Chủ Nhật, 21/10/2012, 12:12 (GMT+7)
.

Người phụ nữ thầm kín

Sáng nào cư dân chợ Vĩnh Kim (Châu Thành) cũng bắt gặp một người phụ nữ nhỏ thó, tuổi xấp xỉ lục tuần cọc cạch trên chiếc xe đạp cũ với chồng báo dày cộm chạy đi khắp mọi ngóc ngách từ đầu hẻm tới cuối hẻm, từ đầu chợ tới cuối chợ.

Ở đây nhiều người quen gọi chị là chị Bảy Ngọc Anh hoặc chị Bảy Ốm, tên trọn vẹn của chị là Trần Thị Ngọc Anh (ảnh).

Chị ở ấp Vĩnh Hòa nhưng gần như cư dân ấp nào cũng biết chị, có nhiều em gọi chị là má Bảy, có những đứa trẻ kêu chị là ngoại Bảy, nội Bảy dù chẳng bà con cật ruột gì.

Chị bán cá, chị tiểu thương đến anh đại gia đều là mối ruột của chị, có những người chẳng mấy khi rảnh rỗi để mà đọc báo cũng mua giùm chị một tờ gọi là ủng hộ. Cái tình người là vậy.

Ngoài việc bỏ báo ăn công 1 tháng 800 ngàn mà vợ chồng anh Đức - Chủ tịch xã, thấy chị khổ, giúp cho có thêm thu nhập; chị còn là một cộng tác viên dân số năng nỗ của xã, phụ trách y tế ấp, là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ cựu chiến binh xã, tham gia công tác phụ nữ, chữ thập đỏ và tổ hòa giải ấp.

Ở cương vị nào chị cũng làm rất tốt công việc. Sống trong hoàn cảnh khó khăn (nhà có sổ hộ nghèo), chị càng cảm thông hơn những mảnh đời bất hạnh nên thường cùng những người bạn đi làm từ thiện. Chị nói: “Mình khổ, có người còn khổ hơn!”.

Hiện chị còn nuôi con đi học lại lãnh thêm trách nhiệm nuôi mẹ già trên 90 tuổi, giữ đứa cháu nội 2 tuổi để con trai đi học và con dâu đi làm. Với sự hỗ trợ của người chồng, anh giúp chị chăm sóc gia đình mỗi khi chị vắng nhà, cảm thông chia sẻ cùng chị.

Những người em của chị rất cảm kích, con và dâu của chị luôn quý trọng và yêu thương chị. Chị nói chẳng đòi hỏi gì hơn, được báo hiếu cho mẹ, được giúp các em và con yên tâm công tác là chị vui rồi! Lòng chị là vậy. Còn nhớ dạo mấy năm trước, để động viên các con học, chị đã cùng học với các con và thi đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông ở tuổi 53!

Bây giờ, ngoài những công việc hiện làm, thỉnh thoảng chị còn phụ trách đãi ăn cho mấy đám cưới khi có nhu cầu, mới tạm đủ trang trải cuộc sống.

Mỗi sáng chị dậy từ rất sớm lo cho mẹ già rồi mới chạy đi cho kịp giờ giao báo. Cứ nghĩ, trong lúc mọi người vừa nhâm nhi tách cà phê, vừa ăn sáng, vừa đọc báo thì chị với cái bụng lép xẹp tất tả chạy đi, trôi tuột theo một ngày chộn rộn lại thấy xót xa cho một phận người. 

Nhưng có lẽ đó không phải là điều chị bận tâm bởi với chị được làm gì có ích cho người khác đã là niềm vui. Điều chị lo lắng nhất là ngôi nhà xuống cấp mỗi khi mưa dột làm mẹ không được yên giấc, chị chỉ cầu mong những ngày cuối đời của mẹ được sống trong yên lành. Và chị luôn ray rứt vì điều đó. Có ai đoái hoài đến ước mơ của người phụ nữ thầm kín này chăng?!

YÊN BÌNH
 

.
.
.