Thứ Tư, 15/04/2015, 13:57 (GMT+7)
.
Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh:

Đến với những mảnh đời bất hạnh bằng tình thương và trách nhiệm

Cùng với Đảng, Nhà nước chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh (gọi tắt là Hội Bảo trợ tỉnh) hoạt động với tính chất là một tổ chức xã hội - từ thiện, được thành lập từ năm 2003. Từ đó đến nay, Hội đã đảm nhận khá tốt vai trò là nhịp cầu kết nối những tấm lòng nhân ái với những hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội, là “địa chỉ đỏ” của bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi.

Tiền Giang hiện có hàng ngàn mảnh đời bất hạnh được hưởng trợ cấp xã hội. Bên cạnh đó, cũng có không ít đối tượng người tàn tật, bệnh nhân nghèo, trẻ em mồ côi… chưa có nghề nghiệp và việc làm ổn định, hầu hết sống dựa vào gia đình, người thân và cộng đồng. Vì thế, họ rất cần được xã hội quan tâm chăm sóc.

Trao quà cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa Cai Lậy.
Trao quà cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa Cai Lậy.

Bà Võ Thị Chín, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ tỉnh tâm sự: “Hàng năm, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện trợ cấp thường xuyên hàng tháng cho một số đối tượng. Còn nhiều đối tượng khác đang rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng, xã hội và những tấm lòng nhân ái khắp nơi.

Trước thực tế này, sự ra đời của Hội Bảo trợ thực sự là cứu cánh hết sức hữu hiệu. Hội quyết tâm chăm lo, trợ giúp thiết thực, kịp thời, đúng đối tượng về đời sống vật chất lẫn tinh thần, nhất là việc trị bệnh, phẫu thuật mắt, tim, chỉnh hình phục hồi chức năng vận động, hỗ trợ xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật, người nghèo…”.

5 năm qua, đã có trên 550 lượt cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân đóng góp ủng hộ tiền và hiện vật, quy ra tiền trên 58 tỷ đồng. Thông qua vận động, Hội đón nhận sự đồng cảm, sẻ chia, chung tay góp sức của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, các tổ chức xã hội, tôn giáo, các doanh nghiệp, công ty, các nhà hảo tâm… trong, ngoài tỉnh và nhiều hội viên đã đóng góp tiền của, công sức giúp đỡ tích cực cho bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh gặp khó khăn trong cuộc sống.

Tiêu biểu như: Tổ chức SWHH, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. Hồ Chí Minh, Hội Thánh Phúc âm ngũ tuần, Quỹ Hỗ trợ cựu chiến binh nghèo TP. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Một thành viên Xổ số Kiến thiết Tiền Giang, Hội Nông dân tỉnh, chùa Tịnh Nghiêm, Linh mục Nguyễn Tấn Sang...

Ngoài ra, còn có nhiều Việt kiều về quê đóng góp, đặc biệt là có những gia đình lấy tiền phúng điếu đám tang người thân ủng hộ cho quỹ hội như: Gia đình ông Hồ Văn Thạnh, gia đình ông Hoàng Phương Truyện (Năm Ngọc), gia đình ông Huỳnh Kiến Trung, gia đình ông Lê Văn  Hưởng….

Có những người lao động có mức sống trung bình vẫn đều đặn đóng góp hàng tháng vào quỹ hội từ nhiều năm qua như gia đình chị Tất Thị Kim Anh (phường 2, TP. Mỹ Tho)… Và không thể kể hết những đóng góp âm thầm của nhiều tổ chức, cá nhân.

Cầm suất học bổng vừa được Hội Bảo trợ tỉnh trao, em Nguyễn Tấn Phát, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Tân Thới, huyện Tân Phú Đông xúc động: “Ba em bỏ mẹ con em từ khi em còn rất nhỏ. Hàng ngày mẹ vất vả đi bán vé số để nuôi em ăn học. Được sự giúp đỡ của các cô - chú, em có điều kiện mua tập, sách đến trường. Em hứa sẽ học tập thật tốt để không phụ lòng của mẹ, thầy cô và các cô - chú đã giúp đỡ!”.

Hay như hoàn cảnh của em Đặng Nhựt Quang, học sinh Trường Tiểu học Phú Tân, huyện Tân Phú Đông phải sống với ông bà nội già yếu, vì hoàn cảnh khó khăn mà mẹ của Quang đã bỏ đi, còn ba Quang thì lâm cảnh tù tội… Những suất học bổng, những phần quà của Hội Bảo trợ tuy không nhiều, nhưng đã phần nào giúp các em vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Trao xe lăn cho người khuyết tật.
Trao xe lăn cho người khuyết tật.

Một trong những hoạt động được Hội tiến hành khá thường xuyên và mang lại hiệu quả thiết thực là Chương trình “Đem ánh sáng đến cho người mù nghèo”. Đây được xem là chương trình trọng tâm của Hội. Từ chỗ sống trong tăm tối, chương trình đã đem lại ánh sáng cho hơn 3 ngàn người mù nghèo.

Hội còn thường xuyên tổ chức những bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các bệnh viện; hỗ trợ mổ tim cho 479 bệnh nhân bị bệnh tim bẩm sinh, trong đó có 204 người lớn và 275 trẻ em; trao 1.518 chiếc xe lăn và 52 xe lắc; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho 2.664 bệnh nhân nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách ở vùng sâu, vùng xa; khám và chữa răng miễn phí cho 698 học sinh nghèo.

Hội tổ chức khám mắt và tặng quà cho 700 em khuyết tật; tổ chức trao 1.091 suất học bổng cho học sinh nghèo; hỗ trợ tiền trị bệnh cho 295 bệnh nhân nghèo nằm điều trị ở các bệnh viện trong và ngoài tỉnh; thăm và tặng 456 phần quà tết cho bệnh nhân nghèo còn nằm điều trị ở các bệnh viện; hỗ trợ 30 tấn gạo cho người nghèo, các bếp ăn từ thiện ở các bệnh viện; vận động xây 7 “Mái ấm trái tim” và hỗ trợ xây 1 cầu nông thôn.

Ngoài ra, các chi hội và hội viên đã vận động hỗ trợ tiền, quà cho bệnh nhân nghèo nằm viện và cung cấp hàng trăm ngàn suất ăn miễn phí ở các bệnh viện; trao học bổng, tập sách, xe đạp, thực phẩm cho học sinh, hộ nghèo... với tổng số tiền trên 16 tỷ đồng.

Những kết quả mà Hội đã đạt được trong thời gian qua thực sự mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, tác động mạnh mẽ đến đời sống tình cảm của đông đảo nhân dân trong tỉnh. Đặc biệt, với người dân nghèo, Hội là điểm tựa đáng tin cậy.

Ông Phan Văn Hà, Chủ tịch Hội Bảo trợ tỉnh cho biết: “Trong quá trình hoạt động, Hội vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí lẫn nhân lực, rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm giúp tháo gỡ khó khăn, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Thương người như thể thương thân” ủng hộ hơn nữa hoạt động của Hội trong thời gian tới”.

MINH THÙY

.
.
.