Thứ Bảy, 19/01/2013, 04:35 (GMT+7)
.

Thêm 9 trường hợp tại Tiền Giang được nhập quốc tịch

Ngày 6-12-2012, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký ban hành Quyết định 2149/QĐ-CTN cho phép nhập quốc tịch Việt Nam đối với 9 người không quốc tịch đã cư trú lâu năm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Bà Tô Anh Đào, Trưởng Phòng Hộ tịch - Sở Tư pháp chia vui với 1 trường hợp được nhập quốc tịch năm 2011.
Bà Tô Anh Đào, Trưởng Phòng Hộ tịch - Sở Tư pháp chia vui với 1 trường hợp được nhập quốc tịch năm 2011.

Sở Tư pháp đang chuẩn bị các thủ tục để tổ chức lễ trao quyết định của Chủ tịch nước cho các công dân nêu trên, chính thức công nhận họ được hưởng đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam. Được biết, cuối năm 2011, Chủ tịch nước cũng đã ký quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 6 trường hợp tương tự.

Theo Sở Tư pháp, trên địa bàn tỉnh có những trường hợp cư trú ổn định trên 20 năm nhưng không có quốc tịch, không xác định được quốc tịch và không có đầy đủ các giấy tờ về nhân thân. Các trường hợp này đã cùng chung sống trong cộng đồng người Việt Nam, không vi phạm pháp luật. Do không được công nhận là người Việt Nam nên dĩ nhiên họ thiếu những quyền lợi cơ bản về kinh tế, chính trị...

Thực hiện chủ trương đại đoàn kết dân tộc, chính sách đối ngoại rộng mở và trên cơ sở các quy định của Luật Quốc tịch, tỉnh ta tiếp tục lập kế hoạch giải quyết việc nhập quốc tịch cho những trường hợp nêu trên.

Theo đó, những người không quốc tịch, không đầy đủ các giấy tờ về nhân thân nhưng đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ ngày 1-7-1989 trở về trước có nguyện vọng nhập quốc tịch Việt Nam và hiện cư trú trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đều được cơ quan chức năng tỉnh hướng dẫn làm thủ tục, hồ sơ và lập danh sách đề xuất Bộ Tư pháp xin nhập quốc tịch.

Với những cá nhân vừa được công nhận là công dân Việt Nam, những quyền lợi đương nhiên được hưởng và những nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện đó là: Những quyền cơ bản về bầu cử, ứng cử, các quyền về kinh tế, quyền được lao động, được học hành và được chăm sóc sức khỏe...; đồng thời cũng phải tuân thủ pháp luật, làm các nghĩa vụ khác mà Nhà nước quy định...

Các trường hợp này trước hết phải làm ngay các thủ tục về khai sinh, đăng ký kết hôn, chứng minh nhân dân và các giấy tờ cá nhân khác có nội dung về quốc tịch; cần sớm chỉnh sửa, cải chính để được pháp luật công nhận và bảo vệ.

Như vậy, qua 2 năm thực hiện công tác này, đã có 15 cư dân chính thức gia nhập cộng đồng người Việt Nam; họ sẽ không còn phải đi gia hạn thẻ cư trú theo định kỳ, bởi đã chính thức trở thành công dân Việt Nam.

QUỐC VIỆT

9 TRƯỜNG HỢP VỪA ĐƯỢC NHẬP QUỐC TỊCH VIỆT NAM:

1. Phan Thị Đồng, nữ, sinh năm 1938, tại Campuchia.

Tên gọi Việt Nam: Phan Thị Đồng. Hiện cư ngụ tại ấp Phú Hữu (Phú Mỹ, Tân Phước).

2. Lê Thị Lai, nữ, sinh năm 1964, tại Campuchia.

Tên gọi Việt Nam: Lê Thị Lai. Hiện cư ngụ ấp Phú Hữu (Phú Mỹ, Tân Phước).

3. Thi Kim Thuận, nữ, sinh năm 1940, tại Campuchia.

 Tên gọi Việt Nam: Thi Kim Thuận. Hiện cư ngụ ấp Hộ (Tân Điền, Gò Công Đông).

4. Phạm Ngọc Yên, nữ, sinh năm 1957, tại Campuchia.

 Tên gọi Việt Nam: Phạm Ngọc Yên. Hiện cư ngụ ấp 1 (Gia Thuận, Gò Công Đông).

5. Thạch Sol, nữ, sinh năm 1973, tại Campuchia.

Tên gọi Việt Nam: Thạch Sol. Hiện cư ngụ ấp 9B (Mỹ Thành Nam, Cai Lậy).

6. Nguyễn Thị Liên, nữ, sinh năm 1958, tại Campuchia.

Tên gọi Việt Nam: Nguyễn Thị Liên. Hiện cư ngụ ấp Trung Hòa (Trung Hòa, Chợ Gạo).

7. Nguyễn Thị Thu, nữ, sinh năm 1955, tại Campuchia.

Tên gọi Việt Nam: Nguyễn Thị Thu. Hiện cư ngụ ấp Ông Cai (Tân Trung, TX. Gò Công).

8. Sê Riêng Nat, nữ, sinh năm 1969, tại Campuchia.

Tên gọi Việt Nam: Nguyễn Thị Nát. Hiện cư ngụ ấp Ông Cai (Tân Trung, TX. Gò Công).

9. Thạch Quới, nam, sinh năm 1936, tại Campuchia.

Tên gọi Việt Nam: Thạch Quới. Hiện cư ngụ ấp Thuận Hòa (Long Thuận, TX. Gò Công).

 
 

.
.
.