Thứ Bảy, 09/03/2013, 07:49 (GMT+7)
.

Người Anh hùng của đất và nước

Ông Phan Văn Nghiệp.
Ông Phan Văn Nghiệp, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Suốt 30 năm làm công tác thủy lợi, ông đã để lại khá nhiều dấu ấn trên nhiều công trình: Ngọt hóa Gò Công, Cải tạo khai hoang vùng Đồng Tháp Mười. Cuộc đời ông luôn gắn liền với đất và nước: đào kinh, xây cống, ngăn mặn, chặn lũ, khơi thông dòng chảy, hạ thủy nhập điền…!

Nhiều người từng gọi ông như vậy! Và ông cũng tự công nhận mình là vậy, là con người của “đất và nước”. Ông là Phan Văn Nghiệp, nguyên Giám đốc Sở Thủy lợi, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Tiền Giang, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Chuyện về ông, có lẽ phải ngược thời gian từ cậu bé nhà nghèo mê học. Sinh ra trên quê biển Gò Công, vừa mới chào đời, cậu bé Nghiệp đã nếm vị mặn nhiều hơn sữa mẹ; lớn lên đã biết thế nào là mùa ngập mặn, là đồng trống xác xơ.

Nhà đông con, ba tham gia kháng chiến trong thời kỳ chống Pháp, mẹ tảo tần buôn bán sớm hôm, 12 anh em phải sống trong cảnh túng quẫn, bần hàn. Vậy mà, cậu bé Nghiệp vẫn mê học:  “Không có tiền học, tôi đi làm thuê kiếm tiền ăn học.

Học mà cũng không được yên, anh Ba đi tập kết ra miền Bắc, ba hoạt động cách mạng, nhà thuộc sổ bìa đen, giặc rình tới rình lui, o ép, kềm kẹp đủ điều”.

Tốt nghiệp tú tài, ông tìm cách lên Sài Gòn vừa làm thuê, vừa học tiếp tại trường Cao đẳng Công chánh thuộc Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ.

Ông không giấu nỗi ước mơ của mình: “Ở quê, cứ sau vụ thu hoạch lúa mùa là cả làng lại dắt díu nhau đi làm thuê, làm mướn, sống tha phương cầu thực, cũng chỉ vì không có nước ngọt. Mặn tràn, nước ngọt phải mua từng đôi, làng này nhìn qua làng kia thông thống, chỉ thấy nóc nhà chớ không thấy bóng dáng một màu xanh. Hồi đó tôi chưa nghĩ tới Gò Công sẽ được ngọt hóa, nhưng muốn có màu xanh thì phải cần đến thủy lợi. Ước mơ của tôi là sẽ có một ngày, thủy lợi sẽ đem lại màu xanh cho quê biển Gò Công”.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, ông làm cán bộ kỹ thuật của Tiểu ban Nông nghiệp khu Trung Nam Bộ, sau này là Ty Thủy lợi Tiền Giang. Năm 1980, ông được điều về làm Trưởng phòng Kỹ thuật Xí nghiệp Xây dựng Thủy lợi. Theo ông, đây là quảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời, vì được tự tay thiết kế, thi công những công trình thủy lợi ngay trên quê hương mình.

Ông tâm sự: “Tôi không mấy khi ở văn phòng, ngay cả khi đã lên làm Giám đốc Xí nghiệp. Thời gian của tôi chủ yếu ở ngoài công trình, ăn ở cùng với anh em công nhân, trực tiếp chỉ huy, giám sát ngay tại hiện trường. Chính nhờ vào những năm tháng lăn lộn cùng với anh em công nhân, tôi đã nghiên cứu và áp dụng thành công các quy trình, biện pháp thi công, ứng dụng tối đa những tính năng của thiết bị, những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, hợp lý hóa các công đoạn sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tiết kiệm nguyên vật liệu, hạ giá thành sản phẩm và đẩy mạnh tiến độ hoàn thành công trình một cách nhanh, gọn".

Công trình ngọt hóa Gò Công được thực thi, tôi mừng muốn rơi nước mắt. Về quê đưa tin mừng cho bà con, tôi hứa chắc như đinh đóng cột rằng, Gò Công sẽ làm được 2 vụ lúa, mấy bà chị tôi trề môi: “Cậu ăn cơm Mỹ Tho riết rồi quên vùng ngập mặn, chớ Gò Công làm sao có thể làm được 2 vụ lúa”.

Năm 1988, cống Gò Công do tôi trực tiếp chỉ huy thi công hoàn thành, rút ngắn thời gian hơn 1 năm so với tiến độ của Bộ Thủy lợi quy định. Thông thường, những công trình Bộ giao thời gian là 3 năm, nhưng do biết tận dụng các phương tiện cơ giới vào nhiều công đoạn thi công thay thế cho phương pháp thủ công như đào móng, đóng cừ tràm, đổ bê tông…thời gian được rút ngắn, tiết kiệm được nhân công, nên các công trình sau, Xí nghiệp hoàn thành chỉ trong vòng 1 năm. Khi cống Long Uông, Rạch Bùn… cống Vàm Giồng hoàn thành, tôi đứng nhìn mà nước mắt cứ ứa ra, vậy là Gò Công đã được ngọt hóa”.

Là một cán bộ kỹ thuật trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy thi công, ông đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được đánh gía cao và ứng dụng rộng rãi, đó là: Công trình nghiên cứu sử dụng các tính năng của phương tiện cơ giới thay thế thủ công trong công tác đào móng, đóng cừ tràm, đổ bê tông trên công trình có nền đất mềm yếu, sình lầy. Nghiên cứu này đã rút ngắn được thời gian, đẩy nhanh tiến độ thi công, tiết kiệm được công lao động, tiết kiệm chi phí, làm lãi cho Xí nghiệp hàng trăm triệu đồng.

Công trình nghiên cứu đắp đập đất ở vùng bán nhật triều, có biên độ thủy triều lớn, bằng cách sử dụng các phương tiện cơ giới có năng suất cao thực hiện theo biện pháp lấn dần, tiết kiệm được hệ thống khung cọc và bao tải trong qúa trình hợp long đập. Công trình nghiên cứu dây chuyền khép kín trong công tác đào, đắp đất bằng cơ giới được bố trí hợp lý và phù hợp giữa mối quan hệ thiết bị và tay nghề công nhân lái máy nhằm nâng cao hiệu quả thiết bị và hiệu quả kinh tế.

Với những đề tài nghiên cứu khoa học và những sáng kiến ứng dụng trong lao động, sản xuất, ông đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3; được Bộ tặng Huy chương Vì sự nghiệp phát triển Thủy lợi và 2 Bằng lao động sáng tạo.

Từ năm 1992 đến năm 1996, ông được đề bạt lên làm Giám đốc Sở Thủy lợi. Trên cương vị này, ông lại miệt mài nghiên cứu, đề xuất và tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh những phương án, quy hoạch và những định hướng phát triển của ngành. Trên cơ sở đó lập đề án, xây dựng kế hoạch phát triển ngành theo từng bước ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm không ngừng hoàn thiện các công trình thủy lợi trong toàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhân dân theo hướng tăng vụ, tăng năng suất, chất lượng.

Trao đổi với ông về dự án quy hoạch vùng lũ, khai hoang cải tạo Đồng Tháp Mười, giọng ông có vẻ trầm ngâm: “Đánh thức hay để cho Đồng Tháp Mười ngủ yên đang là vấn đề còn nhiều tranh cãi. Nhưng có điều không thể không lưu ý và cảnh báo là: Khai thác tối đa tài nguyên một cách cạn kiệt là một điều cấm kỵ, nó chỉ đem lại lợi ích trước mắt, nhưng để lại một hậu quả vô cùng nguy hại về sau.

Đồng Tháp Mười cũng vậy, nhiều nước sẵn sàng đầu tư cho chúng ta mở rộng quy hoạch rừng, nhưng lại không chịu bỏ ra dù chỉ một đồng cho chúng ta khai hoang, phục hóa. Chúng ta có thể sống chung với lũ bằng những vùng đê bao đã quy hoạch, bằng 2 vụ lúa 1 vụ màu hoặc 2 vụ lúa, 1 vụ cá, tôm. Lấn sâu vô Đồng Tháp Mười, xoay vòng quay của đất lên 3 vụ lúa một năm là điều cần phải xem xét lại”.

Năm 1996, hai Sở Nông nghiệp và Thủy lợi sát nhập với nhau, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, phụ trách công tác thủy lợi và là Phó Ban Phòng chống lụt bão tỉnh. Kể về trận lũ năm 1996, ông không giấu nỗi niềm tự hào: “Tôi túc trực cùng với anh em công nhân gần một tháng trời, bữa ăn, giấc ngủ xen giữa hai ca máy. Lũ lớn, nước dâng nhanh một cách kinh khủng. Bằng vào kinh nghiệm và những kiến thức của mình, tôi trực tiếp chỉ đạo anh em công nhân đào, đắp nâng dần từng khu vực đê để chống tràn.

Chỉ có biện pháp nâng dần mới chống được dòng nước lũ dâng nhanh, cuồn cuộn. Không được để nước tràn đê, tràn đê là có nguy cơ vỡ đê. Nâng dần đê để chống tràn trở thành một biện pháp hữu hiệu, tuy là  biện pháp tạm thời, cấp bách, nhưng lúc nào cũng giữ được mặt đê cao hơn mực nước lũ. Hàng ngàn ha hoa màu, chủ yếu là khóm được cứu thoát, nhân dân tránh được thiệt hại hàng chục tỉ đồng”.

Tận tâm tận lực, yêu ngành yêu nghề, miệt mài với công việc, với các công trình nghiên cứu khoa học, suốt một đời gắn bó với đất và nước, những cống hiến của ông đã được ghi nhận và ông đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, trở thành người Anh hùng của đất nước.

ANH ĐẬU

.
.
.