Thứ Sáu, 27/02/2015, 13:48 (GMT+7)
.

Tân Hòa Thành: Đồng hành cùng thanh niên trong phong trào lập thân, lập nghiệp

Tiêu biểu trong phong trào này phải kể đến anh Nguyễn An Khương, ngụ ấp 3. Sau thời gian đi làm mướn tại các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương, anh quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Từ đây, anh đã mạnh dạn đầu tư mua trang thiết bị, sửa chữa mặt bằng để hình thành nên cơ sở may gia công quần áo.

Được thành lập vào đầu năm 2014, vượt qua nhiều khó khăn của một thanh niên ban đầu lập nghiệp như: Thiếu vốn sản xuất, nguồn nhân lực và thị trường… đến nay cơ sở của anh Khương đã buớc đầu đem lại hiệu quả. Hiện tại với 20 máy may và 15 lao động, cơ sở may gia công quần áo của anh hàng ngày cho ra từ 300 - 400 sản phẩm, cung cấp cho các đại lý tại Long An và TP. Hồ Chí Minh.

dd
Mô hình trồng nấm bào ngư xám của anh Trương Quốc Toàn ở ấp 4.

Qua đó, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động trong xã, nhất là lao động không có tay nghề. “Thời gian tới tôi sẽ cố gắng học hỏi và tranh thủ sự hỗ trợ của Ban Chấp hành Xã đoàn để mở rộng cơ sở, đầu tư thêm máy may và tuyển thêm công nhân để cơ ở may thật sự là cơ hội tạo việc làm cho các thanh niên ở vùng sâu và thiếu tay nghề” - Anh Khương cho biết.

Cũng là thanh niên tiêu biểu của xã Tân Hòa Thành trong phong trào thanh niên lập nghiệp, anh Lê Văn Chính cho biết: Trước kia đi làm thuê tại TP. Hồ Chí Minh với mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau khi lập gia đình, nhận thấy cuộc sống bấp bênh nên anh quyết định về quê phát triển kinh tế nhằm ổn định cuộc sống và có điều kiện lo cho con ăn học. Với ý chí, quyết tâm và chịu khó học hỏi, anh chọn nuôi bò thịt và trồng hoa màu thay vì trồng lúa. Tuy lúc đầu có khó khăn nhưng đến nay anh đã thành công và cuộc sống kinh tế gia đình đã ổn định.

Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, anh Trương Quốc Toàn đã quyết định về quê lập nghiệp. Được bạn bè giới thiệu, anh tìm tới Trung tâm ứng dụng khoa học - công nghệ của tỉnh tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật trồng nấm bào ngư xám. Sau đó, anh dựng mới 1 trại, còn 1 trại thì anh tận dụng chuồng heo cũ để trồng. Chỉ hơn 1 năm trồng nấm, anh thu hoạch hàng chục tấn nấm, thu lãi hàng chục triệu đồng.

Có được những kết quả trên, ngoài sự cố gắng và nỗ lực của thanh niên, còn có sự hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành và Xã đoàn. Theo đó, Xã đoàn đã thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân và các ngành của xã tổ chức 70 cuộc chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho thanh niên; tổ chức 4 điểm trình diễn nuôi ếch, 15 điểm trình diễn nuôi bò, tổng số vốn hơn 200 triệu đồng…

Anh Nguyễn Thanh Phú, Phó Bí thư Xã đoàn Tân Hòa Thành cho biết: “Trong thời gian tới, Xã đoàn tiếp tục phối hợp với các đoàn thể của xã tổ chức thêm các lớp tập huấn về việc làm và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho thanh niên, để  các bạn ứng dụng vào sản xuất có hiệu quả. Tạo điều kiện giúp thanh niên trong xã hình thành những tổ, nhóm giúp nhau cùng tiến, san sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ về giống, vốn để có cơ hội không chỉ xóa nghèo mà còn vươn lên làm giàu”.           

    P. MAI

.
.
.