tôi bước ra hiên nhà, chỗ “thế giới” riêng của Thanh. Trên mái nhà treo lủng lẳng nhiều miếng kim loại hình tròn, dưới đất là món đồ chơi do Thanh tự lắp ráp. Hình dáng chúng thật kỳ quái, không biết với em đó là thứ gì.

Chị Bé thở dài than: “Khi vợ chồng tui chết rồi, ai sẽ nuôi nó đây!?...”. Nhà chỉ có 1 công ruộng, anh bệnh không làm nổi, phải cho mướn mỗi năm lấy 25 giạ lúa; chi tiêu hàng ngày dựa vào tiền giặm lúa, làm cỏ mướn của chị. Cái ăn còn lo không đủ, lấy đâu ra tiền mà cất lại nhà…

* Nhà thứ ba chúng tôi đến thăm là nhà chị Trần Thị Thuận, ở ấp 3. Đúng ra đó là một cái chòi, nóc lợp lá, vách cũng bằng lá; cột kèo thì bằng cây tạp, không bào, không đẽo. Tài sản duy nhất trong nhà là 2 cái giường thô do người cháu xin cây đóng cho. Căn nhà chật hẹp nên 2 cái giường đã chiếm gần hết diện tích.

10A.jpg
Căn nhà lá này chị Thuận phải nhờ đến chòm xóm hỗ trợ dựng lại sau khi bị con gái "phóng hỏa".

Chị Thuận có 3 người con, 2 người con gái nhỏ lấy chồng xa, chỉ còn người con gái lớn bị bệnh tâm thần sống với chị. Đó là Nguyễn Thị Hiếu Thảo, 37 tuổi, nặng 53 kg, nhưng chỉ cao 1,2m.

Lúc nhỏ, Thảo phát triển bình thường; đến năm 21 tuổi thì phát bệnh. Những cơn đau đầu dữ dội, cả lúc nửa đêm Thảo cũng la hét, chạy long nhong ngoài đường. Có lúc Thảo đập bể chén dĩa, rồi lấy miểng cắt tay chảy máu. Có lần chị Thuận sơ ý, Thảo đã đốt căn nhà. Nhờ bà con láng giềng gom góp cây lá giúp chị Thuận dựng lên căn nhà này.

Chồng chết 2 năm nay, con bệnh không có tiền đi bệnh viện, chị chỉ biết năn nỉ con; năn nỉ không được thì quát mắng, rồi khóc. Sau cái lần Thảo đốt nhà, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã đem xe đến chở đi điều trị cả năm trời, nhờ vậy mà nay Thảo đã bớt quậy phá, nhưng em không biết làm gì cả, kể cả chuyện vệ sinh cá nhân.

Chị không có nghề nghiệp, không đất sản xuất, lại bị đau cột sống; rồi còn phải canh chừng đứa con tâm thần nên không làm gì ra tiền. Cuộc sống của hai mẹ con dựa vào tiền trợ cấp mỗi tháng 270.000 đồng của Thảo. Số tiền đó chị dành mua gạo, còn thức ăn thì bắt ốc, hái rau sống qua ngày.

***

Vậy đó, sống giữa vùng đồng lúa thẳng cánh cò bay mà vẫn có những hoàn cảnh rơi nước mắt. Tôi thầm cầu mong những “Chuyến xe nhân ái”, những “Mái ấm nghĩa tình” hãy về vùng đất Mỹ Tân để giúp những người như dì Trinh, chị Bé, chị Thuận vượt qua khó khăn, có được cuộc sống ấm no như bao gia đình bình thường khác.

                                                            N.T
 

.
.
.