Thứ Tư, 22/04/2015, 14:45 (GMT+7)
.

Mục tiêu giảm nghèo đã về đích sớm

“Chỉ tiêu phản ảnh tổng hợp nhất mọi hoạt động kinh tế” là chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015 đặt ra đến năm 2015 còn từ 4,5 - 5%. Cho đến giờ này, theo kết quả rà soát Tiền Giang chỉ còn 22.644 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,98% so tổng số hộ toàn tỉnh (454.366 hộ). Như vậy có thể nói là đã về đích mục tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ dẫu còn ở mức trần cao.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, đến cuối năm 2014 số hộ thoát nghèo là 6.392 hộ, số hộ nghèo phát sinh (mới) là 907 hộ, trong đó có khoảng 120 hộ tái nghèo, như vậy số hộ tái nghèo chưa tới 2% số hộ được thoát nghèo. Tuy nhiên, một thực tế là số hộ cận nghèo cũng còn nhiều: Hộ cận nghèo mức 1 là 22.429 hộ, chiếm 4,9% và hộ cận nghèo mức 2 là 5.136 hộ, chiếm tỷ lệ 1,13% tổng số hộ toàn tỉnh.

Đây vẫn là một thách thức không nhỏ đối với công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh trong năm 2015 và các năm về sau.

Chị Nguyễn Thị Danh (xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông) chăm sóc dê do Dự án Chăn nuôi dê sinh sản cải thiện vệ sinh môi trường cung cấp. Ảnh: Ngô Văn
Chị Nguyễn Thị Danh (xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông) chăm sóc dê do Dự án Chăn nuôi dê sinh sản cải thiện vệ sinh môi trường cung cấp. Ảnh: Ngô Văn

Nhiều chính sách đi vào cuộc sống

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015, tổng hợp đến nay tỉnh đã giải ngân vốn tín dụng ưu đãi cho gần 82 ngàn lượt hộ nghèo với tổng vốn vay 743 tỷ đồng; cho 12 ngàn lượt học sinh - sinh viên vay học tập với kinh phí gần 12 tỷ đồng; hàng năm số người nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí từ 300 - 400 ngàn lượt, kinh phí thực hiện trên 70 tỷ đồng;

Miễn giảm học phí, hỗ trợ về giáo dục cho trên 81 ngàn lượt học sinh nghèo với kinh phí trên 20 tỷ đồng; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng 4.991 căn nhà, tổng số tiền hỗ trợ trên 32,2 tỷ đồng; hỗ trợ dạy nghề cho gần 21 ngàn lao động, trong đó có gần 8.000 người nghèo, giúp họ có cơ hội tìm được việc làm, hoặc tự tạo việc làm.

Theo rà soát thì có hơn 80% lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề, thu nhập kiếm thêm từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/tháng/lao động, tùy đó là việc làm thêm hay việc làm mới (đầu quân vào doanh nghiệp)...

Riêng huyện nghèo Tân Phú Đông, trong 3 năm 2012 - 2014 cũng đã được Trung ương hỗ trợ 83,7 tỷ đồng để triển khai 11 công trình cơ sở hạ tầng gồm: Trung tâm dạy nghề huyện, cầu và đường giao thông liên xã.

Đối với 11 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển của tỉnh (trước đó là 10 xã, đến năm 2013 bổ sung 1 xã  là Phước Trung, huyện Gò Công Đông) cũng đã được Trung ương đầu tư 45 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển sản xuất của nhân dân...

Đó là phần “cứng” về cơ chế, chính sách dành cho hộ nghèo, huyện nghèo. Tiếp đến phải kể đến yếu tố giúp thoát nghèo bền vững, đó là việc tìm kiếm, triển khai các mô hình, dự án hỗ trợ hộ nghèo tự lực cánh sinh. Kết quả những năm gần đây, một số mô hình đã thực sự giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững như:

Năm 2012 triển khai điểm 2 mô hình, 1 là mô hình “Chăn nuôi bò sinh sản” tại xã  Đăng Hưng Phước và xã Bình Phục Nhứt (huyện Chợ Gạo), với kinh phí thực hiện 200 triệu đồng, có 20 hộ tham gia, mỗi hộ được hỗ trợ 1 con bò trị giá 10 triệu đồng; tiếp đến là mô hình “Trồng cây mãng cầu xiêm” tại xã Tân Phú (huyện Tân Phú Đông) từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội cho 630 hộ tham gia trồng trên diện tích 375 ha.

Đến nay 2 mô hình trên đều đã “đơm hoa kết trái”; hộ nuôi bò thì từ 1 con ban đầu, nay nhiều hộ đã có “bò con, bò cháu”; hộ trồng mãng cầu thì hầu hết diện tích đều đã cho thu hoạch ổn định từ 30 - 35 tấn/ha/năm...

Tiếp đến là các dự án bạc tỷ: Năm 2013 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai Dự án “Cải thiện sinh kế cho hộ nghèo ở huyện Tân Phú Đông” hỗ trợ bò và vốn vay cho 2.400 hộ nghèo (dự án này sẽ kéo dài đến năm 2017 với tổng kinh phí khoảng 18,2 tỷ đồng); năm 2014 ngành tiếp tục triển khai Dự án “Thích ứng biến đổi khí hậu lấy trẻ em làm trọng tâm”, đã triển khai thực hiện 19 mô hình bao gồm: 5 mô hình sản xuất lúa, 13 mô hình nuôi dê an toàn sinh học, 1 mô hình nuôi gà an toàn sinh học cho 424 hộ tham gia, trong đó có 191 hộ nghèo, tổng kinh phí trên 2,3 tỷ đồng (trong đó hỗ trợ cho hộ nghèo trên 1 tỷ đồng).

Ngoài các dự án trên, còn có một số dự án tuy thuộc mục tiêu chính không phải giảm nghèo nhưng cũng đã “góp một tay” vào hoạt động giảm nghèo. Ví dụ như dự án của ngành Tài nguyên - Môi trường là Dự án “Xây dựng quan hệ đối tác nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các cộng đồng ven biển Việt Nam” (gọi tắt là dự án PRC, do Tổ chức Oxfam và Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Australia tài trợ).

Đơn cử, chỉ sau 2 năm triển khai dự án tại xã Tân Phú (huyện Tân Phú Đông) hỗ trợ 179 con dê giống cho hộ nghèo. Bà Nguyễn Thị Hồng Phụng, Phó Ban quản lý Dự án PCR của xã, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: “Mô hình sinh kế nuôi dê sinh sản từ dự án đã mang lại hiệu quả khá cao, kết thúc dự án trong năm 2014 đã có 50% số hộ nghèo đã thoát nghèo bền vững!”.

Bên cạnh các mô hình, dự án nêu trên, vào cuộc cùng hoạt động giảm nghèo còn có cả sự chung tay của nhiều tổ chức hội, đoàn thể thông qua rất nhiều mô hình, dự án nuôi dê, gà, tôm sú, luân canh giữa cua biển và tôm đất, buôn bán nhỏ, nuôi heo, bò thịt, đan lát thủ công... Kết quả, nhiều hộ nghèo tham gia mô hình có thu nhập tăng thêm ổn định, đủ điều kiện thoát nghèo bền vững.

Những hạn chế cần tiếp tục khắc phục

Kết quả giảm nghèo chung của tỉnh xét về tổng quan cho thấy đã có một sự nỗ lực hết sức cao của toàn hệ thống chính trị trên địa bàn quan tâm đến các mảnh đời khó khăn, cơ nhở. Tuy nhiên, gốc của vấn đề muốn giải quyết rốt ráo đòi hỏi phải có sự chuyển biến “từ nhận thức đến hành động” của ngay chính đối tượng thụ hưởng (hộ nghèo).

Có lẽ vì điểm khó này mà kết quả năm 2014 cũng có nhiều xã chưa đạt chỉ tiêu đề ra (33 xã), thậm chí có nơi tỷ lệ hộ thoát nghèo đạt thấp so chỉ tiêu đề ra như xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè chỉ đạt 35,38% chỉ tiêu thoát nghèo năm 2014, phường 5 TX. Cai Lậy chỉ đạt 34,29%.... đã làm ảnh hưởng đến kết quả chung.

Ngoài nguyên nhân khách quan phải chấp nhận như có những hộ chỉ toàn người già, trẻ em hoặc hộ neo đơn, hộ nạn nhân chất độc da cam... các hộ này không còn cách nào khác là phải chấp nhận thường xuyên nhận trợ cấp xã hội.

Về phía chủ quan thì có một số địa phương chưa thật sâu sát trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo; thiếu rà soát (hoặc làm còn qua loa) việc phân loại hộ, xác định nhu cầu cần giúp đỡ để có giải pháp, lộ trình hỗ trợ thiết thực cho từng hộ.

Công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về giảm nghèo chưa được tổ chức thường xuyên; về phía hộ nghèo cũng còn một bộ phận thiếu ý chí vươn lên mà cứ trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng.

Việc giám sát, đánh giá, theo dõi thực hiện các chính sách, dự án hoặc các giải pháp giảm nghèo có lúc, có nơi triển khai chưa kịp thời, thiếu kiểm tra đôn đốc nên kết quả thực hiện kế hoạch giảm nghèo đạt thấp; công tác rà soát đánh giá biến động hộ nghèo chưa phản ánh đầy đủ thực trạng hộ nghèo, một số địa phương còn nặng về thành tích, đưa nhiều hộ thoát nghèo nhưng thực tế họ vẫn còn nhiều khó khăn và nguy cơ tái nghèo cao.

Nguồn lực đầu tư cho chương trình giảm nghèo còn hạn chế; có nhiều chính sách giảm nghèo nhưng chủ yếu mang tính hỗ trợ...

Để công tác giảm nghèo tăng tính hiệu quả, trước hết cần xác định nguồn lực hỗ trợ vẫn là giải pháp hàng đầu. Nguồn lực Nhà nước cần được ưu tiên và bố trí kịp thời thực hiện các chính sách và chương trình giảm nghèo; nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế...

Điều quan trọng nhất là phải tuyên tuyền để chính bản thân hộ nghèo thật sự ý thức vươn lên tự lực cánh sinh thì những đồng tiền từ các nguồn lực trên mới thật sự phát huy hiệu quả mong muốn.

Cần chú ý, quá trình triển khai các chính sách và nguồn lực phải được công khai, minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng, tránh để so bì gây mất đoàn kết nội bộ nhân dân. Các địa phương cũng cần phải thường xuyên theo dõi hộ nghèo để biết nguyên nhân vì sao họ nghèo, đã hỗ trợ lâu mà cứ nghèo hoặc tái nghèo, nguyện vọng của hộ nghèo... để làm căn cứ xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể trên địa bàn.

Trong triển khai cần phải làm đồng bộ, hiệu quả, trong đó nên phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, tổ chức, thậm chí từng đảng viên, hội viên cùng phụ trách giúp từ 1 - 2 hộ nghèo và phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện...

QUỐC ANH

.
.
.