Thứ Hai, 20/10/2014, 13:51 (GMT+7)
.

Chị Phạm Thị Ngọc Loan phụ nữ "2 giỏi"

Chị Phạm Thị Ngọc Loan đảm nhiệm chức vụ Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Mỹ Lợi (xã Phước Lập, huyện Tân Phước) chưa đầy năm, nhưng đã thể hiện được bản lĩnh của mình. Chị được chị em trong ấp quý mến bởi đức tính mộc mạc, gần gũi với hội viên, nắm rõ từng hoàn cảnh, nhu cầu của hội viên trong ấp.

Chị Loan chia sẻ: “Đa số phụ nữ ấp Mỹ Lợi sống bằng nghề trồng khóm, chăn nuôi hoặc đi làm công nhân ở khu công nghiệp nên đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Tôi đã tham mưu với Hội LHPN xã xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tại gia đình cho chị em như mô hình trồng nấm rơm, đan lát, ươm cây bạch đàn… để tăng thêm thu nhập cho chị em”.

Chị Loan vận động người dân đóng góp tiền mua vật liệu sửa lại các chân cầu.
Chị Loan vận động người dân đóng góp tiền mua vật liệu sửa lại các chân cầu.

Chi hội Phụ nữ ấp Mỹ Lợi hiện có 407 hội viên, được chia làm 20 nhóm. Chị Loan đã vận động chị em trong nhóm giúp đỡ lẫn nhau bằng nhiều hình thức như giúp cây, con giống; góp vốn xoay vòng… Hơn 200 hội viên trong chi hội còn được Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế cho vay trên 300 triệu đồng và Quỹ Xóa đói giảm nghèo giúp trên 100 chị em vay để xây dựng và nhân rộng các mô hình nêu trên. Qua đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong ấp từ 15,5% xuống còn dưới 11%.

Chị Loan còn đảm nhiệm tốt nhiều chức trách như: Tổ trưởng Tổ Nhân dân tự quản; Phó Chủ nhiệm CLB Nuôi con bằng sữa mẹ; Phó Chủ nhiệm CLB Gia đình hạnh phúc; cộng tác viên dân số. Chị cho biết: “Thông qua tổ chức sinh hoạt các CLB, chị càng hiểu hơn tâm tư, nguyện vọng của chị em. Từ đó chị  lồng ghép sinh hoạt nội dung học tập và làm theo Bác gắn với chủ đề “Giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ thời kỳ CNH-HĐH đất nước”…, giúp chị em ngày càng tiến bộ.

Lúc chúng tôi đến, chị Loan đang chuẩn bị đi vận động người dân trong ấp đóng góp tiền và ngày công lao động để gia cố lại 6 chân cầu bị sụp lún trên đoạn đường đê phía Đông kinh Nguyễn Tấn Thành. Chị cho biết: “Cứ đến mùa mưa là các chân cầu bị lún, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân trong ấp. Đây là lần thứ 3 chị đi vận động và được bà con trong ấp nhiệt tình hưởng ứng”.

Chị Loan đã nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp trao tặng. Bằng khen mới nhất là giải Nhất Cuộc thi Chi hội trưởng phụ nữ giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2013 chị được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ tặng Bằng khen về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cán bộ hội.

Trong gia đình, chị Loan còn là người con ngoan, người mẹ hiền và là người vợ đảm đang. Từ 2 công đất ruộng ông bà cho, nhờ cần cù lao động, chị Loan cùng chồng là anh Lê Văn Trung đã mua thêm 4 công đất trồng lúa.

Chị Loan từng trăn trở: Với mấy công đất trồng lúa thì chỉ đủ ăn, chứ không khá được thì làm sao giúp chị em trong ấp. Với suy nghĩ đó, chị xây dựng mô hình ươm bạch đàn, tìm đầu ra để phát triển mô hình này.

Chị Loan cho biết: “Ươm bạch đàn là công việc không mới, không bỏ nhiều vốn, chiếm ít đất, nhưng đòi hỏi người ươm chịu khó chăm sóc. Từ khi gieo hạt đến khi cây phát triển khoảng 1 tấc thì cấy vào bầu xuất bán”. Mỗi đợt (khoảng 10 ngày) chị xuất bán 1 lần 20 - 30 thiên, giá bán 1 thiên (1.000 cây) từ 120.000 đến 150.000 đồng. Chị còn vận động 20 chị em trong ấp gắn bó với nghề ươm bạch đàn.

Có thể nói, chị Loan là điển hình phụ nữ “2 giỏi” - giỏi việc hội và đảm việc nhà.

P. MAI

.
.
.