Thứ Sáu, 17/10/2014, 12:33 (GMT+7)
.

Giảm nghèo bền vững: Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2020 nhằm mục tiêu cuối cùng là hộ nghèo thoát nghèo một cách căn cơ. Sau 3 năm thực hiện nghị quyết, công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được thành tựu rất đáng khích lệ.

NHIỀU NGUYÊN NHÂN NGHÈO

Ai cũng mong ước có được cuộc sống sung túc, thế nhưng đâu phải ai cũng được như mong ước. Trong xã hội vẫn còn đó những gia đình phải “ngụp lặn” trong nghèo khó, túng quẩn. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2013, toàn tỉnh có 28.335 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,33% hộ dân toàn tỉnh; 22.448 hộ cận nghèo mức 1 và 6.254 hộ cận nghèo mức 2.

Việc làm ổn định là điều kiện cần thiết để người nghèo thoát nghèo bền vững.
Việc làm ổn định là điều kiện cần thiết để người nghèo thoát nghèo bền vững.

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Nguyên nhân nghèo của mỗi hộ cũng khác nhau. Theo kết quả điều tra, phân tích nguyên nhân nghèo của tỉnh, hơn 35% hộ nghèo do không có hoặc thiếu đất sản xuất, thiếu tư liệu sản xuất, thiếu vốn; 20% hộ nghèo do thiếu kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; khoảng 17% thiếu việc làm; hơn 10% hộ nghèo do thiếu lao động; 12% hộ nghèo do có đông người ăn theo; còn lại là do những nguyên nhân khác như nhà có người bệnh nan y hoặc có người chây lười lao động…

Trên cơ sở phân tích nguyên nhân nghèo của hộ nghèo trên địa bàn, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ để giúp hộ nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống. Trong đó, tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo cụ thể hàng năm sát với điều kiện thực tế.

NỖ LỰC TRỢ GIÚP

Thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết 04 về tăng cường lãnh đạo thực hiện Chương trình Xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm đến năm 2010 và sau đó tiếp tục ban hành Nghị quyết 08 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh tiếp tục có sự chuyển biến quan trọng và đạt được hiệu quả rất đáng khích lệ.

Thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế, trong quý I-2014 tỉnh đã chi gần 15 tỷ đồng mua bảo hiểm y tế cho 95.482 người nghèo. Chính sách hỗ trợ y tế đã đem đến cho người nghèo cơ hội chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Vì hiện tại, theo quy định của Nhà nước, người nghèo chỉ đồng chi trả 5% chi phí điều trị bệnh. Đặc biệt, người nghèo còn được thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật cao trong quá trình khám và điều trị bệnh như CT Scanner, phẫu thuật nội soi…

Trong 3 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân gần 780 tỷ đồng cho trên 150.800 lượt hộ nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi. Các đoàn thể hỗ trợ 125 tỷ đồng cho 72.000 lượt đoàn viên, hội viên là hộ nghèo vay sản xuất, kinh doanh để cải thiện cuộc sống. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho trên 50.000 lượt người nghèo.

Ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện miễn hoặc giảm học phí gần 10 tỷ đồng cho 111.805 lượt học sinh nghèo. Tỉnh tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông nông thôn cho các xã nghèo vùng bãi ngang ven biển. Quỹ “Vì người nghèo” giúp xây dựng trên 5.000 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội đã giải quyết việc làm cho hơn 65.000 lao động...

Những giải pháp giảm nghèo trên đã phát huy hiệu quả. Cụ thể, trong 3 năm 2011 - 2013 toàn tỉnh có 22.394 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 6,33%. Đây là thành quả xóa đói giảm nghèo rất đáng trân trọng và biểu dương. Tuy nhiên, vấn đề chỉ tiêu và thành tích của địa phương vẫn còn tác động không nhỏ đến việc bình xét hộ nghèo, hộ thoát nghèo.

GIẢM NGHÈO PHẢI THỰC CHẤT

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, không ít đại biểu Quốc hội băn khoăn về thực chất kết quả giảm nghèo của cả nước trong những năm qua. Đáng lo ngại là có một số địa phương xuất hiện tình trạng phân bổ chỉ tiêu hộ nghèo, hộ thoát nghèo. Vì vậy kết quả giảm nghèo chưa phản ánh được thực trạng hộ nghèo trên địa bàn, dẫn đến một số hộ thoát nghèo trong tình trạng còn rất nghèo nên không tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Chính vì lẽ đó, tháng 7-2013 Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Công văn 2578/LĐTBXH-BTXH về việc chấn chỉnh công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm. Theo đó, mục tiêu giảm nghèo hàng năm đề ra nhằm mục đích để các cấp xây dựng kế hoạch và giải pháp tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo.

Các địa phương cần tổ chức phân loại hộ nghèo trên địa bàn, xây dựng giải pháp hỗ trợ cụ thể cho từng hộ trên cơ sở các chính sách giảm nghèo hiện hành và nhu cầu của hộ nghèo. Công văn này cũng nhấn mạnh: “Kết quả giảm nghèo sẽ chỉ được xác định thông qua việc tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn hàng năm, chứ không căn cứ vào mục tiêu kế hoạch đề ra”.

Để kết quả giảm nghèo trên địa bàn tỉnh phản ánh đúng thực chất, Sở LĐ-TB&XH cũng đã có công văn chỉ đạo hệ thốngLĐ-TB&XH cấp huyện, cấp xã về việc chấn chỉnh công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và đăng ký thoát nghèo; đồng thời Sở cũng tiến hành tập huấn cho cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp huyện, cấp xã về chủ trương, phương pháp, thủ tục và quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, công nhận hộ thoát nghèo.

Ông Hồ Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh khẳng định: “Mặc dù không áp đặt chỉ tiêu giảm nghèo là chủ trương thống nhất chung của cả nước và tỉnh đã quán triệt đến tất cả các địa phương, nhưng qua giám sát tôi ghi nhận vẫn còn một số địa phương bị áp lực về chỉ tiêu giảm nghèo, do đó chất lượng hộ thoát nghèo chưa thật sự vững chắc.

Một số hộ nghèo dù thu nhập có vượt cao hơn tiêu chí nhưng nợ nần còn quá lớn và điều kiện sống còn khó khăn. Chúng ta cần có cái nhìn toàn diện về hộ nghèo, từ điều kiện sức khỏe, học tập, vệ sinh môi trường cho tới điều kiện sinh hoạt… chứ không thể chỉ dựa trên tiêu chí thu nhập bình quân đầu người một cách đơn thuần”.

Giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững là chủ trương thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Tuy nhiên, để hộ nghèo thoát nghèo một cách căn cơ thì song song với sự trợ giúp, tạo điều kiện của Nhà nước và cộng đồng, sự tự thân nỗ lực vượt khó của bản thân hộ nghèo, người nghèo là vô cùng quan trọng.

THỦY HÀ

.
.
.