Thứ Sáu, 08/03/2013, 09:55 (GMT+7)
.

Bác sĩ Nguyễn Sỹ Bền ra đi còn để mến thương cho đời

Thế là anh Sỹ Bền, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tiền Giang đã ra đi ngày 2-3-2013 sau cơn nhồi máu cơ tim.

Sự ra đi của anh cũng không bất ngờ lắm bởi anh bị ung thư đại tràng từ tháng 6-1994. Nhờ anh là bác sĩ nội khoa và vợ cũng là bác sĩ, cùng nhiều bác sĩ đầu ngành hết lòng điều trị, điều dưỡng kỹ lưỡng nên kéo dài tuổi thọ tới 83.

Tôi biết và thân thiết anh Sỹ Bền vì bên ngoại anh cùng quê với cha vợ tôi tại xã Phú Mỹ, Châu Thành, Mỹ Tho xưa. Tôi ở Tiểu đoàn Girông, năm 1968 gặp anh phụ trách dân y (H10) Mỹ Tho.

Đến sau ngày 30-4-1975 thường gặp, thành đôi bạn tâm đầu ý hợp, lại cùng có chữ lót là “Sỹ”. Quê gốc anh ở chùa Phật Đá (Tân Phước), bên ngoại là gia đình khá giả ở xã Phú Mỹ. Mẹ anh là mẹ chiến sĩ. Chị anh là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Cậu anh (ông Mười Ngữ) giàu có và giàu lòng yêu nước, từng hiến cả nhà máy chà cho cách mạng. Anh có rất nhiều bà con trên dòng kinh Nguyễn Văn Tiếp, từ Phú Mỹ tới Thạnh Phú, Thiên Hộ.

Anh ảnh hưởng bên ngoại nhờ quan hệ rộng, sớm tiếp thu phong trào yêu nước của các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh nên gia đình đã ủng hộ và theo cách mạng.

Sỹ Bền tập kết ra Bắc được bồi dưỡng văn hóa, học Đại học Y Hà Hội cùng anh Ba Đạt, Viện trưởng K120; anh Ba Phụng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Anh trở về Nam và được rút về Khu ủy điều trị cho lãnh đạo khu.

Đến năm 1967 - 1968, được điều về Mỹ Tho (H10). Được là Trưởng Dân y Mỹ Tho, nhưng thực chất phục vụ cho đánh giặc là chủ yếu. Về đây, người bác sĩ mùa Thu mới gặp cô y tá Mười Tâm (năm 1969) khi cô ở Trạm xá 2 Mỹ Tho. Cô Mười Tâm quê An Thạnh Thủy (Chợ Gạo) cũng xuất thân từ gia đình cách mạng.

Chiến trường Mỹ Tho từ Tết Mậu Thân năm 1968 về sau vô cùng ác liệt, thương binh, bệnh binh nhiều, trưởng ban cùng y tá vì bệnh nhân luôn gắn chặt để cứu người. Tình yêu nẩy nở, họ càng gắn bó hỗ trợ lẫn nhau trong ác liệt.

Được sự động viên của anh Sỹ Bền, chị Mười lập nhiều thành tích xuất sắc, trở thành người nữ anh hùng LLVT rất sớm của ngành Y Mỹ Tho trong chiến tranh. Sau năm 1975 anh là Trưởng ty Y tế Mỹ Tho, rồi Phó Hiệu trưởng Trường Y tế tỉnh.

Năm 1978, anh về xây dựng Bệnh viện Gò Công và làm Giám đốc. Từ năm 1983 đến 1998 anh là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tiền Giang.

Anh Sỹ Bền vốn bản tính hiền từ, vui vẻ và dễ thương. Bất cứ việc gì Đảng phân công anh đều tận tâm, tận lực làm hết mình, nhất là khi ở chiến trường Mỹ Tho, sau Mậu Thân anh không sợ gian khổ, hy sinh, tận tình cứu chữa bệnh binh với cả tấm lòng y đức.

Dấu ấn anh để lại được nhiều người biết đến là thời gian anh công tác ở Hội Chữ thập đỏ. Nối tiếp chị Ba Bạch, anh đã có công xây dựng Hội Chữ thập đỏ tỉnh nhà, quan hệ rộng với các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước. Qua đó, anh vận động ủng hộ thuốc men, tiền của, vật dụng, trang thiết bị cứu trợ cho vùng kháng chiến bị tàn phá trong chiến tranh.

Tôi thường cung cấp cho anh nhiều địa chỉ trong vùng chiến tranh cần được cứu giúp. Anh cử cán bộ tới tận nơi để cứu trợ, nay người ta còn nhớ mãi. Anh thường tâm sự: Làm nhân đạo, từ thiện phải bao dung, phải rộng mở tấm lòng thương người và phải chịu khó đi thực tế để thấy. Thấy cảnh thương tâm, anh tích cực đi quan hệ xin từng người giàu trợ giúp người nghèo, người cơ nhỡ hoạn nạn, người có công với nước như ngoại anh đã làm trước kia.

Làm nhiều bao nhiêu, có phước bấy nhiêu như người xưa dạy. Anh lại là người có tâm hồn thi sĩ, thường ngẫu hứng ứng khẩu ra thơ trước các sự kiện cuộc đời. Rồi cùng bè bạn bình ngâm hoặc tìm chọn lấy các ý hay lời đẹp của thi ca để qua đi cái dằn vặt của bệnh tật.

Bác sĩ Nguyễn Sỹ Bền ra đi ở tuổi 83 với 65 tuổi quân, 50 tuổi Đảng với bao công lao cống hiến được Đảng, Nhà nước ghi công khen thưởng.

Anh cùng với anh Ba Hằng, chị Ba Bạch, cô Ba Nguyệt xây dựng ngành Dân y tỉnh nhà suốt đời lấy y đức làm trọng. Tấm gương tận tụy, liêm khiết, trong sáng, nhân từ suốt đời vì y đức, vì người bệnh trong anh vẫn sáng mãi cho thế hệ ngày nay học tập.

Vĩnh biệt anh, tôi có vần thơ đề tặng:

Tám mươi ba xuân cuộc đời cách mạng rất gian truân
Bác sĩ dân y xông pha nơi chiến trận.
Chủ tịch chữ thập đỏ làm nhân đạo cứu dân mình
Về đời thường lo tròn phận công dân.
Chữ Y đức suốt đời tu dưỡng
Anh mất đi người đời còn nhắc tới
Như anh vẫn còn sống trên đời.

SỸ HIỆP

.
.
.