Thứ Ba, 28/01/2014, 08:25 (GMT+7)
.

Mô hình tránh, trú bão kèm sinh hoạt gia đình: "Nhất cử, lưỡng tiện"

Cơn bão số 9 năm 2006 đi qua vùng biển Gò Công, nhiều căn nhà thô sơ bị đổ sập, nhưng có những nhà vệ sinh của người dân được xây dựng bằng bê tông vẫn trụ vững và không ít người đã thoát hiểm nhờ bám vào đây. Từ đó, kết hợp với việc tham quan và chọn lọc nhiều mô hình ở vùng biển các địa phương khác, ý tưởng xây dựng hàng loạt nhà vệ sinh kết hợp tránh, trú bão cho người dân ở vùng ven biển đã hình thành.

Huyện Tân Phú Đông có khoảng 39% hộ nghèo. Do vậy, nhà cửa của người dân đều thô sơ, tạm bợ, thiếu nhà vệ sinh còn rất phổ biến. Trong khi đây là huyện cù lao ven biển, chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ thiên tai và tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.

Mô hình tránh, trú bão kèm sinh hoạt gia đình tại Tân Phú Đông.
Mô hình tránh, trú bão kèm sinh hoạt gia đình tại Tân Phú Đông.

Ý tưởng hỗ trợ người dân xây nhà vệ sinh kiên cố tưởng chừng rất giản đơn, nhưng đã phát huy hiệu quả thiết thực, đáp ứng được 2 mục tiêu là giúp người dân tránh, trú bão và thay đổi thói quen lạc hậu, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường và bảo vệ sức khỏe người dân nơi đây.

Đặc biệt, người dân không còn nôm nốp lo sợ khi mưa bão, giông lốc, ngôi nhà của mình đứng trước nguy cơ bị đổ sập mà không biết phải trú vào đâu. Những căn nhà này đã giúp những hộ có nhà tạm bợ có thể trú bão tại chỗ, giảm áp lực cho các điểm trú bão tập trung. Bởi khi có bão xảy ra, các hộ này sẽ cử người ở lại tại nhà để bảo vệ tài sản, đồng thời có thể tham gia công tác đối phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” hiện nay.

Đối tượng được đầu tư xây dựng mô hình nhà vệ sinh trú bão là các hộ chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sinh sống trong các nhà thô sơ, tạm bợ thuộc các xã ven biển, ven sông có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, qua 2 năm triển khai thực hiện, đến nay trên địa bàn huyện Tân Phú Đông đã có 600 hộ dân được tỉnh đầu tư kinh phí để xây dựng mô hình trú bão, kết hợp với nhà vệ sinh của gia đình. Ưu điểm của mô hình này là có thể xây dựng ngay trong mỗi gia đình, với kinh phí không quá cao, có thể vào trú nhanh, nhất là khi có giông lốc bất ngờ.

Theo thiết kế, mỗi mô hình nhà vệ sinh trú bão có diện tích ngang 2 m, dài 2,5m, được xây dựng kiên cố, mái nhà làm bằng bê tông cốt thép, tường được xây gạch đôi, cửa bằng khung thép mạ kẽm, nền lát gạch ceramic có khu vệ sinh tiêu chuẩn tự hoại. Mỗi mô hình có không gian thoáng, có thể chứa từ 4 - 5 người trú ẩn khi xảy ra bão hay giông lốc.

Kinh phí cho mỗi mô hình tránh, trú bão khoảng 15 triệu đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 11 triệu đồng từ kinh phí phòng, chống lụt bão của tỉnh, phần còn lại do mỗi hộ dân đóng góp tùy theo điều kiện của gia đình. Để cho người dân có điều kiện tham gia thực hiện mô hình, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người dân vay từ các nguồn vốn ưu đãi, với lãi suất thấp và trả dần.

Cùng với nhiều mô hình tránh, trú bão khác đã được triển khai thực hiện, qua thực tế phòng, chống thiên tai trong 2 năm qua, mô hình nhà vệ sinh kết hợp trú bão cho thấy phát huy tốt tác dụng trên cả 2 phương diện, rất phù hợp với điều kiện và tập quán sinh hoạt của người dân vùng ven biển.

Hiện tại vẫn còn hàng ngàn hộ dân đang phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ, thiếu nhà vệ sinh. Do vậy, hiện nay Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Giảm nhẹ thiên tai huyện đang tiếp tục nhân rộng mô hình này, nhằm góp phần giúp người dân hạn chế thiệt hại về người và tài sản trước tình trạng biến đổi khí hậu và thiên tai xảy ra ngày càng nhiều như hiện nay.

HIẾU TRUNG

.
.
.