Thứ Hai, 03/06/2013, 13:22 (GMT+7)
.

Hội LHPN xã Yên Luông: Giúp phụ nữ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả

Sử dụng nguồn vốn vay một cách hiệu quả để phát triển kinh tế là một trong những hoạt động nổi bật của Hội LHPN xã. Chỉ tính trong năm 2012, hàng trăm phụ nữ nghèo được giúp vốn từ các nguồn: Vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển nông nghiệp và nông thôn, quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, vốn nhàn rỗi, vốn xoay vòng.

Bên cạnh 2 nguồn vốn vay của ngân hàng, các nguồn còn lại tuy không nhiều (chỉ từ 5-10 triệu đồng) nhưng cũng giúp đỡ cho các chị phần vốn đáng kể, nhất là khi muốn đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất.

Cán bộ  phụ nữ ấp và xã  đến khảo sát việc sử dụng vốn của  hội viên  phụ nữ  Cao Thị  Mỹ Trang.
Cán bộ phụ nữ ấp và xã đến khảo sát việc sử dụng vốn của hội viên phụ nữ Cao Thị Mỹ Trang.

Trong năm 2012, Hội LHPN xã Yên Luông có 8 tổ phụ nữ (261 người) đã thông qua Hội vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội 2,2 tỷ đồng; 24 tổ (238 người) vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế 540 triệu đồng. Ngoài ra, các nguồn khác dành cho vay cũng đã giúp nhiều phụ nữ với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Từ nguồn vốn ban đầu này, nhiều gia đình hội viên đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình hoặc mở rộng sản xuất. Bước đầu, một số mô hình đã phát huy hiệu quả, cho thu nhập khá ổn định. Không ít phụ nữ nhờ các nguồn vốn vay của Hội mà vươn lên thoát nghèo và còn hỗ trợ cho các hộ khác bằng cách hướng dẫn mô hình, chia sẻ kinh nghiệm, cây, con giống… Nhiều gia đình phụ nữ còn hỗ trợ các hộ khác bằng tiền.

Tiêu biểu như chị Cao Thị Mỹ Trang ở ấp Bình Cách, là hộ khó khăn đã nhiều năm, hai vợ chồng chị ra riêng khi còn trẻ và không có nhiều tài sản. Chị làm ruộng, chồng đi làm hồ, cuộc sống khá chật vật. Sau khi hai đứa con lần lượt ra đời, gia cảnh của anh chị càng khó khăn hơn. Thu nhập từ mấy công ruộng và việc làm không ổn định của anh không đủ cho gia đình xoay xở. Rồi xung quanh rộ lên mô hình trồng màu dưới chân ruộng cho hiệu quả cao, anh chị nghiên cứu, tìm hiểu và làm theo. Tuy nhiên, khó khăn về vốn đã khiến chị e ngại.

Được Hội LHPN xã hướng dẫn, chị đã mạnh dạn xin vay từ nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ nghèo để chuyển đổi mô hình sản xuất. Sau một thời gian đầu tư, học hỏi việc xây dựng mô hình, anh chị tập trung vào trồng và phát triển các loại cây màu như dưa leo, khổ qua, bầu… Chị cho biết: “Nhờ chuyển đổi được mô hình, gia đình tôi đã khá hơn nhiều. Trước đây một vụ lúa sau 3 tháng chỉ có lời khoảng 1,5 triệu đồng mỗi công, nay cây màu cho thu nhập khá hơn nhiều, sau khi trừ chi phí còn lời từ 4-5 triệu đồng. Gia đình tôi nhờ thế cũng đỡ chật vật hơn rất nhiều.

Trường hợp của chị Kiều Thị Quyến ở ấp Bình Cách cũng vậy. Do muốn phát triển kinh tế, tăng thu nhập, chị quyết định đứng ra “kinh doanh”. Trong một lần tình cờ chị phát hiện ở Bến Tre có nguồn bánh tráng nếp khá ngon, giá cả lại vừa túi tiền nhưng ở  Gò Công Tây chưa  có ai kinh doanh. Chị mày mò nghiên cứu tìm nguồn hàng, chỗ tiêu thụ rồi mạnh dạn vay vốn của Hội.

Được cho vay 7 triệu đồng, chị  đầu tư vào xây lò nướng, lấy hàng và bắt tay vào sản xuất bánh. Lúc đầu, công việc khó khăn nhưng sau một thời gian đã cho chị nguồn thu nhập khá ổn định. Giờ chị đã hoàn được vốn và có thu nhập khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng từ công việc này.

Theo đánh giá của các cán bộ Hội và tổ Hội, cái hay của những nguồn vốn vay này là không chỉ dừng lại ở việc các thành viên được vay vốn với lãi suất thấp (có cả nguồn không có lãi suất) mà khi vay vốn các thành viên sẽ được tham gia sinh hoạt tổ hàng tháng. Việc họp tổ nhằm thu hồi vốn, còn tiền lãi thì gởi tiết kiệm và tạo điều kiện cho thành viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, tạo mối liên hệ, đoàn kết giữa chị em phụ nữ trong các tổ Hội.

Ngoài ra, khi tham gia vay vốn chuyển đổi mô hình sản xuất, các chị em còn được hỗ trợ kỹ thuật. Trong thời gian qua, Hội LHPN xã đã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ thực vật tổ chức nhiều lớp tập huấn về chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất, giúp các gia đình phụ nữ  có thể áp dụng vào mô hình của mình, tránh rủi ro và tăng thu nhập.

Chị Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Luông chia sẻ: “Các nguồn vốn của Hội tuy không nhiều, nhưng đã góp phần cho các thành viên của Hội có thể nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của mình, để từ đó các chị có thể yên tâm thực hiện những nhiệm vụ khác, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc và góp sức vào các hoạt động xã hội”.

MINH CHÂU

.
.
.