Thứ Hai, 22/09/2014, 14:37 (GMT+7)
.

Châu Thành: Kết quả trong ứng dụng CNTT cho tuyến truyền thanh cơ sở

Huyện Châu Thành hiện có 1 Đài Truyền thanh - Truyền hình, 23 đài truyền thanh cơ sở (xã, thị trấn) và 110 trạm truyền thanh ấp, trong đó có 60 trạm truyền thanh không dây.
 
Trước đây, khi nói đến đài truyền thanh xã thì người dân lại nghĩ ngay đến tiếng phát thanh ù rè trên những chiếc loa được mắc trên các cột điện hay ở những nhánh cây cao. Tiếng nói phát ra từ những tiếng loa này kèm theo nhiều tiếng nhiễu hay tạp âm xen lẫn tiếng của người đọc tin tức hay thông báo, những tiếng nhạc chèn, nhạc cắt không bảo đảm chất lượng, đứt quãng vì thu bằng máy cassette đã từng làm người dân ở khu vực lấy làm khó chịu.

Đầu năm 2013, Huyện ủy, UBND huyện đã đầu tư kinh phí để trang bị cho mỗi đài truyền thanh xã, thị trấn 1 bộ máy vi tính, cấu hình mạnh với trị giá mỗi bộ máy hơn 12 triệu đồng. Nhiều xã cũng bố trí cho đài cơ sở có một nơi làm việc riêng biệt, bảo đảm cho việc bảo quản, vận hành máy, nối mạng internet để phục vụ tốt hơn cho việc tiếp âm đài cấp trên cũng như trong thực hiện các chương trình thời sự địa phương và nhu cầu thông tin tại cơ sở.

Sau khi trang bị máy vi tính cho 23 đài truyền thanh cơ sở, kỹ thuật đài huyện đã đề xuất tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ phụ trách truyền thanh  trong 3 đợt, mỗi đợt cho 1 nhóm đối tượng khác nhau như: những người mới làm quen máy vi tính; những người đã biết sử dụng nhưng chưa thành thạo; những người đã biết đánh văn bản nhưng chưa quen với các phần mềm xử lý âm thanh chuyên dụng, với thư điện tử.

Qua đó, nhiều cán bộ truyền thanh cơ sở đã cơ bản thực hiện được những yêu cầu cho nhiệm vụ chuyên môn hàng ngày của mình. Có máy vi tính, được bố trí nơi làm việc tương đối thuận lợi nên nhiều cán bộ phụ trách truyền thanh xã tuy đã có tuổi nhưng vẫn cố gắng khắc phục khó khăn, tự học, tự mày mò để có thể đánh máy tin bài, gửi email.

Nhiều cán bộ truyền thanh xã còn biết thu âm và xử lý âm thanh bằng phần mềm chuyên dụng, giúp cho các buổi tiếp âm, phát thanh của đài truyền thanh cơ sở được nâng lên về mặt chất lượng. Đáng chú ý, nhờ có mạng internet, nhiều đài xã đã áp dụng việc tiếp âm đài Trung ương, đài tỉnh qua các cổng thông tin điện tử nên chất lượng âm thanh rất rõ, không còn bị ù rè như trước đây.

Từ khi ứng dụng công nghệ thông tin, cán bộ truyền thanh xã, thị trấn trong huyện đã gặp rất nhiều thuận lợi trong công việc chuyên môn hàng ngày. Anh Hữu Thời (xã Nhị Bình) cho biết: Lúc chưa có máy vi tính, hàng ngày anh phải viết tin bằng tay và phải viết ra nhiều bản vì vừa để sử dụng tại đài xã, gửi cộng tác với đài huyện và phải có chứng từ để quyết toán nhuận bút tại xã. Sau này anh viết bằng giấy than, để viết một lần ra được 3 bản, nhưng chỉ rõ ở bản chính, các bản sao lại bị mờ khó sử dụng.

Khi có máy vi tính thì mọi việc được giải quyết một cách dễ dàng, anh chỉ cần đánh máy tin, bài một lần, sửa lỗi dễ dàng, khi cần sử dụng bao nhiêu bản thì in ra. Trước đây, khi viết tin, bài xong phải cho vào bao thư, dán tem và gửi bằng đường bưu điện để cộng tác với đài huyện, nên thường bị tiếp nhận chậm trễ, mất tính thời sự. Còn bây giờ, khi đánh máy tin, bài xong, anh gửi mail để cộng tác với đài huyện rất nhanh chóng và tiện lợi.

Còn anh Nguyễn Văn Lành, cán bộ phụ trách truyền thanh xã Đông Hòa trước đây khi thực hiện chương trình thời sự xã thì “ngán” nhất là khâu thu âm vì phải thu bằng máy cassette. Anh cho biết, mỗi khi đọc xong 1 bản tin thì tạm ngưng để chuẩn bị cho bản tin tiếp theo, hay khi đọc mà chẳng may có tạp âm là phải xóa đi thu lại.

Tuy nhiên, vẫn chưa cực bằng việc lồng nhạc cắt vì anh phải sử dụng 1 máy cassette khác để phát nhạc và cho thu vào, vì thế chất lượng rất kém, không tạo hứng thú cho người nghe. Từ khi sử dụng máy vi tính và phần mềm chuyên dụng thì việc làm nhạc chèn, nhạc cắt, nhạc lồng thật dễ dàng, tiện lợi, chất lượng rất tốt, chương trình phát thanh đảm bảo tính chuyên môn cao.

HỒNG VỊ

.
.
.