Thứ Bảy, 11/10/2014, 05:44 (GMT+7)
.

Huyện Cai Lậy: Hiệu quả từ dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới

Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), các xã ở huyện Cai Lậy đã có những mô hình dân vận khéo hiệu quả, huy động sức dân hoàn thành nhiều tiêu chí.

Tuyến đường Nam Nguyễn Văn Tiếp (ấp 2, xã Thạnh Lộc) vừa được mở rộng theo chuẩn NTM.
Tuyến đường Nam Nguyễn Văn Tiếp (ấp 2, xã Thạnh Lộc) vừa được mở rộng theo chuẩn NTM.

Những ngày này, tuyến đường Nam Nguyễn Văn Tiếp (ấp 2, xã Thạnh Lộc) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công giai đoạn 2. Đây là công trình in đậm dấu ấn dân vận khéo của chính quyền xã trong thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM.

Để xây dựng tuyến đường này, ngoài kinh phí đầu tư của Nhà nước, còn có sự đồng lòng, góp sức của bà con trong khu vực, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất để mở rộng đường. Ông Trần Văn Mười, một người dân địa phương chia sẻ:

“Ngay khi chính quyền xã vận động, tôi đã tự nguyện hiến phần đất cặp đường để công trình sớm thi công. Con đường trải đá xanh nhỏ hẹp giờ được thay bằng con đường mới khang trang không chỉ là niềm vui của riêng tôi mà còn là của bà con xung quanh. Bây giờ, xe 2 bánh chở nông sản lưu thông thuận tiện, không còn cảnh nắng bụi, mưa lầy”.

Sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, các xã ở huyện Cai Lậy đã huy động nguồn lực trong nhân dân hoàn thành nhiều tiêu chí quan trọng, đặc biệt là tiêu chí giao thông và thủy lợi.

Đến nay, các xã NTM đã thi công, sửa chữa 396 công trình cầu, đường giao thông, thủy lợi nội đồng với tổng vốn đầu tư 121,6 tỷ đồng. Trong đó, người dân đã tự nguyện đóng góp kinh phí, hiến đất, hoa màu và ngày công lao động để hoàn thành nhiều công trình theo kế hoạch. Những công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm đã thay đổi bộ mặt các xã xây dựng NTM.

Có được thành công này, các xã đã làm tốt công tác vận động, tuyên truyền ý nghĩa của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM. Việc lấy ý kiến người dân khi xây dựng đồ án, đề án quy hoạch được thực hiện nghiêm túc.

Ngay khi tiến hành thi công các công trình, lãnh đạo các ấp đều lấy ý kiến hộ gia đình, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; đồng thời trao đổi, tiếp thu ý kiến đóng góp của bà con, vận động cán bộ, đảng viên  gương mẫu đi đầu.

Không chỉ làm tốt công tác dân vận trong xây dựng cơ sở hạ tầng, các địa phương còn vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, giảm nghèo hiệu quả. Các xã xây dựng NTM đều xây dựng dự án phát triển sản xuất phù hợp, phát huy thế mạnh kinh tế đặc thù của xã. Những mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, gắn liên kết sản xuất và tiêu thụ ngày càng được mở rộng.

Tại vùng trọng điểm sản xuất lúa hàng hóa ở phía Bắc Quốc lộ 1A, ngành Nông nghiệp khuyến khích nông dân nhân rộng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, mô hình “Thực hành công nghệ sinh thái trong quản lý rầy nâu và bệnh virus trên cây lúa” nhằm từng bước chuyển đổi tập quán sản xuất, tạo mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ.

Tại các xã phía Nam, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP được nông dân quan tâm thực hiện, hướng đến thị trường tiêu thụ bền vững và xuất khẩu. Về ấp 3, xã Cẩm Sơn - nơi được xem là “quê hương mới” của cây sầu riêng, lại nghe chuyện nhiều nông dân vươn lên khá giàu từ loại cây trồng này. Đây cũng là thành công của xã trong vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Hiện nay, hầu hết diện tích đất nông nghiệp ở xã đã được nông dân chuyển thành vườn chuyên canh các loại cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bưởi da xanh, trong đó sầu riêng là loại cây trồng chiếm ưu thế với 50% diện tích.

Để tiếp sức cho nông dân phát huy lợi thế kinh tế vườn, xã Cẩm Sơn đã tranh thủ các nguồn vốn vay lãi suất thấp hỗ trợ nông dân, tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, khuyến khích nông dân thực hiện mô hình sản xuất cây ăn trái theo hướng an toàn, đáp ứng yêu cầu thị trường. Anh Ngô Văn Phiến, một nhà vườn chuyên canh sầu riêng ở ấp 3 cho biết:

“Qua định hướng của chính quyền xã và hệ thống đê bao khép kín được đầu tư hoàn thiện mà nông dân chúng tôi yên tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện nay, thu nhập từ 5 công đất vườn chuyên canh sầu riêng trên 150 triệu đồng mỗi năm, nhờ cây sầu riêng mà kinh tế gia đình ổn định hơn trước”.

Hiện nay, trong 15 xã xây dựng NTM của huyện Cai Lậy, 3 xã điểm: Tam Bình, Ngũ Hiệp và Thạnh Lộc đã đạt từ 8 - 15 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 5 - 8 tiêu chí. Bắt tay vào xây dựng NTM, nhiều xã ở huyện Cai Lậy có xuất phát điểm với nhiều khó khăn, thách thức.

Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là tập trung làm tốt công tác dân vận đã góp phần thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn. Mỗi mô hình dân vận khéo là một bước tiến của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn huyện Cai Lậy.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.