Thứ Tư, 16/04/2014, 11:08 (GMT+7)
.

Giao thông nông thôn huyện TPĐ: Từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân

Trước khi thành lập huyện, giao thông của huyện Tân Phú Đông gần như không có gì. Toàn huyện chỉ có 1 km đường nhựa đạt tiêu chuẩn đường cấp VI đồng bằng (Huyện lộ 17). Giao thông nông thôn (GTNT) còn khó khăn hơn rất nhiều khi cả huyện chỉ có 12 km được bê tông hóa, nhựa hóa theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm có quy mô nhỏ hẹp (mặt đường từ 1-1,5 m) trong tổng chiều dài trên 182 km GTNT, còn lại là đường cấp phối và đường đất.

Mùa mưa lầy lội, việc đi lại và vận chuyển hàng hóa khó khăn là thực trạng hàng bao năm nay người dân cù lao phải đối mặt. Đâu chỉ có vậy, hệ thống giao thông của huyện thường xuyên bị xâm hại và chia cắt bởi triều cường.

Từ đó, việc đầu tư xây dựng các công trình GTNT rất tốn kém. Trong khi đó, mặt bằng thu nhập của người dân trong huyện thấp, doanh nghiệp trên địa bàn vừa ít lại nhỏ nên việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều tuyến đường GTNT được đầu tư để nâng cấp, mở rộng ở xã Tân Thới trong 6 năm qua.
Nhiều tuyến đường GTNT được đầu tư để nâng cấp, mở rộng ở xã Tân Thới trong 6 năm qua.

Dù có nhiều khó khăn như thế nhưng bằng các nỗ lực, nguồn vốn đầu tư sau ngày thành lập huyện, hệ thống GTNT trên địa bàn từng bước được đầu tư xây dựng. Cụ thể, đến cuối năm 2013, huyện có 145 km đường được cứng hóa, chiếm 83% tổng chiều dài đường GTNT trên địa bàn.

Trong đó, có 15 km đường bê tông đạt chuẩn GTNT cấp B, 48 km đường bê tông đạt chuẩn đường cấp C. Để thực hiện việc nâng cấp, mở rộng đường nông thôn, các ngành, các cấp trong huyện đã tiến hành vận động nhân dân nơi các tuyến đường đi qua hiến đất, cây trồng, vật kiến trúc. Trong 3 năm, người dân đóng góp 10 ha đất nông nghiệp để mở rộng đường nông thôn.

Về Tân Thới trong những ngày tháng 4, dọc theo Tỉnh lộ 877B “xương sống” của huyện, nhiều đường dal còn mới tinh, rộng thênh thang dưới bóng dừa mát rượi, chạy sâu hun hút vào các thôn xóm thay cho những con đường lầy lội trước đây.

Trong phong trào xây dựng GTNT đang triển khai trên địa bàn huyện, Tân Thới nổi lên là điển hình trong phong trào này, khắc phục bước đầu sự yếu kém về giao thông, góp phần khởi sắc bộ mặt nông thôn cho xã cực Tây của huyện, tạo tiền đề xây dựng nông thôn mới (NTM). Ngược thời gian trở về hơn 6 năm trước, anh Trần Minh Khải, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã khi đó chỉ có 1-2 tuyến đường dal (ngang 1,5 m), phần lớn các tuyến GTNT còn lại là đường đất hoặc trải đá. Tân Thới là xã nghèo nên sự góp vốn ngoài ngân sách để xây dựng tuyến đường GTNT rất khó khăn.

Từ khi thành lập huyện, nhất là khi triển khai xây dựng NTM, từ nhiều nguồn vốn khác cùng với nỗ lực của xã trong vận động các nhà hảo tâm, nhân dân đóng góp, hệ thống GTNT trên địa bàn đã có bước phát triển.

Đến nay, 100% tuyến đường xóm, ấp đều đã được cứng hóa, 5 tuyến đạt chuẩn cấp C, 19 tuyến với chiều dài 9 km đạt chuẩn cấp B trong tổng số 23 km đường cần nâng cấp để đạt chuẩn cấp B. Năm 2014, xã được huyện tiếp tục đầu tư từ vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia cho huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao thêm 4 tuyến; 2 tuyến từ nguồn vốn vay Chính phủ, còn xã thực hiện 1 tuyến và 1 cây cầu.

Dù không được huyện chỉ đạo xây dựng NTM nhưng hệ thống GTNT ở các xã còn lại cũng phát triển khá nhanh. Các xã này hiện đang tiến hành nâng cấp, mở rộng các tuyến GTNT chính theo chuẩn. Con đường dal Xuân An 2 dài 900 m, ngang 3 m vừa được khánh thành vào đầu năm nay sau 6 tháng thi công từ nguồn vốn Chương trình Quốc gia Giảm nghèo của Trung ương và sự tự nguyện hiến đất, cây trái, vật kiến trúc nơi tuyến đường đi qua của người dân là một trong những minh chứng rõ ràng nhất về hiệu quả, sức lan tỏa của phong trào ở huyện cù lao.

Tuyến đường hoàn thành, đưa vào sử dụng đã giải quyết nhu cầu đi lại, trao đổi hàng hóa của người dân ở đây, bộ mặt nông thôn trong khu vực trở nên khang trang hơn. Hay đường ấp Tân An - Tân Thành (xã Tân Phú) lát dal đưa vào sử dụng mấy năm qua đã giải quyết những bức xúc lâu nay về đi lại, luân chuyển hàng hóa của người dân sống cặp sông Cửa Trung.

Còn những ngày này, tuyến đường nối tuyến Tân An - Tân Thành với đường tỉnh 877B đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Đây là một trong rất nhiều tuyến đường nông thôn được đầu tư, nâng cấp, mở rộng đã, đang và sẽ được tiến hành, đáp ứng dần nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện cù lao.

Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng, toàn huyện có 220 km đường giao thông, trong đó đường tỉnh dài trên 31 km đi qua 5 xã, 3 tuyến huyện dài trên 5,5 km. Sau 6 năm thành lập, đến nay hệ thống tỉnh lộ, huyện lộ đã được trải nhựa.

Đặc biệt, từ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, các đường liên xã, liên ấp được dal hóa đã tăng rất nhanh. 3 năm qua huyện đã đầu tư khoảng 62 km đường nông thôn, chiếm 34% so với chiều dài quy hoạch, 437 cầu bê tông, 2 bến phà với tổng vốn đầu tư 127 tỷ đồng, trong đó có 49 km đường bê tông, 3,7 km nền hạ, 8,5 km đường nhựa.

Từ những kết quả đạt được, nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, từ nay đến năm 2015, huyện tranh thủ mọi nguồn vốn để trải nhựa, bê tông hóa 65 km GTNT theo tiêu chuẩn của Bộ Giao thông - Vận tải và 35 cầu. Số còn lại sẽ chuẩn hóa đến hết năm 2018. Riêng xã Tân Thới sẽ hoàn thành các tuyến GTNT theo chuẩn vào năm 2015.

NGÔ VĂN

.
.
.