Thứ Sáu, 26/04/2013, 17:15 (GMT+7)
.

Tình trạng quá tải khám, chữa bệnh diện BHYT - Nguyên nhân và giải pháp

Tình trạng quá tải ở các bệnh viện là vấn đề bức xúc được đề cập nhiều năm qua, song giải pháp nào là khả thi vẫn còn phía trước. Điều này dễ thấy ở các bệnh viện như: Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang, các Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công và Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho. Tình trạng quá tải bệnh nhân, trong đó chủ yếu là bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), dẫn đến nhiều hệ lụy cho cả thầy thuốc và bệnh nhân, khiến nhiều người khi đi khám, chữa bệnh như bị “đem con bỏ chợ”.

Tình trạng quá tải bệnh nhân, nhất là bệnh nhân thuộc diện BHYT diễn ra đã lâu, do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chủ yếu do sự phân bổ đối tượng BHYT khám, chữa bệnh ban đầu chưa hợp lý, số lượng bệnh nhân quá nhiều so với khả năng phục vụ của thầy thuốc; cơ sở vật chất khám, chữa bệnh hạn chế.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân: Các đối tượng đăng ký khám, chữa bệnh tuyến tỉnh chủ yếu là người mắc các bệnh mạn tính, trẻ em dưới 6 tuổi. Một nguyên nhân khác là do tuyến y tế cơ sở chưa đủ tin cậy, điều kiện và năng lực để thực hiện tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh BHYT. Đặc biệt, có nguyên nhân do sự phân tuyến khám, chữa bệnh, đã phần nào tác động đến tâm lý người bệnh là tuyến dưới không đủ thuốc hoặc không có thuốc tốt nên bệnh nhân thiếu niềm tin ở tuyến y tế cơ sở.

Hàng ngày, trung bình mỗi bác sĩ phải khám, chữa bệnh cho khoảng 100 bệnh nhân. Bệnh nhân đông, các bác sĩ chịu nhiều áp lực nên tình trạng khám bệnh qua loa là điều khó tránh khỏi. Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thúy Phượng, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang chia sẻ: Dĩ nhiên, khi quá tải, áp lực đối với bác sĩ rất lớn. Thời gian dành cho bệnh nhân giảm đi, đòi hỏi bác sĩ phải động não nhiều hơn, tập trung nhiều hơn để hạn chế sai sót.

Về hệ lụy của tình trạng quá tải ở bệnh viện đối với công việc khám, chữa bệnh của các thầy thuốc, Bác sĩ chuyên khoa II Võ Thị Thu Hà, Trưởng khoa Khám cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang cho rằng: Tình trạng quá tải gây áp lực cho bác sĩ rất nhiều. Ví dụ, bệnh nhân khám thai phải làm sao giải quyết trong buổi sáng. Khám thai không chỉ đơn thuần là khám mà phải làm xét nghiệm, siêu âm, đo điện tim, xét nghiệm máu… Bác sĩ bị áp lực thì khó tránh khỏi sai sót trong chuyên môn và gây phiền hà cho bệnh nhân…

Để giải bài toán về tình trạng quá tải bệnh nhân ở các bệnh viện, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Thảo, Phó Giám đốc Sở Y tế,  Sở đã xây dựng và thực hiện các đề án. Cụ thể như: Đề án “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” đã được UBND tỉnh phê duyệt, hiện đã triển khai đến các cơ sở khám, chữa bệnh.

Đề án “Giảm tải Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang” đang trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Đề án “Mô hình xã hội hóa khám, chữa bệnh ban đầu BHYT tại trạm y tế  tỉnh Tiền Giang” đã được Bộ Y tế đồng ý và UBND tỉnh đã có công văn cam kết hỗ trợ để triển khai thực hiện mô hình này trên địa bàn tỉnh với nội dung nhằm đưa khám bảo hiểm y tế về tuyến xã…”.

Ở cấp Trung ương, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có sự phối hợp để giải quyết các tồn đọng, bất cập dẫn đến tình trạng quá tải trong việc khám, chữa bệnh ở các bệnh viện. Tuy nhiên, ở các địa phương, trong đó có tỉnh Tiền Giang, hiện Sở  Y tế không có Phòng Bảo hiểm y tế và không có cán bộ chuyên trách giải quyết về công tác BHYT.

Tình trạng bất cập trong việc thực thi nghĩa vụ của BHYT đối với người bệnh và “quyền” của Bảo hiểm Xã hội trong việc chi trả tiền BHYT cũng là bài toán nan giải, tác động xấu đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện. Bài toán về tình trạng quá tải bệnh nhân khám, chữa bệnh ở các bệnh viện vẫn treo lơ lửng trước mắt, trông chờ sự giải quyết của các ngành và các cơ quan chức năng.

VÕ TẤN CƯỜNG

.
.
.