Thứ Tư, 16/04/2014, 14:41 (GMT+7)
.

Nước sinh hoạt ở TPĐ: Bớt khó khăn nhưng cần có giải pháp căn cơ

Hiện nay, Tân Phú Đông đang vào đỉnh điểm mùa khô nhưng chất lượng nguồn nước máy vẫn khá tốt. Tín hiệu này cho thấy, tình hình thiếu nước sinh hoạt năm nay bớt khó khăn hơn mọi năm. Dù vậy, vấn đề giải quyết nước sinh hoạt cho huyện cù lao vẫn cần có giải pháp căn cơ.

NHIỀU HỘ DÂN CÒN SỬ DỤNG NƯỚC AO LÀNG, NƯỚC GHE

Cơn mưa nhỏ vào đầu tháng 4 đã phần nào giải cơn “khát” cho cây trồng, nhưng không làm “hạ nhiệt” tình hình thiếu nước sinh hoạt ở huyện cù lao. Chúng tôi về Tân Phú Đông trong những ngày đầu tháng 4, khi mà thiếu nước sinh hoạt trong người dân đang vào đỉnh điểm. Các cánh đồng trong vùng dự án ngăn mặn, ruộng khô nứt nẻ, các tuyến kinh nội đồng đã phơi đáy từ lâu. Những tuyến kinh dẫn nước chủ yếu của vùng cũng nhiễm phèn, mặn cao, mực nước rất thấp.

Ngược về xã giáp biển Phú Tân, không khí trên các đầm tôm đang rộn rã bởi tiếng quạt, nước phun trắng xóa. Càng xa lộ lớn, đường càng khó đi, nhà ít dần. Ngược lại khung cảnh yên ả nơi đây là sự khan hiếm nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân.

Đến hẹn lại lên, mùa khô đến, họ phải tất tả lo trữ nước ngọt nhưng cũng chỉ sử dụng kéo dài thêm từ 1 - 2 tháng. Bà Phạm Thị Thanh Lệ, ở ấp Cồn Cống than vãn: “Ở vùng này mỗi năm nước mặn xâm nhập từ 6 - 7 tháng. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, mỗi tháng tôi phải mất mấy trăm ngàn đồng để thuê xe chở nước về xài. Ở đây, mùa này cực về nước sinh hoạt lắm!”.

Người dân đến ao  bỏ hoang  ở xã Tân Phú chở nước  về nhà  để sử dụng.
Người dân đến ao bỏ hoang ở xã Tân Phú chở nước về nhà để sử dụng.

Cách đó không xa, mấy tháng qua, gia đình ông Huỳnh Văn Mười sống nhờ vào 2 cái hồ chứa nước (khoảng 8 m3). Đến nay, 2 cái hồ này cũng đã cạn. Mấy ngày nay, ông đang trông ghe đổi nước. Quê ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre về đây thuê đất nuôi tôm 20 năm nay và cũng là ngần ấy thời gian, gia đình ông phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt mỗi khi mùa khô đến. Do nhà cách xa đường ống nước 1,5 km, gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác ở vùng ven biển này chỉ biết sống nhờ vào “gạo chợ, nước ghe”.

Theo ngành chức năng, toàn huyện còn khoảng 65% hộ dân chưa vào nước máy. Nguồn nước sử dụng của những hộ dân này chủ yếu từ nước trữ trong lu, hồ; lấy từ ao làng; đổi nước máy, nước ghe… Để giải quyết phần nào nhu cầu nước sinh hoạt mùa khô cho những hộ khó khăn chưa vào nước máy, tỉnh đã cho mở các vòi nước công cộng để người dân đến lấy về sử dụng.

NGUỒN NƯỚC MÁY ĐÃ ĐƯỢC CẢI THIỆN

Hàng năm, từ tháng 4 trở đi là cao điểm thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô. Khi đó, nguồn nước máy thiếu nghiêm trọng, chất lượng lại xuống thấp. “Đến giờ, chất lượng nước máy vẫn còn tốt; mỗi ngày chỉ ngưng cấp vài tiếng đồng hồ nên không gây khó khăn nhiều trong sinh hoạt” - chị Trần Thị Bé Tám, ấp Lý Quàn 2, xã Phú Đông cho biết.

Theo Công ty TNHH 1 thành viên Cấp nước nông thôn, các trạm Tân Thới, Tân Thạnh đang bổ cấp nước từ sông vào ao trữ nên có khả năng cấp cho 2 xã này và 1 phần xã Tân Phú đến hết mùa khô. Phần còn lại của huyện đang sử dụng nguồn nước trữ trong 2 ao của xã Phú Thạnh, xã Phú Đông và ao 6 ha ở xã Tân Thới. Để đảm bảo cấp nước sinh hoạt hết mùa khô này, từ ngày 12-4, công ty tiến hành phân tuyến và cấp nước theo giờ cho từng khu vực.

Ông Võ Văn Ngân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đông cho biết, tỷ lệ người dân sử dụng nước máy của xã đã nâng lên 40%. Hiện nay, ao trữ nước trên địa bàn vẫn còn, cộng với nguồn bổ cấp từ ao 6 ha ở xã Tân Thới nên nguồn và chất lượng nước máy được cải thiện đáng kể so với trước đây. Cùng với các giải pháp mở vòi nước công cộng, kéo thêm các đường ống vào khu dân cư, tình hình thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn giảm đáng kể.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Khảo sát vừa qua cho thấy, trữ lượng nước trong các ao khoảng 190.000 m3.

Nếu trừ một phần nước đáy ao không sử dụng được, lượng nước có thể phục vụ cho dân còn từ 140.000 - 160.000 m3. “Trữ lượng nước hiện nay có thể đảm bảo cấp cho dân sử dụng đến hết tháng 4. Theo dự báo, mùa mưa sẽ bắt đầu từ ngày 7 đến 15-5 nếu xảy ra thiếu nước cũng không căng thẳng lắm” - ông Hải nói.

CẦN CÓ GIẢI PHÁP CĂN CƠ

Thực tế, những năm qua cho thấy, nỗ lực của các ngành, các cấp đã cải thiện đáng kể tình hình nước sinh hoạt vào mùa khô cho người dân ở huyện cù lao. Bên cạnh đầu tư các tuyến ống nước dẫn vào khu dân cư để người dân có điều kiện vào đồng hồ nước, đầu tư ao trữ 6 ha ở xã Tân Thới nâng trữ lượng nguồn cấp, tỉnh còn cho mở các vòi nước công cộng để người dân chưa vào được nước máy đến lấy về xài.

Dù vậy, với trữ lượng, chất lượng nguồn cấp hiện nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Thực trạng hiện nay, các nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt của người dân trên địa bàn huyện đều từ các ao trữ nước mặt. Giải pháp này bộc lộ những hạn chế nhất định là nước bị bốc hơi nhiều làm giảm trữ lượng, lượng nước trữ hạn chế, nguồn nước dễ bị nhiễm mặn, phèn…

Ông Đoàn Văn Thơ, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Tân Phú Đông bị xâm nhập mặn từ 5 - 8 tháng. Thiếu nguồn nước máy nghiêm trọng, chất lượng nước cấp thấp vào mùa khô, nhất là thời điểm gần mùa mưa, luôn là nỗi bức xúc của người dân do hệ thống ao trữ không đáp ứng đủ nhu cầu.

Nếu đi vào phân tích sâu tình hình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện cùng với thời tiết diễn biến phức tạp, chúng ta càng có lý do để lo lắng về chiều hướng xấu hơn có thể xảy ra. Bởi hiện chỉ có khoảng 35% hộ dân sử dụng nước máy (mùa khô có thể nhiều hơn) trên địa bàn mà nguồn nước cấp đã không đảm bảo; khi tỷ lệ hộ dân sử dụng nước máy nâng lên, tình hình sẽ ra sao nếu các ao trữ không được mở rộng?

Đó là chưa nói đến chất lượng nước dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp, nhất là vào các tháng 3 và 4. Một vấn đề khác cũng được đặt ra, do tác động của biến đổi khí hậu, các chuyên gia cảnh báo huyện Tân Phú Đông sẽ đối mặt với tình trạng mặn xâm nhập sâu hơn, thời gian xâm nhập dài hơn. Khi đó tình hình thiếu nguồn nước cấp sẽ còn nghiêm trọng hơn.

Mặt khác, đường ống truyền tải nước từ ao 6 ha đến các trạm phía Đông nhỏ, không đáp ứng đủ yêu cầu sử dụng của người dân. Ông Trần Hoàng Bá, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Vào tháng 3 và tháng 4, các ao trữ nước tại địa bàn đã cạn, đòi hỏi phải chuyển tải nước từ ao 6 ha về phục vụ cho người dân xã Phú Tân, xã Phú Đông. Tuy nhiên, do trước đó tỉnh chỉ đầu tư hệ thống đường ống tạm (ống nhỏ) lưu lượng tải chỉ khoảng 1.000 m3/ngày đêm, trong khi nhu cầu trên 2.000 m3/ngày đêm. Nếu đến cuối tháng 4 không mưa, không thể bơm bổ cấp nước từ sông, nguồn nước cấp sẽ rất khó khăn. 

Giải pháp căn cơ cho vấn đề thiếu nước ở cù lao, nhiều cán bộ và nhân dân huyện Tân Phú Đông cho rằng, cần đầu tư đường ống dẫn nước ngọt BOO Đồng Tâm vượt sông Cửa Tiểu qua cù lao. Giải pháp này vừa giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt của người dân hiện tại, cũng như ứng phó trước tình hình xâm nhập mặn ngày càng kéo dài do biến đổi khí hậu; đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện cho hiện tại và tương lai.

N.VĂN

.
.
.