Thứ Tư, 23/07/2014, 13:45 (GMT+7)
.
HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 25 NĂM KHAI THÁC, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG THÁP MƯỜI & 20 NĂM THÀNH LẬP HUYỆN TÂN PHƯỚC

Trở lại Đồng Tháp Mười vùng đất "rốn lũ, rốn phèn" của Tiền Giang

Ngày 21-7, UBND tỉnh tổ chức cho Đoàn cán bộ lão thành cách mạng đi khảo sát thực tế tại vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Những cán bộ lão thành nguyên là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, những người đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và tham gia công cuộc khai phá Đồng Tháp Mười năm xưa, nay có dịp nhìn lại những đổi thay vượt bậc trên vùng đất “rốn lũ, rốn phèn” xưa kia…

Ông Huỳnh Văn Niềm (bên phải) trao đổi cùng lãnh đạo tỉnh, huyện.                                                                                                                                   Ảnh: PHÙNG LONG
Ông Huỳnh Văn Niềm (bên phải) trao đổi cùng lãnh đạo tỉnh, huyện. Ảnh: Phùng Long

Trước khi bắt đầu chuyến đi, đoàn khảo sát đã có cuộc họp phổ biến và thống nhất lịch trình tại Văn phòng UBND huyện Tân Phước do ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Ông Huỳnh Văn Niềm, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, người được xem là “nhạc trưởng”, người đóng vai trò tiên quyết trong công cuộc khai hoang ĐTM của Tiền Giang, nhấn mạnh:

“Công cuộc khai hoang vùng rốn lũ, rốn phèn ĐTM của tỉnh nhà là sự tiếp nối của ông cha ta từ trước. Từ những kinh nghiệm quý báu đó kết hợp với ý chí tiến công của chính quyền và nhân dân tỉnh nhà mà có được một ĐTM - một Tân Phước hôm nay”.

Cùng tham gia với đoàn, chúng tôi cảm nhận được cảm xúc rất đặc biệt của những cán bộ lão thành trước đổi thay có thể được xem là “kỳ tích” trong công cuộc khai hoang, chinh phục vùng đất “rốn lũ, rốn phèn” ĐTM của quân và dân tỉnh nhà trong 2,5 thập kỷ qua. 25 năm! Khoảng thời gian của ¼ đời người tưởng chừng như dài nhưng hóa ra là ngắn so với hành trình chinh phục vùng đất phèn, hoang hóa, thiên nhiên khắc nghiệt năm xưa.

Xe chạy bon bon trên con đường được tráng nhựa phẳng phiu vừa là đê bao ngăn lũ bảo vệ an toàn cho hàng trăm ha khóm xanh mướt trải dài tít tắp. Những con kinh đào đan xen như hệ thống bàn cờ vừa đóng vai trò dẫn nước xả lũ, vừa là con đường giao thông thuận lợi cho việc chuyên chở lưu thông hàng hóa luôn nhộn nhịp cảnh ghe xuồng qua lại.

Nổi bật nhất trên gam màu xanh của khóm, lúa, tràm… là màu ngói đỏ của những căn nhà tường khang trang cùng các chảo anten như một minh chứng cho sự sung túc của đời sống cư dân nơi đây sau nhiều năm khai hoang.

Ông Phan Minh Thanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kể lại những ngày đầu gian nan của công cuộc khai hoang: Việc đầu tiên của công cuộc khai hoang ĐTM là Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức đoàn cán bộ nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tình hình thực tế với sự tham gia của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.

ĐTM lúc bấy giờ là vùng đất “khỉ ho cò gáy” hoang vu với rừng tràm, năn, bàng mênh mông… Đoàn khảo sát phải dùng xuồng hoặc đi bộ vạch năn, bàng và mang theo lương thực là bánh mì, muối tiêu, nước uống mà đi. Khảo sát đến đâu, đoàn dừng lại bàn bạc và lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo trực tiếp từng sở, ngành liên quan rồi căn cứ vào đó mà thực hiện.

Đoàn khảo sát thăm Trường THPT Tân Phước.
Đoàn khảo sát thăm Trường THPT Tân Phước.

Ròng rã nhiều ngày liền, dưới cái nắng gay gắt hay cái lạnh buốt của những cơn mưa bất chợt hay cái đói, cái khát giữa vùng nước phèn mênh mông, đoàn khảo sát đã tìm ra điểm mấu chốt để chinh phục vùng đất “rốn lũ, rốn phèn” ĐTM - đó là thủy lợi!

Thời đó, toàn vùng có rất ít kinh nên việc đầu tiên là phải đào kinh để dẫn nước ngọt về, xả phèn cho toàn vùng. Đi tiên phong trong công tác khai hoang lúc bấy giờ là cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, các lực lượng quân sự… làm nòng cốt để huy động nhân dân trong tỉnh tham gia.

Bên cạnh huy động sức lao động của hàng ngàn thanh niên xung phong, hàng chục vạn người dân nói chung, lực lượng phương tiện cơ giới cũng được tập trung để đào hơn 40 con kinh mới, vào lúc cao điểm có trên 20 chiếc xáng thi công… Nói sao hết những vất vả gian nan khi mới tiến hành nhưng nhờ sự đồng lòng, chung lưng đấu cật, quyết tâm của toàn quân, dân tỉnh nhà, sự hỗ trợ của Trung ương mà chúng ta có được ĐTM - Tân Phước hôm nay.

Anh hùng lao động Phan Văn Nghiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Giám đốc Công ty Xây dựng thủy lợi, nói thêm về công tác thủy lợi - giao thông, yếu tố quyết định thành công của việc khai hoang:

Công ty Xây dựng thủy lợi lúc bấy giờ được giao nhiệm vụ là đơn vị chủ lực trong việc đào mới các tuyến kinh trục và kinh cấp 2, 3 để dẫn nước ngọt về. Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh lúc này là “quyết tâm làm nhanh” để phục vụ công tác di dân ở các huyện khác vào tham gia khai khẩn.

Hệ thống kinh trục đầu tiên được hoàn thành như kinh Trương Văn Sanh, Tràm Mù, Bắc Đông… đóng vai trò là tuyến kinh huyết mạch dẫn nước ngọt về cho mấy chục tuyến kinh cấp 2, 3 trong vùng. Nước ngọt về cùng với đường giao thông là 2 yếu tố quan trọng ban đầu để người dân vào sinh sống và trồng lúa, khóm (là giống cây được lựa chọn); bây giờ còn có nhiều loại cây ăn trái khác như xoài, chuối, mảng cầu, thanh long.

Trong trận lụt lớn năm 2000, ông cùng lãnh đạo tỉnh và các lực lượng khác đã ứng trực suốt mấy ngày liền ở Tân Phước để dốc toàn lực bảo vệ an toàn ô đê bao trung tâm của huyện với hơn 1.500 ha trước sự hung hãn của đỉnh lũ cao lịch sử. Thành công này đã giúp người dân tin tưởng vào mô hình ô đê bao cũng như mở ra cách làm mới là xây dựng các ô đê bao tiểu vùng…

“Khi trở lại ĐTM - Tân Phước hôm nay, chứng kiến sự hoàn chỉnh của quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi cùng sự thay đổi, phát triển của người dân nơi đây, tôi rất vui khi đã góp một phần nhỏ công sức trong việc khai hoang!” - ông Nghiệp tâm sự.

Cùng chia sẻ niềm vui trước sự đổi thay trên vùng đất phèn năm xưa, chúng tôi còn cảm nhận được nỗi xúc động của các đồng chí lão thành khi chứng kiến những đổi thay kỳ diệu trên vùng đất phèn chua ĐTM cách đây hơn 25 năm. Vui vì ĐTM - Tân Phước bây giờ đã và đang chuyển mình, dần dần phát triển thành đô thị xanh!

Xúc động vì sau 25 năm khai hoang vùng đất này đã có nhiều công sức, mồ hôi và nước mắt của quân và dân ta đổ xuống khi phải đấu tranh với lũ lụt, khắc nghiệt của thiên nhiên và sự cạnh tranh giá cả hàng nông sản của cơ chế thị trường!

Tuy nhiên, vượt lên trên hết vẫn là sự nỗ lực, cần cù, vượt khó của cấp ủy, chính quyền, người dân vùng ĐTM - Tân Phước nói riêng và tỉnh nhà nói chung để khai phá, chinh phục vùng đất phèn “khỉ ho cò gáy” thành vùng đất giàu tiềm năng về nông nghiệp, du lịch xanh, công nghiệp…

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước nêu ra những số liệu cơ bản của địa phương trong việc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội: Hình thành và phát triển vùng khóm nguyên liệu với 15.263 ha, sản lượng hàng năm đạt 261.900 tấn; cải tạo diện tích lúa từ 1 vụ bấp bênh lên 3 vụ ăn chắc, nâng diện tích gieo sạ hiện nay là 17.500 ha với năng suất bình quân 6 tấn/ha.

Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp quy mô lớn đang hình thành như Khu công nghiệp Long Giang (540 ha), Cụm công nghiệp Phước Lập (25 ha) cùng 364 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Huyện đã xây dựng được 20 tuyến và 6 cụm dân cư, bố trí cho trên 2.000 hộ vào ở ổn định và đảm bảo cho hơn 3.500 hộ có sẵn ở các tuyến khỏi bị ngập lũ hàng năm, tạo điều kiện ổn định cuộc sống, phát triển ngành nghề nông thôn.

Toàn huyện có 90% số hộ sử dụng nước sạch từ các trạm cấp nước; 99,8% hộ dân sử dụng điện; 33 trường học được xây dựng kiên cố với 100% giáo viên đạt chuẩn; 100% ấp (khu phố) có cán bộ y tế. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 45% xuống còn 11%, xóa hẳn hộ đói…

Xin mượn lời của ông Huỳnh Văn Niềm, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, để kết thúc bài viết này: “Tôi thực sự vui mừng trước những đổi thay lớn lao về kinh tế - xã hội của vùng đất ĐTM - Tân Phước qua 25 năm khai hoang.

Nhớ 25 năm về trước, để động viên đồng bào vào khai hoang, tôi đã viết “so với nhiều nơi đã biến sỏi đá thành cơm thì không có lý do gì chúng ta không thể biến vùng phèn nặng này thành một vùng quê trù phú”. Và những đổi thay hoàn toàn của vùng đất ĐTM - Tân Phước hôm nay so với thời điểm cách đây 25 năm là một thành tựu đáng tự hào của tỉnh nhà”!.

PHÙNG LONG

.
.
.