Thứ Hai, 04/11/2013, 14:22 (GMT+7)
.

Vợ chồng cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Bằng ý chí và nghị lực vượt khó, vợ chồng cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Ngữ và Lê Thị Âu ở ấp 4 (Tân Thanh, Cái Bè) đã vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo khó và phát triển kinh tế gia đình với mô hình vườn, ao và nghề nung gạch.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, vợ chồng CCB này đều ở độ tuổi 60 nhưng vẫn khỏe mạnh, vui vẻ kể lại: Năm 1973, ông và bà đều tham gia du kích ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Đến năm 1975, hai người kết hôn và sau đó đã sinh được 7 người con. Khi ra ở riêng, cha mẹ hai bên cho ông bà 5 công vườn. Ông bà đã vay ngân hàng 50 triệu đồng để đầu tư cây giống, con giống. Trên vườn trồng xoài Đài Loan, chanh, ổi và nhãn; dưới ao nuôi cá lóc.

Nhờ đức tính cần cù, chịu khó, biết dành dụm, ông bà đã có vốn tích lũy và mua thêm 10 công đất  vườn. Với sự cố gắng của vợ chồng, vườn cây ăn trái và chăn nuôi đều được chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh tốt nên luôn cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Vợ chồng CCB Nguyễn Văn Ngữ  và  Lê Thị Âu bên các  lò gạch.
Vợ chồng CCB Nguyễn Văn Ngữ và Lê Thị Âu bên các lò gạch.

Năm 2005, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ gạch cho các công trình xây dựng khá cao nhưng nhiều người phải đi mua ở xa tốn công và chi phí vận chuyển, ông bà đã  quyết định đầu tư xây dựng 2 lò nung gạch để cung cấp gạch cho bà con trong vùng với giá rẻ mà lại tiện lợi. Tuy nhiên, do mới đầu tư chưa có kinh nghiệm nên 2 mẻ gạch đầu tiên đã bị hư.

Không nản chí, ông Ngữ đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các lò gạch của tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp, sau đó về khắc phục, sửa chữa lò gạch của mình. Từ đó về sau, các viên gạch khi sản xuất ra đều đạt chất lượng tốt nên được đông đảo bà con tìm đến đặt hàng.

Thấy hiệu quả của nghề này mang lại lợi nhuận khá cao nên gia đình tiếp tục đầu tư thêm 3  lò nung gạch nữa. Bình quân một tháng, 5 lò sản xuất được 60.000 ngàn viên gạch, giá bán mỗi viên từ 800 - 1.000 đồng. Không dừng lại ở đó, ông Ngữ còn đầu tư kinh doanh ở lĩnh vực vật liệu xây dựng, đã tạo việc làm cho 100 lao động nhàn rỗi ở trong xã. Bình quân mỗi năm, gia đình thu lãi vài trăm triệu đồng từ các mô hình sản xuất trên.

Cùng với việc tổ chức sản xuất kinh doanh, ông Ngữ cũng là người luôn quan tâm đến xây dựng cuộc sống gia đình. Hiện nay, kinh tế gia đình ông đã khá giả, con cái trưởng thành, có cuộc sống ổn định: Con trai thứ năm của ông đang công tác ở Sở Giao thông Vận tải TP. Cần Thơ, con trai thứ sáu đang học đại học xây dựng và cô gái út đang học Cao học ngành Thú y... 

“Không chỉ biết làm giàu, gia đình ông Ngữ còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội của xã. Từ quỹ khuyến học đến quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, ủng hộ người nghèo, ông đều đóng góp. Mỗi khi có người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, ông đều sẵn sàng tư vấn tận tình, tránh cho nông dân bị thất bại bởi những lý do không đáng có như ông trước đây đã từng vấp phải” - ông Lê Minh Quang, Chủ tịch Hội CCB xã Tân Thanh cho biết.

Bằng nghị lực và ý chí quyết tâm không cam chịu đói nghèo, vợ chồng CCB Nguyễn Văn Ngữ và Lê Thị Âu đã vươn lên xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả. Mồ hôi, công sức của ông bà bỏ ra đã được đền đáp bằng chính những thành quả của ngày hôm nay. Đây cũng là mô hình phát triển kinh tế gia đình tiêu biểu, được nhiều hội viên CCB và bà con trong xã học tập và làm theo.

CHIÊU NAM

.
.
.