Thứ Hai, 27/01/2014, 06:01 (GMT+7)
.

Đẹp như bài tình ca

Chuyện về vợ chồng anh Phạm Văn Bạch, thương binh 1/4,  quê xã Bình Phú, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) và chị Nguyễn Thị Hồng Thu, thương binh 2/4, quê xã Sơn Tân, huyện Quế Tiên (Quảng Nam).

...Mỗi khi ngọn gió chướng về mang theo cái se lạnh của những ngày cuối đông, thấy đâu đâu ai cũng tất bật dọn dẹp, xếp đặt để đón tết, là tôi cứ chạnh nhớ lại ngày 30 tết năm ấy - ngày tôi rời quê mẹ, vượt gần cả ngàn cây số đi tìm… quê chồng.

Biết nói sao về tình yêu. Chúng tôi đến với nhau như là định mệnh. Quê tôi ở xã Sơn Tân, huyện Quế Tiên, tỉnh Quảng Nam. Quê tôi được giải phóng từ những năm đầu kháng chiến chống Mỹ. Năm 1964, mới 10 tuổi đầu, được kết nạp vào Đội Thiếu niên Tiền phong, tôi theo các anh chị ca hát, làm công tác tuyên truyền. 15 tuổi vào du kích xã và 1 năm sau tôi được rút về Huyện đội Quế Tiên.

Một đêm cuối tháng 2-1972, ta tổ chức đánh tập kích diệt địch, sáng ra tôi đi kiểm tra lại trận địa, bị địch từ trên đồi cao phát hiện, bắn xuống xối xả, tôi bị thương nặng. Sau đó tôi được đưa ra miền Bắc an dưỡng ở Đoàn 583 tỉnh Ninh Bình.

Cuối năm 1973, nhân một lần giao lưu với Đoàn an dưỡng 580 tỉnh Nam Hà, tôi gặp anh, người quê ở Gò Công, chiến đấu và bị thương ở mặt trận đường 13. Anh là thương binh 1/4. Sau lần gặp ấy, không nhớ tình yêu anh đã đến trong tôi tự lúc nào.

Ngày 20-4-1975, Ban Chỉ huy Đoàn an dưỡng 580 làm chủ hôn bên trai và Ban Chỉ huy Đoàn 583 chủ hôn bên gái đứng ra tổ chức lễ tuyên hôn cho chúng tôi. Mỗi đứa được đơn vị cho nghỉ 15 ngày phép gọi là “tuần trăng…”. 10 ngày gần nhau, trưa ngày 30-4-1975 miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Tối hôm ấy, Ban Chỉ huy Đoàn 580 nhận lệnh đưa anh em ra Cảng Hải Phòng, xuống tàu về Nam, trong đó có anh. Hai đứa chia tay, anh chỉ kịp để lại cho tôi mỗi tờ giấy kết hôn và địa chỉ người chị Hai của anh đang làm thuê ở Sài Gòn.

Anh bảo, hồi trước gia đình anh nghèo lắm. Vùng Gò Công nước mặn, lúa làm 1 vụ năng suất thấp. Ba má có 80 sào ruộng mà nuôi 9 người con. Ba chết sớm, anh chị em không ai học được hết lớp ba. Năm 1963 đi tòng quân, vào bộ đội mãi lo chiến đấu. Tôi nghĩ, có lẽ vì vậy, nên mãi gần 2 năm sau ngày hòa bình anh không gửi cho tôi một dòng thư nào.

Gần hết năm 1977 tôi mới được các anh cho trở về quê nhà. Lúc đó tôi như người đang đứng giữa hai dòng nước. Nếu làm hồ sơ xin về Quảng Nam thì sau đó sẽ khó chuyển quyền lợi, chế độ về Gò Công quê anh; mà xin về Gò Công thì… gần 2 năm bặt tin nhau, các anh trong Đoàn 583 hay nói đùa: Dân Nam bộ phóng khoáng lắm, hay nhậu, nhiều vợ…

Rủi mà anh có vợ nữa thì biết làm sao, nên tôi quyết định xin về Quảng Nam. Ngày 25 tết tôi về đến nhà, gặp mẹ. Mẹ ở có một mình. Cha hy sinh năm 1966, anh trai thì đang công tác tận trong Khánh Hòa. Tôi thủ thỉ với mẹ chuyện lấy chồng. Mẹ lặng im không nói mà mắt cứ rưng rưng.

Rồi ngày 30 tết tôi xin mẹ vào Sài Gòn tìm chị Hai. Một mình rong ruổi đất Sài Gòn nhưng cũng tìm được. Chị Hai mừng, dẫn tôi về quê Bình Phú này ở ba ngày tết. Vừa lạ lẫm,  mừng được sống gần anh; vừa nhớ mẹ, nhớ quê… Biết nói sao hết cảm xúc ba ngày tết ấy trong tôi.

… Miền Nam giải phóng mới có 2 năm, vết bom đạn còn hằn sâu trong từng tấc đất; vườn tược hoang hóa còn dày đặc bom, mìn. Nhà anh vẫn nghèo như hồi anh chưa đi bộ đội. Trong hoàn cảnh ấy, thấy vợ chồng tôi lặn lội tìm gặp lại nhau, ai cũng mừng, nhưng nhìn thấy chúng tôi đứa nào cũng khập khiễng, cũng đều là thương binh nặng nên trong bà con bên chồng có người khuyên tôi nên về ngoài ấy có chồng, trong này anh lấy vợ để… còn có công lao động, chứ “hai đứa đều như vậy làm sao sống nổi”.  Gặp nhau mừng mà lòng ngổn ngang trăm mối.

Hết ba ngày tết - ba ngày nữa được gần anh, tính tổng cộng từ sau ngày cưới đến lúc đó thì vợ chồng cũng mới chỉ có 13 ngày gần nhau, chưa hết phép; tôi lại ra xe trở về quê. Nước mắt rỏ dài theo mỗi bước tôi đi, không hay rằng anh vẫn đứng lặng nhìn theo tôi đến khuất dạng. Hai tháng sau anh ra Quảng Nam, tìm về gặp mẹ, xin mẹ rước tôi.

Tôi lại… đứng giữa hai dòng nước: Quê mẹ, quê chồng ở đâu cũng đầy rẫy hậu quả của chiến tranh, nghèo đói. Rồi mẹ tôi đang ở một mình - nghĩa mẹ, tình chồng, khiến lòng tôi rối như tơ vò. Anh rất ít nói. Dần dần tôi ngẫm ra một câu nói của anh thật chí tình: “Không ai có thể hiểu nhau hơn đồng đội. Không ai có thể cảm thông nhau hơn những người cùng chiến đấu chung một chiến hào và rồi trở thành thương tật như mình!”. Thế rồi ngày Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 năm 1978), tôi theo anh về làm dâu quê Bình Phú.

* *

Sự nghiệp bắt đầu từ 18 sào ruộng mẹ chồng cho. Về đến nhà hôm trước, hôm sau hai đứa dắt nhau ra đất ruộng cất chòi ở riêng. Đất nhiễm mặn mỗi năm làm một vụ. Ngày tháng trôi qua mà không có nghề gì làm thêm, tôi xin anh ra công tác ở xã. Là một đảng viên và có nhiệt tình, tôi được các anh trong cấp ủy bố trí làm Bí thư Xã đoàn.

Được sinh hoạt với anh chị em đoàn viên là nguồn động viên rất lớn cho tôi lúc ấy, giúp tôi đỡ nhớ mẹ, nhớ quê. Khi ruộng đất vào hợp tác xã, các anh phân công tôi làm thủ quỹ, rồi làm Phó Chủ nhiệm HTX, Phó Bí thư chi bộ… Những ngày khó khăn, anh cũng bươn chải mượn vốn của bà con, ứng trước vật tư nông nghiệp của các đại lý nhỏ đem về bán. Đồng vốn manh nha từ những đồng lời ít ỏi đó.

Sau giai đoạn HTX, đời sống kinh tế gia đình có đỡ hơn, nhưng lại vất vả với gánh nặng mới: lo cho 2 đứa con. Thấy vậy, UBND xã cấp thêm 3 công ruộng. Có ruộng rồi, chúng tôi làm bất kể ngày đêm. Nhờ chi tiêu tằn tiện, năm 1990 chúng tôi mua được chiếc máy xay xát cũ để lo xay xát cho bà con trong xóm ấp, xay lúa kẹ làm thức ăn gia súc. Sự nghiệp kinh tế của gia đình bắt đầu đi lên từ chiếc máy xay xát cũ ấy.

**

Hơn 35 năm trôi qua, bây giờ ngồi… kể chuyện đời xưa của anh chị trong căn nhà rộng rãi, khang trang. Gia đình có 1 nhà máy xay xát rộng hơn 300m2, máy chạy ì ầm suốt ngày, khách hàng tấp nập. Thấy công việc tất bật, chúng tôi hỏi, chị Hồng Thu cười bảo: Hai đứa con, đứa lớn là đảng viên ở xã; đứa nhỏ tốt nghiệp đại học, ra trường, bây giờ làm kinh tế ở TP. Hồ Chí Minh, đâu có ai phụ giúp. “Chuyện của mình mình lo, còn phải chạy cho nhiều chuyến gạo trên TP. Hồ Chí Minh theo hợp đồng cung cấp hàng tháng nữa, chứ đâu phải chỉ một cơ sở này” - chị nói như vậy.

Đúng, một cơ ngơi làm ăn quy mô được dựng nên từ hai bàn tay trắng của vợ chồng đều là thương binh hạng nặng, nằm giữa làng quê Bình Phú, nơi mà tình hình kinh tế - xã hội phát triển còn khiêm tốn, mới thấy hết tình cảm, ý chí và nghị lực của hai người cựu chiến binh, thương binh. Nhìn hai con người ấy, cung cách làm ăn ấy, gợi cho tôi hình dung ra bóng dáng kiêu hãnh của những người chiến sĩ giải phóng quân năm xưa. Mối tình của họ đẹp như bài tình ca!

NGUYỄN HỮU CHÍ

.
.
.