Thứ Hai, 11/11/2013, 13:35 (GMT+7)
.

Góc BHLĐ: Một mô hình thiết thực cần nhân rộng

Trên địa bàn tỉnh hiện có đến hàng ngàn doanh nghiệp (DN) lớn, nhỏ đang hoạt động sản xuất nhưng số DN xây dựng được góc Bảo hộ lao động (BHLĐ) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, Công ty TNHH Một thành viên Đổng Kim Long, một DN có quy mô hoạt động không lớn nhưng là đơn vị đi đầu trong việc xây dựng góc BHLĐ, nhằm tạo điểm sinh hoạt và là “kênh” tuyên truyền các vấn đề liên quan về lao động, việc làm… đến công nhân một cách sinh động và hiệu quả.

Công ty TNHH Một thành viên Đổng Kim Long (Khu công nghiệp Mỹ Tho) là DN sản xuất cơ khí đóng tàu, sà lan có trọng tải 2.500 tấn, tàu kéo biển có công suất đến 2.500 mã lực và các phương tiện vận tải vỏ thép khác. Công ty chính thức đi vào hoạt động năm 2003. Đến nay, công ty có tổng số lao động là 35 người. Mặc dù đa số lao động của công ty là thợ có tay nghề khá giỏi nhưng trung bình hàng năm tại công ty vẫn xảy ra khoảng 5-7 vụ thương tích nhẹ.

Công nhân đọc sách, báo, tìm hiểu thông tin tại góc BHLĐ của Công ty TNHH Một thành viên Đổng Kim Long.
Công nhân đọc sách, báo, tìm hiểu thông tin tại góc BHLĐ của Công ty TNHH Một thành viên Đổng Kim Long.

Theo ông Phan Văn Vĩnh, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH Một thành viên Đổng Kim Long, do đặc điểm ngành nghề có nhiều yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nên ngay những ngày đầu sản xuất, Ban Giám đốc và Ban Chấp hành CĐCS công ty luôn quan tâm thực hiện công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho người lao động (NLĐ).

Mạng lưới an toàn vệ sinh viên được thành lập và thường xuyên hoạt động theo nhiệm vụ được phân công. Tuy nhiên, lúc đầu công tác tuyên truyền về ATVSLĐ ở công ty thiếu hình thức trực quan sinh động, nội dung còn đơn điệu, chưa gây được sự chú ý nên NLĐ ít quan tâm nên việc thực hiện ATVSLĐ còn hạn chế, mặt bằng sản xuất có nhiều chỗ để vật liệu, phế liệu ngổn ngang, thiếu ngăn nắp, dễ gây vấp, ngã, trơn,… Những yếu tố này được xác định là nguyên nhân gây nên những vụ tai nạn lao động(TNLĐ) ở DN.

Ông Vĩnh cho biết thêm: “Trong lúc loay hoay tìm giải pháp để kéo giảm các vụ TNLĐ thì đến năm 2008, công ty được LĐLĐ tỉnh chọn làm điểm và hướng dẫn  xây dựng góc BHLĐ tại đơn vị. Việc thực hiện này nằm trong khuôn khổ Chương trình Quốc gia về BHLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Để tiến hành xây dựng được góc BHLĐ thì phía công ty đã bỏ ra kinh phí khoảng 10 triệu đồng cùng với khoản kinh phí hỗ trợ 15 triệu đồng của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Còn tài liệu thì do LĐLĐ tỉnh hỗ trợ”.

Hiện góc BHLĐ của công ty được trang bị tài liệu rất đa dạng, phong phú như: Sách, báo, tranh, ảnh… có các nội dung tuyên truyền về các quyền, lợi ích và chế độ BHLĐ cho NLĐ; các quy trình kỹ thuật an toàn của máy, thiết bị ngành cơ khí đóng tàu. Những quy định về nội quy làm việc an toàn, trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của người sử dụng lao động; trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của NLĐ trong công tác BHLĐ.

Vai trò của tổ chức CĐCS trong công tác BHLĐ; nhiệm vụ, quyền hạn của mạng lưới an toàn - vệ sinh viên; sơ đồ bố trí lắp đặt máy, thiết bị tại các nhà xưởng; phân tích các yếu tố độc hại, nguy hiểm trong môi trường làm việc; tranh ảnh tuyên truyền, tạp chí BHLĐ, Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản tuyên truyền phòng, chống ma tuý, tội phạm, HIV/AIDS, Luật Giao thông đường bộ, thông tin tình hình an ninh trật tự của địa phương…

Tất cả tài liệu trên phục vụ rất tốt cho công tác tuyên truyền trong DN. Đặc biệt là vị trí đặt góc BHLĐ rất thoáng mát, gần nơi sản xuất nên anh em công nhân lao động của công ty thường lui tới góc BHLĐ trong lúc rảnh tay hay lúc nghỉ giải lao để chia sẻ, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ các nguồn thông tin của góc BHLĐ.

Anh Trần Thanh Hiền, một công nhân của công ty cho biết: “Góc BHLĐ mở cửa hàng ngày từ sáng đến chiều. Do đó, tranh thủ trong những lúc rảnh rỗi, tôi cũng như các công nhân khác thường tìm đến góc BHLĐ nghỉ ngơi, đọc sách báo giải trí, tìm hiểu các tài liệu liên quan đến các chính sách dành cho NLĐ để kịp thời nắm bắt thông tin…”

Ông Đặng Quang Điều, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Chính sách pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam trong một lần đến thăm Công ty TNHH Một thành viên Đổng Kim Long vào cuối tháng 10-2013 đã đánh giá cao về hiệu quả hoạt động của góc BHLĐ ở công ty và cho đây là một mô hình hoạt động tuyên truyền hướng đến đảm bảo ATVSLĐ cho công nhân cần nhân rộng.

Nhìn nhận về  hiệu quả hoạt động của góc BHLĐ, ông Phan Văn Vĩnh cho biết:

“Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, góc BHLĐ đã thu hút hàng trăm lượt công nhân tìm đến, từ đó giúp cho công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, theo hướng dẫn chỉ đạo của tổ chức Công đoàn trong DN về ATVSLĐ được thường xuyên và đi vào nền nếp, góp phần nâng cao được ý thức tự giác chấp hành các quy định về kỹ thuật an toàn, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh công nghiệp, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của NLĐ trong DN”.

Qua đó, điều kiện làm việc của NLĐ từng bước được cải thiện, mặt bằng sản xuất gọn gàng, ngăn nắp, các nguyên vật liệu được sắp xếp có nơi, có chỗ. Đáng ghi nhận hơn hết là bước đầu, công nhân đã chủ động đề xuất một số giải pháp  thực hiện có hiệu quả như: Thay đổi toàn bộ các gối đỡ, chân chống, bò kê… dùng vào việc chống chỏi tàu, xà lan trong lúc gia công mới và di chuyển hạ thủy bằng vật liệu thép có kết cấu, hình thức phù hợp chắc chắn, vừa bảo đảm an toàn lao động, vừa giảm nhẹ sức lao động cho công nhân và hạn chế được TNLĐ.

Kết quả là từ năm 2009 đến nay, trung bình mỗi năm chỉ có 1-2  trường hợp công nhân bị trầy xước da tay, chân, không ảnh hưởng đến sức khoẻ, ngày công lao động. Dự kiến, hàng năm công ty sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 10 triệu đồng để duy trì hoạt động của góc BHLĐ bằng việc liên tục thay đổi báo, sách, tài liệu mới… nhằm tạo điểm sinh hoạt, giải trí cho công nhân và giúp công nhân nắm bắt thông tin kịp thời.

Với những kết quả đạt được, năm 2009, công ty được tuyển chọn tham dự Hội thảo về góc BHLĐ trong Chương trình quốc gia về BHLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức tại TP. Hải Phòng. Ngoài ra, góc BHLĐ của công ty cũng  được nhiều DN khác trong khu công nghiệp Mỹ Tho đến tham quan, học hỏi, rút kinh nghiệm để tự tổ chức xây dựng góc BHLĐ tại DN của mình.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.