Thượng úy Nguyễn Thanh Sang: “Đã là người lính thì phải sống sao cho đẹp!”
Tôi theo chân anh Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Vĩnh Kim (Châu Thành) đến gặp Thượng úy Nguyễn Thanh Sang (Giám đốc Nhà hàng trạm khách A11, Quân đoàn 4, tọa lạc tại Bình Dương) trong một buổi anh giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam xã nhà. Trông anh còn rất trẻ, ít ai có thể đoán anh là giám đốc một nhà hàng lớn, rộng hơn chín ngàn mét vuông với gần trăm nhân công, có thể tổ chức mười tám tiệc cưới trong cùng một lúc.
Thượng úy Nguyễn Thanh Sang tặng quà cho bé Mỹ Uyên, nạn nhân chất độc da cam. |
Thượng úy Nguyễn Thanh Sang, người con xứ Vĩnh Kim, anh là niềm tự hào cho quê hương bởi sự thành đạt với những bước chân vững chải trên con đường binh nghiệp và sự nghiệp.
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cậu học trò nhỏ Nguyễn Thanh Sang đã sớm bộc lộ sự năng động, chăm chỉ và thông minh. Lúc đó, lớp trưởng Sang được bạn bè cùng lớp tín nhiệm và thương mến bởi tính ham học, thích cầu tiến và hay giúp đỡ mọi người.
Sau mười hai năm hoàn tất chương trình học phổ thông, anh theo học du lịch ở trường Cao đẳng Lạc Hồng. Năm 1993 anh chọn con đường binh nghiệp để tôi luyện chính mình và đó cũng là cơ duyên để anh phát triển sự nghiệp sau này.
Với khả năng bẩm sinh lại có chuyên môn cộng với sự năng nổ, sự nhiệt tình vốn có, anh được cấp trên cử đi học quản lý hậu cần, đến năm 1997 được Quân đoàn giao làm Trạm trưởng Trạm khách A11 Quân đoàn 4. Ngoài công tác được giao, thời gian nhàn rỗi, anh nghĩ ra việc tổ chức nấu ăn cho khách, nấu đám cưới, tạo thêm nguồn thu nhập cho anh em đồng đội.
Những ngày đầu làm kinh tế còn nhiều bỡ ngỡ, mọi việc đối với anh còn quá mới mẻ, anh chưa biết sắp thức ăn vào dĩa sao cho đẹp, bày trí bàn tiệc sao cho khoa học, còn lúng túng trong việc quản lý nhân sự… cộng với vốn liếng hạn chế nên bàn ghế chén đủa phải thuê lại của người ta, do đó lợi nhuận không nhiều, chưa đáp ứng với công sức của anh em. Trăm mối ngổn ngang nhưng anh vẫn không nản, vừa làm vừa mày mò học hỏi để tích lũy kinh nghiệm.
Anh quan niệm: “ Gõ, cửa sẽ mở. Đi, đích sẽ đến!”. Và thấm nhuần câu nói của Bác: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…”. Với sự kiên trì của cái tâm người lính, nhà hàng do anh quản lý đã dần đi vào quỹ đạo… Nhà hàng làm ăn ngày càng khấm khá, năm 2004 anh tích lũy được một số vốn khả dĩ, tự mua sắm các trang thiết bị cần thiết. Thời gian này, anh đã giúp đỡ đồng đội tăng thu nhập và nâng cao đời sống, anh rất mừng vì giúp đỡ mọi người cũng là giúp đỡ chính mình vậy.
Năm 2009, anh được Quân đoàn cho thuê đất và mở rộng nhà hàng, công việc kinh doanh càng xuôi chèo mát mái, anh bắt đầu sắm những trang thiết bị hiện đại để giải phóng bớt sức lao động. Ngoài việc kinh doanh nhà hàng tiệc cưới có nhiều lợi nhuận, anh còn mở cửa bán điểm tâm sáng cho người thu nhập thấp với giá bình dân mười ngàn đồng một phần ăn, góp phần giúp người lao động giảm chi phí trong sinh hoạt.
Quá trình rèn luyện, phấn đấu, năm 2001 anh được kết nạp Đảng. Công việc kinh doanh nhà hàng dưới sự điều hành của anh ngày càng phát triển, anh bắt đầu mở rộng quy mô ngày một lớn hơn, chẳng những giúp đồng đội tăng thu nhập mà còn giúp hơn ba mươi sinh viên mang lại công việc làm thêm ngoài giờ trang trải học tập, giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
Khi đã làm ăn khấm khá, trong trái tim người lính xa quê luôn đau đáu một tình yêu nơi đã ôm ấp tuổi thơ anh. Anh trở về chính những ngôi trường mình đã từng học ngày xưa, mỗi năm giúp mỗi trường bốn ngàn quyển tập và trợ cấp đột xuất cho những em gặp hoàn cảnh không may. Khi trường có khó khăn về trang thiết bị, anh sẵn sàng hỗ trợ, bởi vì thời của anh còn nhiều thiếu thốn, anh muốn làm những gì có thể để góp phần tạo điều kiện cho các em trong học tập. Đối với thầy cô của ngôi trường anh từng học dù có dạy anh hay không, anh luôn cư xử bằng sự trân trọng.
Với những công trình địa phương, như nhà thờ liệt sĩ, anh đã hỗ trợ một phần kinh phí; cất nhiều nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho những hộ chính sách và hộ nghèo của xã. Ngoài ra, anh còn giúp đỡ những cựu tù chính trị gặp khó khăn, đặc biệt tài trợ cho nạn nhân chất độc da cam là những mảnh đời gánh chịu nhiều nỗi bất hạnh sau chiến tranh.
Có ai đó vui miệng hỏi: “Anh Sang đã giúp xây bao nhiêu nhà tình nghĩa, nhà tình thương rồi?”. Anh cười: “Mình chẳng nhớ”.
Anh là vậy đó! Cho là cho hết cái tâm mà không cần đáp trả. Anh chỉ nhớ một điều: “Đã là người lính thì phải sống sao cho đẹp!”.
TRẦN THỊ NGỌC HỒNG